ClockThứ Ba, 24/11/2015 05:12

Người nông dân không cười

TTH - Đã vào quãng giữa tháng 10 âm lịch nhưng mặt trời vẫn không chịu đi ngủ sớm. Người Huế thường ngại mưa đông phiền phức và dầm dề nhưng bây giờ, nhiều người lên Facebook nói về cái nóng ngốt ngát. Cánh chị em thì treo nỗi mong ngóng khi thấy những bộ cánh thu đông mới được sắm sửa nhưng chưa có điều kiện để diện. Bảng thời tiết luôn ở mức từ 31 đến 34 độ C trên diện rộng.

Nhưng có một dòng chảy khác, lo âu hơn, khắc khoải hơn và mong ngóng nhiều hơn nơi những người nông dân. Nỗi lo về khi lục bình không có chỗ để xô dạt nên chen chúc và ken dầy nơi những con sông kém nước. Về mùa sẽ khô trong năm tới. Về môi trường không có điều kiện để thau rửa, rồi chuột bọ, sâu rầy sẽ được đà phát sinh. Những câu chuyện và những câu hỏi ầng ậng như vậy là điều mà chúng tôi nhận được nhiều nhất khi về tuyến xã trong suốt tuần qua. Sắp qua ngày 13, và bà con xem chừng cũng đã sốt ruột chờ đến ngày 23 ta. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại chờ mưa, chờ lũ nhiều đến như vậy.

Giữa những câu hỏi và nỗi thao thiết về việc cần khơi thông nguồn chảy của con sông Như Ý dẫn nước về đồng ruộng Hương Thủy được đưa lên từ phía dưới hội trường, người anh tóc đã bắt đầu điểm bạc và đầy thâm niên trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn quay sang tôi bảo nhỏ, năm ni chắc khó, nhất là là vụ hè thu. Elninô đúng là làm người dân mất ăn mất ngủ. Mà đâu chỉ có lúa, nhiều thứ sẽ bị ảnh hưởng. Đậu, rau xanh các loại sẽ giảm sản lượng. Thanh trà cũng sẽ không ngon khi không được nuôi dưỡng bằng nguồn chất tự nhiên từ phù sa. Bắp cũng sẽ kém ngọt...
Tôi đã từng đi qua vùng miền Tây Nam Bộ mùa người Long An khắc khoải chờ lũ mang nước về cho các cánh đồng; nghe dân Đồng Tháp Mười kể về mùa nước nổi ngay trong mùa đáng ra đang là mùa nước nổi... Ngày đó, giọng người miền Tây nghe thương lắm. Những cánh đồng miền tây xấp xoãi nhìn cũng thương lắm nhưng không bao giờ nghĩ, đó là chuyện của quê mình, như bây giờ.
Không phải là vựa thóc, và đất lúa của Thừa Thiên Huế cũng chỉ đủ cho người dân một nguồn thu nhập vừa đủ, hoặc nhỉnh hơn đôi chút nếu chăm chỉ cày xới và được thời tiết ủng hộ. Nên cũng dễ nhận ra sự bồn chồn đằng sau vẻ yên tĩnh của làng quê.
Có một cơn mưa vừa qua khi tôi gõ những dòng này. Rồi cả nắng trong mưa. Nhiệt độ buổi sáng ở mức 26 độ C và cũng đang nhích dần lên. Quạt trong phòng đã chạy vù vù.
Người ta bảo, tháng 10 chưa cười đã tối. Nhưng đã vào giữa tháng 10 rồi và người nông dân vẫn không cười.
Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top