ClockThứ Bảy, 14/08/2010 16:58

Người phụ nữ đam mê những câu chuyện cổ

TTH - Những câu chuyện cổ Pakô, Tà-ôi giờ chỉ còn rất ít người biết. Và những người đó đều đã già. Thế nhưng, với mong muốn truyền lại những câu chuyện cổ, một người phụ nữ Pakô đã cất công tìm tòi, học hỏi để kẻ lại cho lớp trẻ và người trong làng mình nghe. Đó là bà Kả Vế ở làng Ta-ay, xã Hồng Trung (huyện A Lưới).        

Hàng đêm, ở căn nhà sàn nhỏ của bà Kả Vế, có nhiều người trong làng Ta-ay, xã Hồng Trung tập trung về. Lớn có, nhỏ có, nam có, nữ có. Họ đến để nghe bà Kả Vế kể chuyện. Từ nhiều năm về trước, người làng Ta-ay đã quen với hình ảnh này và quen với những câu chuyện cổ của đồng bào Pakô mà bà Kả Vế kể lại. Gian nhà sàn nhỏ này trở thành không gian của những điều vừa gần gũi với người là Ta-ay như không gian phòng moon nhà dài xưa, vừa trở thành không gian hoá thân của những nhân vật trong mỗi câu chuyện cổ Pakô qua lời kể bà Kả Vế.  

Bà Kả Vế kể chuyện trong ánh đèn đêm

 Với đồng bào miền núi, những câu chuyện cổ là một phần của đời sống văn hóa của bà con. Trong khung cảnh của những ngôi nhà sàn như thế, bao đời qua, những câu chuyện cổ nuôi dưỡng đời sống tinh thần của bà con giữa vùng rừng núi. Những câu chuyện như chàng Quan Kẹt, nàng Ta Rĩ Ta Roi hay truyền thuyết về Vua núi xây thành, Nguồn gốc người Pakô, Chuyện Đại hồng thuỷ … đã trở thành một phần văn hóa và máu thịt của bà con. Cũng từ đó, qua lời kể của một người phụ nữ như bà Kả Vế, vừa có tính gần gũi vừa thiêng liêng với người làng Ta-ay một cách kỳ lạ.

Bà sinh ra và lớn lên ở làng Tra, làng láng giềng ở phía Nam làng Ta-ay. Khi còn bé, những mùa đông lạnh giá ngồi bên bếp lửa của phòng moon giữa nhà dài, nghe các cụ già trong làng kể chuyện, bà thích lắm, mê lắm. Những câu chuyện cổ đi vào lòng bà từ những điều thật giản dị của cuộc sống miền rừng núi đến những điều huyền bí mà rừng núi đang ẩn chứa. Từng nhân vật được kể cũng từ đó đi theo bà từ bé đến nay. Để rồi, khi những người già lớp trước ra đi, bà lại là người tiếp tục kể những câu chuyện cổ mà bao đời nay người Pakô lưu truyền.
 
Là một phụ nữ có uy tín, bà tham gia vào nhiều hoạt động văn hoá của làng mình cũng như của các làng khác. Chính điều này đã giúp bà hiểu nhiều hơn những giá trị nhân văn mà mỗi câu chuyện cổ có được. Hiểu để kể và hiểu để mang lại sức sống cho mỗi câu chuyện là điều tâm huyết của bà. Bà tâm sự: “Khi còn nhỏ, tôi được ông cha kể những câu chuyện cổ về đồng bào mình. Mỗi câu chuyện là một phần của nét đẹp cuộc sống và nghi thức giao tiếp, sinh hoạt của người Pakô. Nhiều khi dó là một câu chuyện về lịch sử của đồng bào tôi. Từ xưa truyền lại và tôi nhớ nên tôi lại kể cho con cháu mình nghe, bà con trong làng nghe. Mong muốn của tôi là giữ gìn và truyền lại cho thế hệ trẻ càng nhiều câu chuyện cổ càng tốt.”
 
Ban ngày, bà Kả Vế làm nương làm rẫy. Như bao người phụ nữ Pakô khác, nương rẫy là nơi gắn bó với phần lớn cuộc đời của bà. Khi mới về làm dâu làng Ta-ay đến nay, bà đã gắn với từng khoảng nương rẫy này. Về đây, sau buổi làm nương làm rẫy, bà cũng được những người già của làng Ta-ay kể chuyện. Điều đó càng bồi đắp thêm sự hiểu biết của bà về những câu chuyện cổ Pakô.
 
Thỉnh thoảng, cũng có những người Pakô ở các làng khác quan tâm đến các câu chuyện cổ lại tìm đến bà. Vừa để được nghe bà kể lại các câu chuyện cổ mà bà biết, vừa để bổ sung những thiếu sót trong các câu chuyện cổ mà mỗi người biết được. Ông T’ra Nau Hạnh ở làng Alê Triêng cùng xã là một người như thế. Ông là người sưu tầm những câu chuyện cổ nên ông thường tìm bà Kả Vế để hỏi, nhớ lại nội dung. Điều này cũng giúp bà nhớ rõ, nhớ hết những câu chuyện cổ mà bà đã từng được nghe.
 
Buổi chiều, sau khi làm nương rẫy xong, bà Kả Vế lại đến tìm những người già khác trong làng để trao đổi về những câu chuyện cổ. Để tỏ lòng mến mộ, người tiếp bà Kả Vế lại thổi một điệu khèn. Với một người phụ nữ, được nghe thổi khèn tiếp khách luôn là người phụ nữ có vị trí cao trong làng. Sau điệu khèn, chủ nhà - một già làng và bà Kả Vế lại trao đổi với nhau những câu chuyện cổ. Hai người nói về những câu chuyện cổ Pakô như say như mê. Chính vì cái tâm với sự lưu truyền những câu chuyện cổ Pakô như vậy nên bà Kả Vế được người làng Ta-ay quý trọng.
 
Bà say sưa kể cho con cháu nghe những câu chuyện cổ
 
Ông Quỳnh Ưm, trưởng làng Ta-ay cho biết: “Bà Kả Vế kể chuyện cổ của đồng bào mình hay lắm. Nhiều câu chuyện cổ bà kể cho lớp trẻ và cho nhiều người trong làng nghe là những câu chuyện mà ngày xưa tôi và bà đã từng được nghe. Ở làng mình, bà Kả Vế kể chuyện là hay nhất. Việc làm của bà thật đáng quý vì qua việc kể lại những câu chuyện cổ đó, người làng Ta-ay nói riêng và người Pakô chúng tôi nói chung lưu giữ được một phần quý giá vốn chuyện kể của mình.” Ông Nguyễn Thái Chăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cũng nhận định rằng: “Bà Kả Vế kể chuyện không chỉ giúp cho lớp trẻ biết và hiểu các câu chuyện cổ của đồng bào mình mà hơn thế nữa, đó là sự lưu giữ những giá trị truyền thống của Pakô. Hiện nay, những người già biết kể chuyện cổ hay như bà hiếm lắm. Hy vọng rằng qua mỗi buổi tối kể chuyện của bà, lớp trẻ yêu quý hơn các câu chuyện cổ của đồng bào mình mà mỗi câu chuyện cổ có những nét văn hoá, sinh hoạt đời sống của người Pakô nơi vùng rừng núi như thế này”.
 
Sau thời gian của nương rẫy và nội trợ, thời gian còn lại là thời gian giành cho một việc làm có ý nghĩa hơn. Đó là việc tìm hiểu và kể lại những câu chuyện cổ cho bà con trong làng Ta-ay nghe. Tìm hiểu từ những người già khác và kẻ cho lớp trẻ nghe. Để rồi, đêm về, căn nhà sàn nhỏ của bà lại trở thành nơi tụ họp của nhiều người trong làng. Những câu chuyện cổ qua lời kể sinh động, có hồn của bà thu hút niềm đam mê của họ. Không chỉ nội dung của các câu chuyện mà còn là sự luyến láy, những khúc ca xen kẽ từng đoạn câu chuyện mà bà thể hiện.
 
Sau mỗi câu chuyện được kể, bà Kả Vế lại lấy kèn Ty Rẽl – một loại kèn giành cho phụ nữ Pakô ra thổi. Điệu kèn của bà như hoà nhập với không gian và thời gian của những câu chuyện cổ. Những người lắng nghe điệu kèn không thể không phụ hoạ theo. Trong gian nhà sàn nhỏ, không khí huyền hoặc của núi rừng và sự gần gũi của đời sống tinh thần đang diễn ra như hoà quyện vào nhau.
 
Hiện nay, những người biết kể chuyện cổ Pakô không còn nhiều. Đa số họ đã rất già như ông Vỗ Pon, ông Vỗ Nhương, ông Vỗ Hinh, ông Vỗ Niad … Họ đều lớn tuổi hơn bà Kả Vế rất nhiều. Hơn nữa, phụ nữ kể chuyện cổ, với đồng bào Pa-kô, Tà-ôi là rất hiếm. Do đó, như một sự tiếp nối và bảo lưu, việc sưu tầm, học hỏi và kể lại các câu chuyện cổ Pakô của bà Kả Vế thật đáng trân trọng. Việc làm này không chỉ giúp lưu giữ một phần trong kho tàng những câu chuyện cổ của các đồng bào miền núi, trong đó có đồng bào Pakô, mà còn góp phần lưu giữ một sinh hoạt văn hoá bao đời nay của đồng bào Pakô là kể chuyện cổ bên bếp lửa nhà sàn.
 
Bài và ảnh: Đình Đính
                          
 
           
           
                 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Return to top