Thể thao trong nước

Người thích… “vác tù và hàng tổng”

ClockChủ Nhật, 24/09/2017 14:26
TTH - Hiện đang là giáo viên dạy thể dục ở Trường THPT Nguyễn Sinh Cung, lương giáo viên chỉ đủ cho Lê Bá Thương và gia đình sống đắp đổi qua ngày...

Lê Bá Thương (thứ nhất từ phải sang) cùng với học trò của mình tại giải Vovinam học sinh toàn quốc lần thứ I - năm 2017

Ăn bánh mỳ, đi bộ

Chiều một ngày giữa tháng 9, tình cờ gặp Lê Bá Thương, HLV môn võ Vovinam, ở một quán nước trên đường Lê Huân. Trò chuyện được dăm câu, tôi nghe Thương báo tin vui: “Vừa rồi, Thương đưa đoàn Vovinam Thừa Thiên Huế với 12 võ sinh tham dự giải Vovinam học sinh toàn quốc lần I – cúp Milo năm 2017 tại Thanh Hóa và giành được 1 huy chương bạc, 6 huy chương đồng”.

Lê Bá Thương sinh năm 1981 tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Từ năm học lớp 7, Thương theo học võ cổ truyền, môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn. Đến năm 2003, sau khi thi đậu vào Trường đại học Hồng Bàng chuyên ngành võ thuật, lúc đầu Thương không có ý định theo học Vovinam, nhưng rồi cơ duyên đã đưa Thương đến với môn võ này và anh gắn bó với Vovinam từ đó cho đến nay. Lê Bá Thương cho biết: “Gia đình có 12 người con, Thương là con trai út và chỉ có một mình Thương theo nghề võ”.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, ban đầu Thương có ý định ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng rồi anh quyết định ra Huế để được gần gia đình. Trong những ngày đầu trở về quê nhà, thấy Vovinam ở Huế chưa phát triển, Thương quyết tâm đem hết sức lực để góp phần giúp môn võ mà mình yêu thích phát triển mạnh trên quê nhà. Thương tự liên hệ với nhiều nơi để xin mở lớp dạy Vovinam. Những ngày đầu, việc mở lớp dạy Vovinam của Thương gặp rất nhiều khó khăn. Bằng quyết tâm của mình, Thương đã vượt qua và môn võ Vovinam mà Thương là người gieo mầm đã “đâm chồi nảy lộc” ở Huế.

Không chỉ chăm lo đào tạo cho học trò về chuyên môn, Thương còn lo cả việc quảng bá môn võ này đến với mọi người. Từ năm 2008 đến nay, Thương và các học trò đã tham gia các Hội diễn võ thuật cổ truyền tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm; tham gia biểu diễn võ thuật tại các kỳ Festival Huế và tại các lễ hội lớn của tỉnh. Thương rất chú trọng đến việc đầu tư cho học trò tham gia thi đấu các giải Vovinam trong nước để rèn luyện, cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Nhờ tích cực tham gia các hoạt động võ thuật của tỉnh nhà nên môn võ Vovinam cùng với tên tuổi Lê Bá Thương đã được nhiều người biết đến; số lượng người xin theo học Vovinam ở Huế ngày càng tăng. Cùng với đó, số lượng huy chương mà thầy trò Lê Bá Thương giành được tại các giải Vovinam cấp quốc gia cũng tăng dần theo năm tháng.

Một kỷ niệm khiến Thương nhớ mãi, đó là lần đầu tiên Vovinam Huế tham dự giải Vovinam trong khuôn khổ đại hội TDTT toàn quốc lần VI diễn ra ở TP. Cần Thơ. Chuyến đi của thầy trò Lê Bá Thương rất vất vả vì kinh phí hạn hẹp (Thương phải bỏ tiền túi để tài trợ cho 5 học trò của mình đi thi đấu – PV). Trong khi các đoàn khác từ khách sạn đến nơi thi đấu bằng ôtô thì thầy trò Lê Bá Thương phải đi bộ để tiết kiệm tiền. Các VĐV của những đoàn khác được ăn ở tại các khách sạn, nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, còn các học trò của Thương phải nghỉ ở một nhà trọ rẻ tiền và ăn cơm bụi. “Nói ra thì xấu hổ, nhưng vào buổi sáng tôi chỉ ăn bánh mì vì còn dành tiền cho học trò của mình ăn uống đầy đủ để có sức để thi đấu. Tuy kham khổ, nhưng các học trò của tôi đã thi đấu rất nỗ lực và cả 5 em đều vượt qua vòng sơ loại. Riêng em Lê Minh Tuấn bước vào trận tranh huy chương đồng và chỉ thua VĐV của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do còn non kinh nghiệm” – Lê Bá Thương nhớ lại.

Khát vọng vẫn luôn cháy bỏng

Không chỉ lần đó mà những lần sau này, khi cùng học trò của mình tham dự các giải Vovinam khác, chuyện tiền nong cũng khiến Thương rất vất vả. Anh phải liên hệ, vận động các mạnh thường quân tài trợ. Đồng thời “chạy đôn, chạy đáo” đến các cơ quan chức năng xin hỗ trợ thêm chút kinh phí. “Từ khi thành lập cho đến nay, chưa khi nào học trò tôi đi thi đấu mà không có thành tích. Thế nhưng việc xin kinh phí và xin tham gia các giải đấu luôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi nản quá, định buông  xuôi, nhưng thấy học trò của mình rất quyết tâm cộng với đam mê trong người chưa nguội lạnh, tôi lại nỗ lực, cố gắng để chứng tỏ thương hiệu Vovinam Huế với làng võ trên cả nước” – Lê Bá Thương trải lòng.

Rất may, vợ của Thương biết cảm thông và chia sẻ niềm đam mê của chồng. Chị Mai Thị Cẩm Quyên, vợ của Lê Bá Thương, cho biết: “Tôi vẫn hay gọi đùa chồng tôi là người thích vác tù và hàng tổng bởi vì nhiều lúc anh lo việc thiên hạ hơn lo việc nhà. Tiếng là dạy võ ở nhiều nơi, nhưng số tiền thu nhập từ việc dạy võ của anh ấy rất ít. Hễ thấy học trò có hoàn cảnh khó khăn là anh ấy không thu tiền dạy”.

Tuy phong trào tập luyện Vovinam ở Thừa Thiên Huế đã phát triển, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất này. Hiểu rõ điều này, Lê Bá Thương vẫn không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào tập luyện Vovinam ở Cố đô Huế. Bên cạnh mở thêm các lớp dạy Vovinam phong trào, Lê Bá Thương còn tích cực tìm kiếm và đào tạo các VĐV Vovinam trẻ có triển vọng làm lực lượng nòng cốt ở các giải đấu Vovinam tầm quốc gia trong tương lai. Anh cho biết, thông qua các lớp võ do anh giảng dạy và qua nguồn ở các trường tiểu học, THCS anh đã "chấm" được nhiều em có tố chất để trở thành những VĐV Vovinam giỏi. Mục tiêu trước mắt là huấn luyện và đào tạo các em để những năm tới có thể tham gia các giải Vovinam trẻ ở khu vực và toàn quốc.

Khát vọng và mơ ước vẫn luôn cháy bỏng trong Lê Bá Thương, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực vẫn là một quãng đường dài mà Thương đang phải nỗ lực vượt qua. Trước khi chia tay, Lê Bá Thương cho biết vào cuối tháng 10 tới ở Bình Dương sẽ diễn ra giải vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 25, Thương và các học trò của mình rất muốn tham dự nhưng chưa biết lấy đâu ra tiền để làm lộ phí...

Bài, ảnh: HÀO VŨ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top