ClockThứ Năm, 27/02/2014 06:03

Người thầy thuồc rèn luyện, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

TTH - Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải:

Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt.

Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.

“Lương y phải kiêm từ mẫu”...(1)

Với tinh thần nhân văn cao cả, lòng nhân hậu hết mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2 năm 1955, đã nhấn mạnh: “...Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng...” (2)

Nội dung của y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và chuẩn xác nhất trong bức thư này.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo hạnh phúc của nhân dân, trong đó những người đau ốm, bệnh tật là những người được Người quan tâm nhất.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã được ngành y tế nước ta từng thời điểm cụ thể hóa, và trở thành nền tảng đạo lý của mọi thầy thuốc, là cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển ngành y tế.

Mấy chục năm qua, tuân theo lời dạy về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tấm gương làm việc quên mình, xả thân vì người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, các giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ... đã trở thành niềm tự hào của ngành y tế được nhân dân quý trọng và ngưỡng mộ. Các thế hệ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên ngành y tế đã kế tục truyền thống “lương y như từ mẫu”, tận tụy phục vụ nhân dân, thương binh, bệnh binh qua các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Hàng nghìn tập thể, cá nhân thầy thuốc và nhân viên y tế được phong tặng danh hiệu Anh hùng, chiến sĩ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với lòng yêu nước, tình nhân ái và kiến thức chuyên môn, biết bao thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế nhiều thế hệ đã và đang thầm lặng ngày đêm chiến đấu với các bệnh hiểm nghèo, dập tắt các vụ dịch, vượt qua khó khăn trong chiến tranh cũng như trong thời bình, cứu sống người bệnh; nghiên cứu và triển khai các công trình y học; đào tạo một đội ngũ thầy thuốc với tay nghề vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Họ là những người đã góp phần mang lại nguồn vui cho mọi người, đem lại niềm tin và sư tôn trọng của nhân dân.

Người thầy thuốc nói riêng, ngành y tế nói chung, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn coi trọng và biết ơn công lao to lớn của đội ngũ đông đảo các thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế - những người hết lòng hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của nhân dân và hiện đang tiếp tục tích cực góp phần làm nên những thành tựu chung của đất nước.

Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế, người thầy thuốc làm tốt chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình. Nhiều nghị quyết của Đảng, nhiều chính sách, chế độ về y tế của Nhà nước chỉ đạo các ngành phối hợp với ngành y tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được ban hành. Nhân dân cũng hết lòng giúp đỡ ngành y tế làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Nhiều địa phương đã thành lập Hội Bảo trợ bệnh viện, Hội Bảo trợ người bệnh nghèo, góp của, góp công xây dựng bệnh viện, trạm y tế...

Với trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của người thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong muốn ngành y tế tiếp tục nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm về tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm phục vụ người bệnh, những hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý để đạt chất lượng ngày càng cao hơn, kết quả ngày càng tốt hơn.

Phát huy phẩm chất cao đẹp của mình, người thầy thuốc luôn sẵn sàng có mặt trên khắp mọi miền đất nước, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Trong điều kiện hiện nay, trước những thách thức mà ngành y tế phải đối mặt trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là thực hiện công bằng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc sức khỏe những người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những vùng khó khăn, tình hình bệnh tật phức tạp, trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho y tế còn hạn hẹp, trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý của đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội... Trước hết và hơn bao giờ hết, những người thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế phải chủ động rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc như mẹ hiền, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top