ClockThứ Ba, 23/07/2019 13:45

Người lớn học vẽ

TTH - Ở độ tuổi U40, nhiều người tìm đến bộ môn hội hoạ với niềm say mê. Không cần bằng cấp, cũng chẳng phục vụ thi cử, đó là cách họ thoả mãn niềm đam mê dang dở thời tuổi trẻ

Vẽ tranh hưởng ứng Chủ nhật xanh

Người trưởng thành chọn học vẽ để cân bằng cuộc sống

Trong một lớp học mỹ thuật vắng lặng, xen giữa những gương mặt “tuổi teen” là một phụ nữ trưởng thành. Chị Anh Thư (39 tuổi, trú tại phường Phú Nhuận, TP. Huế), người học viên lớn tuổi hơn cả giáo viên đang chăm chú quan sát một chiếc đèn dầu cầm tay cách đó vài mét. Chị cẩn thận phác thảo những nét chì nhạt đầu tiên trên trang giấy vẽ để tránh bị lỗi và dễ sửa. Có lúc, chị lặng người như đang hình dung cấu trúc trừu tượng của sự tương phản trong các đường, hình dạng, bố cục và hình thức của vật mẫu. Sau đó, từng nét chì của chị chậm rãi nhưng đi đều và nhịp nhàng.

Chị chia sẻ, thuở còn nhỏ rất yêu thích môn hội họa nhưng điều kiện kinh tế không cho phép chị “mơ mộng”. Chị dần bị cuốn theo việc học, rồi những lo toan của cuộc sống để rồi bỏ lỡ niềm đam mê. Mãi đến bây giờ, khi điều kiện kinh tế đã ổn, chị muốn trở lại làm "giàu" đời sống tinh thần bằng cách đầu tư cho niềm đam mê dang dở.

Chị Thúy Hằng (34 tuổi, trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế) học vẽ vì muốn khám phá thêm về bản thân. Chị theo học một lớp mỹ thuật cùng với các bạn sinh viên tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Chị bộc bạch: “Tôi muốn biết mình có thể vẽ hay không và khoảng thời gian vẽ là lúc tôi cảm thấy thư giãn tuyệt đối. Chính tôi cũng không biết vẽ có khó hay không, chỉ cảm thấy rằng được “chơi” với màu thật sự rất vui”. Ban đầu, chị tập vẽ tượng, rồi vẽ tĩnh vật bằng bút chì. Sau đó, chị được chuyển qua học bảng màu và cách phối màu. Những bức tranh đầu tiên của chị ra đời đã đánh dấu những lần tìm đến tầng sâu của nội tâm.

Theo những người học, mỹ thuật không đơn giản chỉ là vẽ vời hay chỉ là một môn học năng khiếu, mà nó bao hàm ý nghĩa về sự miêu tả cái đẹp, cảm nhận và gợi mở trí tưởng tượng để thể hiện bản thân. Đa số cho rằng, dù có thể không trở thành họa sĩ, nhưng việc được hòa mình vào giấy, bút và màu sắc khiến họ được trở thành họa sĩ trong tâm hồn, cảm nhận được cuộc sống đa sắc màu.

Anh Ngô Thế Trường Sanh, người sáng lập Tổ hợp kiến trúc – nghệ thuật Noron (TP. Huế), cho hay, có khoảng 10% số học viên theo học các lớp hội họa ở đây là người trưởng thành. Buổi học đầu tiên sẽ là buổi kiểm tra năng lực bằng cách cho học viên vẽ tự do theo bản năng. Sau đó, dựa vào khả năng và mong muốn của người học mà giáo viên sẽ có định hướng giảng dạy riêng cho từng người.

“Người trưởng thành học vẽ vì cảm thấy thoải mái, được thỏa sức sáng tạo và thông qua đó có thể truyền tải thông điệp, thể hiện cái tôi cá nhân. Đa số người trưởng thành học vẽ vì sở thích, một số khác học để phục vụ công việc. Trước đây, có một học viên tham gia học vẽ để có thể hoàn thiện hơn trong việc chạm khắc, sơn mài các chi tiết, hoa văn độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt trên những đôi giày gỗ mộc”, anh Sanh chia sẻ.

Dù là ở lứa tuổi nào, việc sống với đam mê, thực hiện sở thích của bản thân cũng là điều đáng trân trọng. Các bức tranh cũng như là nhật ký của người vẽ, khác ở chỗ là họ dùng hình ảnh để truyền tải ý niệm.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Đam mê vượt lên bệnh tật

Giữa tháng 12 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra giải đấu Vietnam Powerlifting Competition (VPC) 2023. Giải đấu có sự góp mặt của nhiều vận động viên trên toàn quốc, trong đó có đội tuyển Powerlifting đến từ Huế, do anh Nguyễn Thanh Vỹ (1997) dẫn dắt. Rời Sài Gòn, các bạn trẻ Cố đô mang theo vinh quang trở về khi cả 4 thành viên đều giành được huy chương. Trong đó, phải kể đến vận động viên (VĐV) Hoàng Trần Trọng An (1999) khi mà mới hơn 2 năm trước, VĐV này vẫn còn tuyệt vọng vì thoát vị đĩa đệm nặng, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Đam mê vượt lên bệnh tật

TIN MỚI

Return to top