ClockThứ Hai, 02/09/2019 16:29

Người nặng lòng với dòng Hương

TTH.VN - Yêu sông Hương và ví dòng sông thơ mộng như người “mẹ” hiền thiên nhiên vĩ đại. Dòng sông ấy chảy qua phía trước ngôi nhà nơi hai vợ chồng ông trước khi xuôi dòng về giữa lòng thành phố thơ mộng. Vì thế, một cọng rác dù vô tình hay cố ý bị ai đó thả xuống dòng sông Hương lòng ông lại xót xa.

Ngày hè, tắm mát giữa dòng HươngChủ nhật xanh trong mắt em nhỏNhặt rác ngày cuối tuần

Ông là Trương Đình Ngộ - một Việt kiều Thụy Sỹ. Sau bao nhiêu năm sinh sống xa xứ ông chọn Huế để quay trở về sống an yên về già. Vì yêu Huế, yêu sông Hương, từ nhiều năm nay, ông cùng những người bạn đủ các lứa tuổi âm thầm với những hành động bảo vệ nét trong xanh, hiền hòa của dòng sông Hương.

Ông Trương Đình Ngộ - người nặng lòng với dòng sông Hương thơ mộng

Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Online, ông nói: “Tôi và vợ đã sống 40 năm ở Thụy Sỹ. Ngôi nhà bên đó nằm cạnh hồ Zurich - nơi trưa nào cũng dạo bờ hồ thư giãn, nằm đọc sách, mùa hè không có ngày nào không bơi hồ Zurich nơi nước trong xanh không một cọng rác. Về lại Huế là quê hương của Camille Huyền – vợ tôi, chúng tôi mơ ước làm được nhiều điều ý nghĩa cho quê hương”.

- Nhắc đến ông, nhiều người nhớ đến sự ra đời của nhóm thiện nguyện “Cảm ơn dòng Hương”, lên tiếng bảo vệ sông Hương, cũng như nói không với rác thải, túi ni lông... Cơ duyên nào đã đưa ông đến với những việc làm đó?

Trở lại quê hương, háo hức bao nhiêu về dòng sông thơm mát trong kỉ niệm của tuổi thơ thì chúng tôi lại xót xa bấy nhiêu. Quê hương mình xinh đẹp thế này nhưng đâu đó vẫn còn cảnh xả rác, vàng mã với đủ kiểu biến tướng.

Đó là động lực để chúng tôi kêu gọi các bạn trẻ cùng suy nghĩ thành lập nhóm “Cảm ơn dòng Hương”, tự làm dụng cụ để đi dọn rác bờ sông và vớt rác trên sông Hương.

- Bằng cách nào mà nhóm có thể kêu gọi được mọi người, thưa ông? Chắc hẳn ông và nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn?

Đúng thế, bước khởi đầu không hề dễ dàng. Thời điểm chúng tôi kêu gọi nhiều người nghĩ rằng sẽ chỉ là tiếng kêu trong sa mạc… rác và sẽ lượm rác mãi trong thầm lặng.

Cho đến khi gặp những người bạn trẻ ở Huế, phần lớn những bạn thiết tha với du lịch bền vững cùng những người mẹ, người chị lớn tuổi yêu thích bơi trên sông Hương. Họ đã có chung tình yêu với sông Hương và đồng hành với “Cảm ơn dòng Hương” bằng những hành động thiết thực, nhặt từng cọng rác, kêu gọi mọi người bảo vệ dòng sông di sản, nói không với túi ni lông, vớt rác hàng tuần trên sông Hương…

Không dừng lại, các bạn còn làm truyền thông rất tốt, kết nối được nhiều nhóm thiện nguyện khác cùng có chung tinh thần, và tình yêu thiên nhiên nơi mình đang sinh sống.

Ông Trương Đình Ngộ (phải) trong một lần cùng các bạn trẻ nhặt rác dọc theo sông Hương

Tôi nghĩ trong lòng người Huế ai cũng muốn làm điều tốt đẹp cho thành phố mình. Điều này thực sự đã thay đổi khi người đứng đầu của chính quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ viết tâm thư kêu gọi người dân: “Cúi mình xuống nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn” thì chúng tôi được nhìn người dân toàn tỉnh cùng nhau dọn rác. Chính thông điệp ấy đã làm cả Thừa Thiên Huế chuyển động.

Nhắc lại như thế để biết rằng chuyển động được nếp suy nghĩ vứt rác tùy tiện của từng người dân, thói quen đã hình thành từ bao nhiêu năm nay là cả một quá trình. Và Huế chỉ có thể thành công khi người dân chung tay với chính quyền. Rất vui, điều đó đã xảy ra!

Ngày hôm nay ở Huế, chúng ta hãnh diện là thành phố đi đầu trong cả nước không bởi chỉ chúng ta đã xây dựng thành công Đô thị thông Minh Hue-S (Smart City), mà quan trọng nhất, chúng ta đã có những lãnh đạo và người dân thông minh (smart leadership and smart citizens).

Smart City sẽ hiệu quả hơn nếu có smart leadership và smart citizens!

- Có câu chuyện nào khiến ông nhớ mãi về hành trình bảo vệ dòng Hương?

Chúng tôi cảm động và xót xa khi nhìn những thành viên trong nhóm “Cảm ơn dòng Hương” bên bãi tắm tự phát ở Kim Long. Hôm ấy có những người đến đốt vàng mã, rồi thả từng cọc, từng thúng vàng mã xuống dòng sông. Các bạn “Cảm ơn dòng Hương” tìm cách thuyết phục nhưng không thành. Thế là người đứng trên bờ đốt và thả xuống sông, người đứng dưới sông vớt lên, và cứ như thế người vất và người vớt.

Nhưng đó là kỷ niệm rồi, bây giờ người cúng vàng mã đã ý thức hơn rồi. Ngay cả ở lễ hội điện Hòn Chén năm nay đã có nhiều cải thiện vượt bậc.

- Được biết, ông đang cùng các cộng sự lên kế hoạch xây dựng bãi tắm công cộng ngay trên sông Hương. Ông có thể chia sẻ về dự án này?

Nhà thơ Nguyễn Duy có tứ thơ rất hay: “Rác đến từ trong đầu”. Và tôi nghĩ rằng, để chữa được căn bệnh này, không có cách nào khác bằng cách gầy dựng, nuôi dưỡng tình yêu với dòng Hương, với thiên nhiên.

Chúng tôi nhiều lần nói chuyện với trẻ em và biết được các em mong muốn tắm mát trong mùa hè nóng bức. Ngay cả những người lớn, họ rất hào hứng bởi đó là kỷ niệm thuở ấu thơ được bơi trên dòng sông Hương trong vắt.

Chừng đó đã thôi thúc chúng tôi lên ý tưởng, kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng để xây dựng bãi tắm cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã gây quỹ, quyên góp bằng cách biểu diễn nghệ thuật ngay tại không gian tôi đang sinh sống với sự góp mặt của rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng sự ủng hộ của người dân Huế.

Camille Huyền vợ tôi đã hứa sẽ hát cho đến khi đủ tiền xây nhiều bãi tắm như mong muốn và nhu cầu của cư dân.

Dự kiến, dự án được thí điểm ở Kim Long, đoạn đối diện Kiệt 20 Nguyễn Phúc Nguyên. Hiện tại chúng tôi đang cho thiết kế chi tiết sao cho đồng bộ với quy hoạch hai bờ sông Hương và những dự án của phía đơn vị quản lý cây xanh, cũng như phân định rõ trách nhiệm quản lý bãi tắm cộng đồng không thu phí này.

- Ông sẽ không dừng lại sau dự án này, thưa ông?

Vâng, chúng tôi mong muốn dự án thí điểm bãi tắm cộng đồng thành công để triển khai những dự định sắp tới, làm đến 5-6 bãi tắm tương tự ở hai bờ sông Hương, thích hợp với quy hoạch. Ở đó, người dân Huế và du khách có thể thư giãn nằm đọc sách dưới bóng cây những buổi trưa hè. Qua đó hy vọng sẽ kéo theo những dự án khác hình thành để bảo vệ dòng Hương, giữ gìn Huế xanh, sạch, đẹp.

Xin cảm ơn ông với những chia sẻ tâm huyết!

Phan Thành (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top