Thể thao

Người thành Nam ở sân Tự Do

ClockChủ Nhật, 12/04/2020 14:16

U19 Thừa Thiên Huế đối diện khả năng sớm chia tay giải U19 quốc giaBảng B vòng loại U19 thi đấu không khán giảHuế thất bại trong trận khai màn vòng loại U19 quốc gia

Cầu thủ Lương Phúc

Bóng đá Huế rất có duyên với bóng đá Nam Định. Còn nhớ năm 2006, trận play-off của mùa giải, giữa đội bóng chuyên nghiệp Hải Phòng và đội bóng hạng Nhất Huda Huế được tổ chức trên sân Thiên Trường (Nam Định). Dù không được đánh giá cao, nhưng trong một chiều mưa rét, đội bóng của HLV Đoàn Phùng với những cầu thủ tuổi đôi mươi làm nòng cốt đã đánh bại các cầu thủ Hải Phòng trong loạt đấu penalty cân não để giành chiếc vé lên chơi V-League mùa sau. Nhưng cái duyên của bóng đá Nam Định với bóng đá Huế còn nhiều hơn thế...

“Bố” Ninh Văn Bảo

Năm 1995, khi đội bóng Thừa Thiên Huế thăng hạng đội mạnh quốc gia, HLV Ninh Văn Bảo đã được mời về dẫn dắt đội bóng Cố đô. Hồi đó, người hâm mộ bóng đá xứ Huế chưa biết HLV Ninh Văn Bảo là ai. Tuy nhiên, khi đội bóng Cố đô bắt đầu thi đấu ở giải đấu số 1 Việt Nam lúc đó, người hâm mộ bóng đá xứ Huế đã ngạc nhiên về sự “lột xác” của các cầu thủ con cưng của mình với lối chơi hấp dẫn nhưng cũng rất biết người, biết ta mà HLV Ninh Văn Bảo đã xây dựng.

Trước khi dẫn dắt Thừa Thiên Huế, HLV Ninh Văn Bảo từng làm trợ lý ở đội Công nghiệp Hà Nam Ninh và sau đó là HLV của đội bóng Long An. Ông Bảo về Huế và nhận ra rằng đội bóng Cố đô là một đội bóng trẻ, chưa có kinh nghiệm nhưng lại tràn đầy khát vọng. Điều đầu tiên mà ông mang đến cho đội bóng đó là tình cảm gắn kết như một gia đình. Các cầu thủ Cố đô xưng ông là “bố Bảo” như cách gọi thân thiết của các cầu thủ miền Bắc dành cho các HLV. Ông Bảo là một HLV gần gũi, ông ăn cơm cùng mâm với các cầu thủ, có khi cao hứng cũng uống vài chai bia vỉa hè cùng học trò. Từ sự gần gũi này, HLV Ninh Văn Bảo nhanh chóng nắm bắt được cá tính từng cầu thủ và đó là chìa khóa để ông dẫn dắt đội bóng Thừa Thiên Huế đi đến trận chung kết mùa bóng năm 1995.

Đội bóng Huế dưới thời HLV Ninh Văn Bảo

Có thể thấy, lối chơi của Thừa Thiên Huế dưới thời HLV Ninh Văn Bảo luôn được thay đổi theo từng trận đấu trước các đối thủ mạnh, yếu khác nhau. Nhưng điểm mạnh lúc đó của Thừa Thiên Huế chính là thể lực. Các trận thắng trước An Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng hay Cảng Sài Gòn ở vòng chung kết năm đó đều được quyết định ở hiệp 2 khi mà các cầu thủ Cố đô đã tích lũy được thể lực và bung ra khi đối thủ đã thấm mệt. Cũng có thể thấy HLV Ninh Văn Bảo đã phát huy rất tốt vai trò của 2 cầu thủ đá ở hai cánh là Lê Đức Anh Tuấn và Nguyễn Đức Dũng. Họ không đơn thuần chơi phòng thủ mà liên tục tấn công và có những thời điểm, Lê Đức Anh Tuấn bó vào trong cùng tiền vệ con thoi Dương Công Quốc tổ chức tấn công...

Hồi đó, mỗi trận đấu của Thừa Thiên Huế, trên khán đài sân Tự Do, cổ động viên Huế giương cao chiếc biểu ngữ “Huế yêu thương ôm Bảo vào lòng”. Điều đó cũng đã nói lên được dấu ấn mà vị HLV thành Nam để lại cho bóng đá Huế.

Những cầu thủ thành Nam

Từ năm 1995 đến nay, đã có trên dưới 10 cầu thủ Nam Định thi đấu cho đội bóng Cố đô. Cầu thủ Nam Định đầu tiên là tiền vệ Nguyễn Văn Phương. Đó cũng là cầu thủ Nam Định để lại ấn tượng đẹp nhất trong lòng người hâm mộ bóng đá Huế.

Với thể hình phải nói là mảnh dẻ, nhưng khi vào sân thi đấu Nguyễn Văn Phương có một nguồn năng lượng rất lớn, anh tham gia vào những pha tranh chấp quyết liệt, tổ chức lối chơi và cả ghi bàn. Có thể thấy Nguyễn Văn Phương là cầu thủ vào dạng “quái kiệt”. Bóng vào chân anh thì rất khó lấy lại và đặc biệt là những đường chuyền tầm trung của anh rất chính xác, chính tiền đạo Trần Quang Sang đã hưởng lợi rất nhiều từ những đường chuyền này. Trong thành tích á quân của Thừa Thiên Huế năm 1995 thì Nguyễn Văn Phương là một trong những cầu thủ có đóng góp lớn...

Mùa bóng 1999-2000, bóng đá Huế trở lại hạng mạnh quốc gia sau khi bị rớt hạng năm 1996. Thủ môn của Thừa Thiên Huế lúc đó cùng với Lê Quốc Dân là Nguyễn Hoài Nam một người Nam Định. Khoác áo số 20, thủ môn Nguyễn Hoài Nam được đánh giá là một thủ môn có độ lỳ với nhiều pha ra vào dứt khoát, đồng thời có uy với hàng phòng ngự. Tuy ấn tượng mà Nguyễn Hoài Nam để lại không nhiều, nhưng những người hâm mộ bóng đá Huế đến bây giờ vẫn còn nhớ đến anh.

Cùng thời với Hoài Nam còn có một người Nam Định khác đó là Vũ Mạnh Cường. Tiền đạo Vũ Mạnh Cường khoác áo số 21 của Thừa Thiên Huế nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn. Nhiều người còn nhớ chiến thắng 4-3 của Thừa Thiên Huế trước Công an TP. Hồ Chí Minh của Lê Huỳnh Đức năm 2001 trên sân Tự Do và một trong những tác giả của 4 bàn thắng đó là Vũ Mạnh Cường.

Một trong những cầu thủ thành Nam “có số má” nhất từng chơi cho bóng đá Huế là Nguyễn Lương Phúc. Đây là cầu thủ từng thi đấu tại SEA Games 21 trong màu áo U23 Việt Nam. Lương Phúc thi đấu cho bóng đá Huế 2 mùa giải 2004, 2005. Anh chính là tiền đạo trụ cột của Huế hai mùa này. Tuy có thể hình thấp bé, nhưng Lương Phúc thực sự là một “sản phẩm” của bóng đá Nam Định với độ quái trong cách xử lý bóng và cả trong những tình huống dứt điểm. Chỉ tiếc là những năm đó, bóng đá Huế không có những tiền đạo giỏi để có thể hỗ trợ cho Nguyễn Lương Phúc và với lối chơi của mình anh gần như lạc lõng ở sân Tự Do.

Cầu thủ thành Nam hiện đang khoác áo cho CLB Huế đó chính là thủ môn Nguyễn Tiến Tạo. Từng là trụ cột của Nam Định khi đội bóng này chơi ở hạng Nhất, nhưng khi Nam Định lên chơi V. League thì Tiến Tạo mất vị trí. Anh đầu quân cho Huế mùa giải năm ngoái và là thủ môn số 1 của đội bóng Cố đô. Mùa giải năm nay anh tiếp tục gắn bó với CLB Bóng đá Huế. Thủ môn Nguyễn Tiến Tạo chia sẻ: “Tất cả mọi người từ ban huấn luyện, đồng đội cho đến các khán giả đều dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp. Tất cả đều rất hòa đồng, vui vẻ. Và điều này khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc với môi trường mới”.

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Thua ở phút chót

Từ pha đánh đầu chuyền bóng chọc khe của trung vệ Thanh Bình, Quang Hải phá bẫy việt vị lao xuống sút chân trái chéo góc gỡ hòa 2-2 cho tuyển Việt Nam. Đồng hồ chỉ vào phút thi đấu chính thức cuối cùng. Một bàn thắng đầy cảm xúc khi các học trò của ông Troussier đang chơi thiếu người.

Thua ở phút chót
Bóng đá “phủi” chào xuân mới

Có một hoạt động thể thao chào mừng xuân mới thu hút sự quan tâm của nhiều người, là các giải bóng đá phong trào được tổ chức sôi nổi và rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh trong những ngày đầu năm 2024.

Bóng đá “phủi” chào xuân mới
Chờ ngày “hóa rồng”

Biết dựa vào nội lực và đặt niềm tin vào lớp trẻ, bóng đá Huế đang có hy vọng “cá chép hóa rồng” và tạo được đột phá trong tương lai.

Chờ ngày “hóa rồng”
So kè Quả bóng Vàng 2023

28/12 này là kỳ hạn bình chọn cuối cùng, danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam sẽ chính thức có tên chủ mới. Kỷ nguyên thành công mang tên Park Hang - seo đã dừng lại. Người thế chỗ là HLV người Pháp Philippe Troussier đã bắt tay xây dựng lại một nền móng khác biệt. Từ đây các nhân tố mới đã xuất hiện. V. League 2023 và giai đoạn đầu của mùa bóng 2023 - 2024 đã chứng minh năng lực nhìn người của ông Troussier.

So kè Quả bóng Vàng 2023
Return to top