ClockThứ Sáu, 02/11/2012 07:10

Người nặng lòng với xứ Triệu Voi

TTH - Từng đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn chuyên viên nghiên cứu về Lào của cơ quan đối ngoại Trung ương Đảng, chuyên gia Nguyễn Hoài Nguyên đến nay vẫn nặng lòng với xứ Triệu Voi.

Đặt chân đến Lào năm 21 tuổi, làm nhiệm vụ quốc tế, ông Hoài Nguyên gắn bó với đất bạn từ giai đoạn chống ngoại xâm đến xây dựng đất nước. Tuy nhiên, thời điểm ông bắt đầu thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về xứ Triệu Voi từ năm 1961 – 1962, lúc về đảm nhận công việc tại Ban công tác Nghiên cứu về Lào. Bước ngoặt này giúp ông có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp xúc, tìm hiểu trên lĩnh vực dân tộc học.

Chuyên gia Hoài Nguyên và lá thư người bạn cũ gửi từ Lào

 “Tình sâu nghĩa nặng”, đó là cụm từ ông đúc kết về một thời trai trẻ gắn bó với đất nước bạn. Chính vì vậy mà ông luôn cầm bút viết. “Tôi viết ra tất cả để chạy đua với tuổi già. Chỉ sợ đến một lúc nào đó mình sẽ lãng quên những ký ức đẹp trong đời ”. Trò chuyện với tôi, như được khơi nguồn cảm xúc, ông nói một cách say sưa về lịch sử - văn hóa Lào. Đến nay, chuyên gia nghiên cứu Hoài Nguyên đã cho ra mắt nhiều tác phẩm: Truyện cổ đất nước Hoa Chăm pa, Tìm hiểu sự hình thành Mường cổ đại và chế độ tập quyền phong kiến Lào, Một số nét về nhóm tộc người Lào lùm, Lào thơng và Lào xủng, đặc biệt, ấn phẩm “Lào: đất nước - con người” được tái bản lần thứ 3.

Hơn nửa đời người làm nhiệm vụ ở nước bạn, ông Hoài Nguyên có mối quan hệ thân thiết với các vị lãnh đạo nước CHDCND Lào. Trong những chuyến công tác và thăm viếng ngoại giao giữa hai nước, những người bạn cũ vẫn đối đãi ông một cách thân tình, không nề hà nghi lễ. Kiến thức, kinh nghiệm về đất Lào có bề dày nên chuyên gia nghiên cứu Hoài Nguyên tự tin đảm nhận công việc thỉnh giảng về lĩnh vực này tại một số trường đại học ở Huế. 
 
Với đất nước bạn, ngoài tình đoàn kết hữu nghị quốc tế, đọng lại trong ông là những câu chuyện ân tình. Đó là năm 1951, lúc ông dẫn một đoàn quân vượt sông qua Champasak, một vùng ở hạ Lào bắt đầu cuộc chiến đấu giúp bạn. Đến đâu, bà con người Lào cũng thương yêu, bảo vệ. Ở đó, ông được đặt tên là Phay – bun (nghĩa là ngọn lửa hạnh phúc), được mẹ Khăm nhận làm con nuôi, còn cô gái tên Đuông – ta giúp ông học tiếng Lào và đem lòng cảm mến anh bộ đội tình nguyện Việt Nam. Cuộc chiến khiến đơn vị ông Hoài Nguyên di chuyển nhiều địa điểm, đến năm 1954, ông tình cờ gặp lại Đuông – ta. Mẹ Đuông – ta nói: “Em con ngày nào cũng ra bờ sông nhìn về dãy Trường Sơn”. Đêm đơn vị ông được lệnh vượt sông, cô đã ngồi sau cửa liếp nhìn theo và khóc. Mẹ Đuông – ta và bà con trong bản còn dùng tre rào lại khu vực in dấu chân quân tình nguyện Việt Nam. Lũ trẻ còn lấy tấm tranh làm mái che kẻo sợ nắng mưa làm xói mòn vết tích… Đó còn là câu chuyện về người lính tình nguyện Việt Nam gốc Bỉ - Frans de Boel chiến đấu tại Lào, dù bị địch đánh đập nhưng vẫn giữ một lòng trung kiên với cách mạng. Sau một thời gian tưởng địch đã thủ tiêu anh nhưng năm 1996, Frans de Boel đưa con trai về thăm Việt Nam, tìm đồng đội xưa, kể lại nội tình sự việc. Người lính tình nguyện đặc biệt này được Tổng tư lệnh QĐND Lào mời sang thăm lại chiến trường xưa…
 
Từ sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn thực hiện những chuyến đi không mỏi sang Lào, chuyến đi gần đây nhất là năm 2011. Ông đã gặp lại Công nương Nhọt kẹo Xu-pha-nu-vong, con gái của Hoàng thân Suphanuvong. “Bạn vẫn mang nặng ân tình với mình như trước kia nên bây giờ gặp lại, họ quý lắm”, ông lật lại nhật ký ảnh của những hành trình và tấm tắc. Trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Phú, ông Hoài Nguyên vẫn miệt mài viết nhiều bài nghiên cứu về mối quan hệ Việt – Lào đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Vượt qua trở ngại sức khỏe tuổi già, những bài viết của ông tiếp tục khẳng định mối tình gắn kết và giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử quan hệ giữa hai đất nước.
 
L. Tuệ 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top