ClockThứ Tư, 29/01/2014 07:47

Người phụ nữ Việt Nam qua chuyện kể bình dân

TTH - Vài mươi năm trước, đã vắng dần cái cảnh những người hát rong trên các bến xe, bãi chợ... bật bông cây đàn kìm hoặc ò e cây đàn nhị, hát về số phận những người phụ nữ Việt Nam, qua các chuyện kể bình dân, huống hồ là ngày nay. Vậy mà lạ thay, ký ức của nhiều người dân Việt vẫn chưa phai mờ những chuyện xưa tích cũ.

Bằng chứng là hơn mười năm trước, lúc trên đài truyền hình chiếu bộ phim Phạm Công - Cúc Hoa, thì việc này đã gần như trở thành một hiện tượng gây chú ý. Có lẽ để giải thích điều này, không gì khác hơn là trong những chuyện kể bình dân ấy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã chiếm một vị trí hết sức lớn lao trong tâm hồn dân tộc Việt, trải qua biết bao năm tháng. Những chuyện kể bình dân như Tống Trân - Cúc Hoa, Thạch Sanh - Lý Thông, Hoàng Trừu... vốn không phải là những tuyệt tác văn học. Và tác giả của chúng cũng không có tham vọng và không đủ tài năng để xây dựng nên những áng văn chương bất hủ như Đoạn trường tân thanh, Cung oán ngâm, Hoa tiên truyện... Sở dĩ chúng tồn tại lâu dài, ấy chỉ vì chúng phản ánh được những nguyện vọng, những ước mong của đa số người bình dân Việt Nam. Do phù hợp với đạo lý của dân tộc, nó đã bắt rễ trong lòng hàng triệu con người, tạo nên một phần nền tảng tinh thần của một cộng đồng người có cả ngàn năm sinh hoạt trong một nền văn minh nông nghiệp.

Nét Huế. Ảnh: Hữu Tư

Hình ảnh những người phụ nữ trong các chuyện kể này, lạ thay, hầu như đều có gốc gác sang trọng, quyền quý. Cả ba người nội tướng của Hoàng Trừu, Lý Công, Thạch Sanh đều là con vua cháu chúa. Hay như Ngọc Hoa (vợ Phạm Tải), Cúc Hoa (vợ Phạm Công) đều là con cái nhà quan. Vậy mà, những người phụ nữ này đều có chồng là những người thuộc các tầng lớp bên dưới, một điều hoàn toàn cấm kỵ trong bối cảnh của những đòi hỏi khắt khe về yêu cầu môn đăng hộ đối (không chỉ tồn tại ở “ngày xưa” mà còn cả trong thời “hiện đại” này). Đó chính là chủ ý của các tác giả khuyết danh, nhằm đề cao những đức tính cao đẹp của người phụ nữ đối với chồng: chung thủy, trọn đạo làm vợ... Ngoài ra, có lẽ các tác giả còn muốn kín đáo gửi đến xã hội cái ý muốn xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp trong các triều đại phong kiến, nếu không muốn nói đó là một sự phản kháng trước những bất công xã hội. Trong các chuyện kể này, có quá nhiều những hoạn nạn và rủi ro đã chia cắt cuộc sống lứa đôi. Nhưng chỉ nhờ dựa vào tình yêu chung thủy, vào đạo nghĩa tao khang, cuối cùng, họ lại tìm thấy nhau sau bao dâu bể. Chuyện tình giữa đôi trai gái Tiên Dung – Chữ Đồng Tử chính là đỉnh cao về sự vượt phá những rào cản tình yêu mà cho đến ngày nay, vẫn còn là đề tài cho biết bao áng thơ văn.

Trong chuyện Cúc Hoa - Tống Trân, khi bị đuổi ra khỏi nhà gả cho một kẻ ăn xin mới tám tuổi (Tống Trân), Cúc Hoa cũng chỉ là một cô bé mười ba tuổi, chưa đến “tuần cập kê”. Rồi Tống Trân đỗ trạng nguyên, đi sứ biền biệt chưa về, thì Cúc Hoa lại bị gia đình ép duyên cho một người khác giàu có. Nàng bỏ nhà đi trốn. Tống Trân trở về nhưng đỗ thử lòng người, chàng giả làm ăn mày. Rồi đoàn tụ... rồi báo ân trả oán... Những nghịch cảnh mà các nhân vật nữ trong các chuyện kể bình dân này phải chịu đựng và đã vượt qua được bắt nguồn từ cái gì nếu không từ những đức tính cao đẹp của con người? Và sự hòa điệu của tâm hồn những kẻ yêu nhau chính là bệ phóng cho nỗ lực vượt qua những ranh giới, những ghen ghét tị hiềm của một xã hội còn ẩn chứa quá nhiều mầm mống của cái ác. Trong chuyện Phạm Công - Cúc Hoa, người mẹ phải đội mồ sống dậy che chở con côi đang bị xô đuổi, đói lạnh. Đó chính là tình mẫu tử với sức mạnh vô bờ, chiến thắng được cả sự hủy diệt cuối cùng là cái chết.

Những chuyện kể bình dân luôn luôn đề cập tình cảm yêu cái tốt, ghét cái xấu. Thông qua những câu chuyện kể này, chúng ta có thể hiểu một phần nào đôi nét sinh hoạt của xã hội xưa như các tục lệ đa thê, tảo hôn... Về mặt tư tưởng, nó thể hiện khuynh hướng sống hòa hợp với thiên nhiên của người Việt, ít nhiều mang màu sắc của triết lý Thiên Nhân tương dữ (người và trời đất là một thể hòa điệu).

Giờ đây, khi cả nhân loại đang cố gắng vươn đến những thành tựu kỹ thuật nhằm đưa con người thoát ra khỏi bóng tối đói nghèo, bất công của quá khứ, những chuyện kể bình dân chẳng những không nên bị quên lãng mà ngược lại, chúng phải được nhìn nhận như là một trong những chỗ dựa tinh thần. Chúng cũng không khác gì những câu hát, những điệu hò, những bức tranh dân gian, những nét hoa văn trên các đền chùa... Đó chính là những biểu trưng của văn hóa, của sức mạnh nội tại để cộng đồng hôm nay có thể tiến về phía tương lai, cùng với việc tiếp nhận những yếu tố văn hóa tiến bộ của các cộng đồng khác.

Nguyễn Đông Nhật
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

TIN MỚI

Return to top