ClockThứ Tư, 06/04/2016 14:06

Người phụ nữ duy nhất được truyền dạy Bạch hổ sơn quân

TTH - Ẩn bên trong vẻ chất phác mộc mạc của nông dân Nguyễn Thị Thúy (72 tuổi, trú tại thôn Trung Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) là ngọn lửa đam mê võ thuật. Cho đến nay, bà là người phụ nữ duy nhất được truyền thụ võ học phái Bạch hổ sơn quân - một môn phái võ cổ truyền ra đời cách đây mấy trăm năm và chỉ truyền dạy cho nam giới.

Môn sinh theo học môn võ “Bạch hổ sơn quân” tại lò võ gia đình bà Thúy.

Lay động

Nhìn vào ánh mắt tinh anh, dáng vẻ nhanh nhẹn khỏe khoắn, không ai nghĩ bà Thúy đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Cười sảng khoái, bà bảo học võ chủ yếu rèn luyện sức khỏe, tự bảo vệ bản thân nên bệnh tật ít... dòm ngó. Người phụ nữ 72 tuổi nhớ lại cách đây hơn 60 năm, đứa con gái 10 tuổi của võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, chưởng môn đời thứ 20 của võ phái Bạch hổ sơn quân, bị các đường quyền... quyến rũ. Ngặt nỗi, môn võ gia truyền từ đời này sang đời khác của dòng họ Nguyễn Hữu có “luật” chỉ dạy cho nam giới. Bà thường nghe cha bảo từ đời cố, cụ, kỵ “truyền” lại rằng, con gái đàn bà, “phận nữ nhi” chỉ cần giỏi nữ công gia chánh, giỏi ruộng vườn hay buôn bán..., giỏi xây dựng tổ ấm gia đình, làm hậu phương cho chồng con. Mặt khác, phụ nữ mà luyện võ, khi vợ chồng bất hòa, nhỡ đâu gây tổn thương đến “người ta”, sứt mẻ tình cảm gia đình là điều cấm kỵ.

Biết vậy, nhưng trong dòng máu của cô gái nhỏ “con nhà nòi” lớn lên trong ngôi nhà là tổ đường của võ phái, niềm đam mê võ thuật ngày càng lớn. Mỗi khi cha luyện võ hoặc dạy cho các nam môn sinh, cô bé Thúy nhìn trộm qua liếp phên tre, ghi nhớ từng đường quyền, từng câu thơ (lý thuyết). Đợi đêm khuya lúc cha đã ngủ, Thúy ra vườn luyện một mình. Thời gian trôi qua, hành động “lén lút” của cô con gái không qua được mắt chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn. Người cha thường ngày hiền từ nhưng nghiêm khắc, dẫn con đến trước bàn thờ tổ, thắp nén nhang rồi nghiêm giọng bảo, môn võ Bạch hổ sơn quân, từ đời trước đã quy định không bao giờ được truyền lại cho con gái.

Cha đã “dạy” như vậy, phận làm con đời nào không dám nghe lời. Cô bé Thúy không dám học lén nữa, nhưng trong lòng vẫn thắc mắc, không muốn chấp nhận đó là sự thật. Thúy dò hỏi mấy bà cô ruột của mình, có ai được cha (tức ông nội của bà Thúy) là võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Khánh dạy võ? Cô nào cũng lắc đầu quầy quậy, bảo phụ nữ chỉ biết buôn bán, biết việc nhà, võ vẻ là chuyện của đàn ông. Lúc đó tuy chỉ mới “nhúm” tuổi, nhưng cô bé Thúy thầm nghĩ, việc đàn ông làm được, phụ nữ cũng có thể làm. Đam mê võ thuật đâu chỉ có mình nam giới. Tuy nhiên, cha đã có lời răn, không muốn làm đứa con bất hiếu nên Thúy chẳng dám trái lời. Thật bất ngờ, đúng một năm sau, người cha gọi con gái lại, vẫn giọng nói và nét mặt nghiêm trang, nhưng ông bảo: “Vì con quá đam mê võ thuật nên cha sẽ truyền dạy cho con một ít để phòng thân. Con nên nhớ, học võ là để rèn luyện sức khỏe…”

Bước qua lời nguyền

Người phụ nữ duy nhất được truyền dạy môn võ Bạch hổ sơn quân gia truyền, không nguôi xúc động khi nhớ lại niềm đam mê của mình bắt đầu mấy mươi năm về trước đã lay động được người cha. Có nghĩa, với con mắt của một chưởng môn, ông đã đánh giá cao và ghi nhận ngọn lửa đam mê võ học trong trái tim cô con gái nhỏ. Nhưng chỉ có tài thôi chưa đủ, ông cần thời gian để đánh giá về tâm tính, phẩm chất đạo đức của con. Sau một năm quan sát, người cha đã yên tâm phá lệ, chỉ dạy cho con gái.

Chăm chỉ say mê luyện võ, bà Thúy còn học được cách biết bao dung chia sẻ nhưng cũng phải rạch ròi dứt khoát. Bà nhớ lại những ngày còn đói khổ, khi các môn sinh bụng đói đến học, gia đình bà không ít lần nhường cơm. “Học trò phạm lỗi lần đầu, cần rộng lượng tha thứ, phạm lỗi lần hai, cần phân tích thiệt hơn và nếu vẫn tiếp tục phạm lỗi cũ, dứt khoát đuổi khỏi môn phái”. Bà Thúy cho hay, người em trai ruột Nguyễn Hữu Trung đang sinh sống ở Đồng Nai hiện là chưởng môn. Phía sau Tổ đường (ngôi nhà mà gia đình bà đang ở), con trai bà, võ sư Lê Hữu Ngọc Thạch mở lò dạy võ. Bà Thúy tự nhận chưa bao giờ trực tiếp truyền dạy, chỉ “đứng phía sau” quan sát, khi cần mới chỉnh sửa vài thế võ, đường quyền. Nhưng khi chúng tôi hỏi đường đến nhà bà, một nam thanh niên “khoe” giọng tỏ vẻ khâm phục: “Cô Thúy là sư phụ của em đó”.

Chia sẻ về “sự kiện” là người phụ nữ duy nhất được truyền dạy môn võ Bạch hổ sơn quân, bà Thúy cười hiền nhắc lại, bà vẫn là người phụ nữ nông dân bình thường. Có điều, niềm đam mê võ học đã lay động người cha chưởng môn nên bà may mắn được chỉ dạy. Nhờ luyện võ, bà sở hữu một sức khỏe dẻo dai, tinh thần khoáng đạt yêu đời. Tinh thần ấy bà chia sẻ với con cháu nên cuộc sống dù còn đạm bạc, nhưng gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc.

Bà Thúy cho biết: Võ phái Bạch hổ sơn quân do Tổ sư Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập. Năm 1698, ngài Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh chúa Nguyễn đi mở mang khu vực Đồng Nai, Biên Hòa, đồng bằng sông Cửu Long. Võ phái Bạch hổ sơn quân đã góp công rất lớn trong quá trình “mở cõi”. Vì công trạng đó, Nhân dân Nam Bộ tôn xưng ông là thành hoàng. Sau này, một nhánh hậu duệ của ông về định cư, lập nghiệp trên đất Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Đến đời võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn (cha của bà Thúy), cán bộ Việt minh, thanh niên trong phong trào chống Pháp theo học rất đông.

Quỳnh Anh

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân xem võ cổ truyền

Chiều 23/1 (Mùng 2 Tết), tại công viên Thương Bạc, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình biểu diễn võ thuật cổ truyền. Hơn 20 màn biểu diễn mang đến không khí rộn ràng tươi vui cho công chúng, du khách trong những ngày đầu xuân.

Ngày xuân xem võ cổ truyền
Thưởng thức võ cổ truyền trong Hoàng cung

Buổi chiều ngày mở cửa miễn phí cuối cùng trong ba ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán, khoảng sân trước điện Thái Hòa – Đại Nội tiếp tục sôi động bởi những bài quyền cước, binh khí, đối luyện… của các võ sĩ “nhí” đến từ môn phái Dương Xuân võ đạo (Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh)...

Thưởng thức võ cổ truyền trong Hoàng cung
Hầu quyền đạo đất Cố đô

Trong các môn phái võ cổ truyền ở Huế, Hầu quyền đạo tuy ra đời muộn nhưng lại có nhiều nét độc đáo riêng, cũng như bí ẩn về nguồn gốc, xuất xứ đến nay vẫn chưa ai trả lời được, cho dù đó là các Chưởng môn, Phó chưởng môn hay Trưởng tràng của môn phái.

Hầu quyền đạo đất Cố đô
VÕ CỔ TRUYỀN & VOVINAM:
Cần tiếp sức để phát triển

Sau Bình Định, Huế cũng được xem là cái nôi của võ cổ truyền, cũng như có thế mạnh nhất định về Vovinam. Tuy nhiên, 2 bộ môn này lại trắng tay tại Đại hội thể thao (ĐHTT) toàn quốc 2018 khiến nhiều người lo lắng.

Cần tiếp sức để phát triển

TIN MỚI

Return to top