ClockChủ Nhật, 30/04/2017 06:01

Người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp

TTH - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với hàng ngàn công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sáng 22/4. Với sự gần gũi, cởi mở, Thủ tướng đã lắng nghe, trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn gắn liền với đời sống, việc làm, sức khỏe, chỗ ở, thiết chế văn hóa, năng suất và chất lượng sản phẩm… của người lao động.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (đoàn Thừa Thiên Huế) xúc động được trò chuyện cùng Thủ tướng

Ngay từ sáng sớm, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), 100 công nhân đến từ Thừa Thiên Huế hòa cùng hàng nghìn công nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam háo hức trước một cuộc gặp gỡ, đối thoại mà họ rất mong đợi.

Cần nâng cao tay nghề

Là người đầu tiên của đoàn Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi trước Thủ tướng, anh Nguyễn Ngọc Quang, công nhân Công ty Scavi- KCN Phong Điền đề đạt: Công nhân luôn muốn có việc làm ổn định, nhưng ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nhân độ tuổi từ 35-40 trở lên khó có cơ hội việc làm. Thủ tướng có chính sách gì để giúp công nhân bảo đảm việc làm khi còn độ tuổi lao động?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen câu hỏi hay và cho biết: một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp có dây chuyền hiện đại đều muốn sử dụng lao động trẻ và “né tránh” những lao động trung, cao tuổi. Lý do: sử dụng lao động trẻ có lợi thế nhanh nhẹn, ít thâm niên nên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động với cường độ cao. Theo đó, lao động ngoài 30 tuổi với mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng dần sẽ bị sa thải. Thủ tướng rất biết rõ vấn đề này và tập thể Chính phủ luôn lắng nghe. Chúng ta phải có biện pháp khắc phục vấn đề này bằng cách nâng cao tay nghề để chứng tỏ tuổi 35-40 không kém gì tay nghề trẻ. Đây là điều rất quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ luôn tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động.

“Chính phủ rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao năng suất lao động. Nhà nước và doanh nghiệp luôn mong muốn nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Tuổi 40 có tay nghề tốt thì vẫn được trọng dụng, còn làm chậm hơn người trẻ thì làm sao cạnh tranh được”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, dù ở độ tuổi nào thì người lao động cũng cần có ý thức lao động để nâng cao năng suất, phù hợp với yêu cầu công việc thì khi đó không còn phân biệt tuổi tác.

Anh Ngọc Quang cũng mong muốn Nhà nước quan tâm hơn về việc cho công nhân vay vốn làm nhà, và có các chế độ khác cho công nhân…

Quan tâm chính sách lao động nữ

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, công nhân Công ty HBI Việt Nam (KCN Phú Bài, TX. Hương Thủy) đã làm trong ngành may mặc hơn 25 năm, chưa bao giờ được gặp và tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao. Lần đầu tiên được gặp Thủ tướng, chị cho biết rất bồi hồi xúc động và mong được lại gần Thủ tướng hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống tận nơi bắt tay và hỏi thăm gia đình chị Thảo.

Ngay sau khi được “diện kiến” Thủ tướng, chị Phương Thảo đặt câu hỏi: Hiện nay, lao động nữ khá hài lòng với những chính sách của Đảng và Chính phủ dành cho. Tuy nhiên, sắp tới, Bộ luật Lao động sửa đổi, vậy liệu chính sách cho lao động nữ có được duy trì hay bổ sung thêm sự quan tâm nào mới không?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khá bất ngờ với câu hỏi sát sườn đến đời sống, việc làm của công nhân. Thủ tướng nói: Trong tổng số lao động ở Việt Nam, có 50% là lao động nữ. Bên cạnh công việc, lao động nữ còn có trách nhiệm rất lớn đối với gia đình. Vai trò phụ nữ rất quan trọng và vấn đề bình đẳng giới ở nước ta bao giờ cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Do đó, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đã có một số quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ như: chế độ thai sản, chế độ đối với lao động cho con bú và nhiều chế độ liên quan khác. Sắp tới đây, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.

“Trước hết, các tổ chức công đoàn phải thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Lao động, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung những điều còn thiếu, cùng tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách lao động nữ”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Chị Phương Thảo tâm sự, trong buổi đối thoại này, tôi thấy Thủ tướng rất gần gũi, từ trang phục đến phong cách rất bình dị. Khi trả lời các câu hỏi, Thủ tướng đi thẳng trọng tâm của vấn đề. Tôi nhận thấy đây là một cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa và hiệu quả.

Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với công nhân về các thông điệp của Chính phủ, về sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đến công nhân, trong đó nhấn mạnh người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến người lao động bằng cách ổn định việc làm, nâng cao chất lượng bữa ăn, xây dựng các thiết chế văn hóa. Thủ tướng cũng mong muốn công nhân đồng hành cùng với doanh nghiệp bằng cách nâng cao tay nghề, cải thiện năng suất lao động.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, nhiều công nhân cứ bịn rịn như không muốn ra về dù những gì mà Thủ tướng Chính phủ giải đáp đã đáp ứng được mong muốn của người lao động. Cuộc gặp gỡ này sẽ là động lực để người lao động hăng say hơn, làm việc tốt hơn để có thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

TIN MỚI

Return to top