ClockThứ Bảy, 30/10/2010 19:07

"Người tình": Bản sonate lãng mạn của Đông Dương

TTH - L’amant" ("Người tình") là một trong những bộ phim Pháp ăn khách nhất tại thị trường thế giới và cũng là bộ phim phương Tây đầu tiên được ghi hình tại Việt Nam.  
Jane March vào vai nhân vật nữ chính trong phim "Người tình".

Đây chỉ là một câu chuyện tình, dựa trên bối cảnh gợi nhớ Đông Dương thời thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20, nhưng lại được thực hiện hoành tráng mang tầm vóc sử thi.

Từ tác phẩm best-seller đến kịch bản điện ảnh

Bộ phim "Người tình" dựa theo cuốn tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sỹ Marguerite Duras, đoạt giải văn chương Goncourt năm 1984, được dịch ra 43 thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp của Duras (2,4 triệu bản).

Tiểu thuyết kể về tình yêu cuồng nhiệt và sự đam mê thể xác của một cô gái 15 tuổi rưỡi với một thanh niên người Hoa giàu có, lớn hơn cô 12 tuổi. Câu chuyện xảy ra vào cuối những năm 1920 tại Sài Gòn, Đông Dương.

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất danh tiếng Claude Berri đã nhanh chóng mua bản quyền cuốn sách để dựng thành phim nhưng không làm đạo diễn mà giao lại cho Jean-Jacques Annaud - một đạo diễn đang được thế giới điện ảnh chú ý với những bộ phim hết sức ấn tượng như "Cuộc chiến giành lửa," "Con Gấu," "Tên của hoa hồng."

Thoạt đầu Annaud đã từ chối, nhưng cuối cùng ông lại nhận lời bởi theo ông "L’amant là câu chuyện rất đặc biệt. Một câu chuyện nhỏ về một tình yêu lớn, nó giúp tôi được hòa mình vào bản sonate lãng mạn trên nền bản giao hưởng Đông Dương thời thuộc địa.”

Để hoàn thiện kịch bản, Annaud nhờ cậy nhà biên kịch Gérard Brach - người mà theo lời Annaud - một nhà biên kịch hiếm hoi trên thế giới, có thể viết lời cho hình ảnh một cách tuyệt vời, có khả năng hình dung được những gì sẽ được thấy trên phim và kịch bản do ông viết gần như một bộ phim hoàn chỉnh.

Brach cố gắng giữ lại cấu trúc và giọng điệu văn chương nguyên thủy của nguyên tác tiểu thuyết. Không ai trong số các nhân vật chính có tên, họ chỉ được gọi là “cô gái” và “người đàn ông” trong danh sách giới thiệu nhân vật.

Những bất ngờ đầu tiên từ Việt Nam

Để đưa toàn bộ câu chuyện trở lại với quá khứ cách thời điểm làm phim khoảng gần 70 năm, nhà sản xuất Claude Berri đã huy động được một khoản kinh phí khó tin đối với một bộ phim Pháp lúc ấy - 30 triệu USD. (Đến nay đó vẫn là một trong những khoản kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp).

Berri quyết định phim sẽ nói tiếng Anh để dễ phát hành trên toàn thế giới.

Năm 1989, đạo diễn Annaud cùng đoàn tiền trạm sang Việt Nam nhưng không chọn được bối cảnh. Một năm sau đó ông quay trở lại và trở thành người châu Âu đầu tiên sau nhiều năm chiến tranh, tìm hiểu và khám phá lại Đông Dương huyền bí.

Đạo diễn Annaud và nhóm tiền trạm đã rất xúc động khi được tận mắt lại ngôi trường cấp 3 Lycée Chasseloup-Laubat (trường Lê Quý Đôn hiện nay) của nhân vật “cô gái” trong tiểu thuyết (thời đó cô tên là Donadieu, sau này đổi thành Duras) và những nơi mà cô cùng “người tình” đã từng sống.

Ông còn cố công tìm hiểu và may mắn được trò chuyện với một người Việt năm xưa đã từng biết cô Donadieu - cụ Vương Hồng Sển, học giả uyên thâm về Nam bộ - nghe ông kể lại những kỷ niệm về Donadieu và người tình Hoa kiều tên Huỳnh Thủy Lê.

Tìm “cô gái” và “người tình” trên khắp thế giới

Lời mở đầu của tiểu thuyết và kịch bản “Tôi mới 15 tuổi rưỡi.” đã là một thử thách lớn với ban phụ trách tuyển diễn viên. Thứ nhất, nếu đúng tuổi đó khó mà tìm được người có khả năng diễn xuất. Thứ hai, phim có chủ đề nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Họ đã lùng sục trong rất nhiều tạp chí của thiếu nhi và thiếu niên trên khắp thế giới để tìm diễn viên có khả năng diễn xuất nhưng phải có gương mặt và hình thể của một cô gái 15 tuổi rưỡi. Chỉ riêng vài chữ “Tôi mới 15 tuổi rưỡi” đã khiến đoàn phim tốn kém khá nhiều tiền.

Đạo diễn Annaud cho biết, có khoảng 7.000 cô gái đã được thử vai để chọn ra 300 người cho ông gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, "cô gái" vẫn chưa lộ diện. Công việc càng lúc càng bế tắc trong nhiều tháng cho đến khi một cô gái người Anh mảnh dẻ sống ở ngoại ô Paris với vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt, tới gặp ông.

Cô gái tên là Jane March, do chính vợ Annaud phát hiện trên một tạp chí tuổi teen. Cô có vẻ ngoài nhút nhát và rụt rè khá tương đồng với Donadieu khi 15 tuổi rưỡi. Đạo diễn Annaud  yêu cầu Jane chải tóc ngược về sau, và cả ban tuyển chọn đã thực sự sửng sốt khi nhận ra Jane và Donadieu giống nhau một cách kỳ lạ.

Sau nhiều lần chụp ảnh, hóa trang và diễn thử, Jane March đã chính thức được chọn cho vai diễn "cô gái."

Việc chọn vai diễn “người tình” Hoa kiều còn phức tạp hơn nữa. Annaud và ban tuyển chọn phải đăng tìm diễn viên ở Mỹ và Hongkong. Đa số phong cách của các diễn viên châu Á ở đó đã bị phương Tây hóa, số còn lại thì phù hợp nhưng lại không nói được tiếng Anh.

Trong số những ứng cử viên mà Annaud chấm, có một người không muốn nhận vai vì anh cảm thấy mình nói tiếng Anh không đủ khá. Nhưng khi biết là đoàn phim vẫn chưa chọn được diễn viên, anh ta đánh bạo đến gõ cửa phòng đạo diễn. Annaud ra mở cửa và lập tức ông nhìn thấy "chàng thanh niên quý tộc Hoa kiều" mà cả đoàn đang cất công tìm kiếm bấy lâu. Đó chính là nam diễn viên Hongkong Lương Gia Huy.

Ngay lập tức đạo diễn Annaud đã đưa Lương Gia Huy về Paris để thử vai cùng với Jane March. Điều mà ông cần nhất là sự kết hợp của hai diễn viên. Khi họ diễn chung trên giường, ông muốn thấy cơ thể họ phản ứng với nhau như thế nào. Annaud rất xúc động khi ngay lần đầu tiên, cả hai đã diễn rất ăn ý với nhau.

Những sự chuẩn bị cần thiết cuối cùng

Bốn tháng trước khi quay, Annaud họp đoàn làm phim lại để giải thích cặn kẽ những ý tưởng của ông và những khó khăn mà các kỹ thuật viên sẽ gặp phải khi chuẩn bị đến Việt Nam.

“Chúng ta cần chuẩn bị kỹ càng cho những khó khăn sẽ gặp phải ở Việt Nam. Đó là vấn đề về khí hậu mà các bạn không thể tưởng tượng được. Người châu Âu chúng ta khó có thể hình dung được phải làm việc dưới cái nóng 35 độ C trong điều kiện không có gió và độ ẩm xấp xỉ 100%! Ngay cả buổi tối, trời mát hơn nhưng vẫn không có gió. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ chịu đựng được và mọi người không lăn ra ốm cùng một lúc. Việc bị ốm là không thể tránh khỏi, nhưng tôi mong rằng điều đó sẽ không làm tôi bực bội, bởi vì cáu giận là một việc rất không hay khi đứng trước người Việt Nam. Đừng quên rằng họ là những người vừa trải qua một nửa thế kỷ đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình.”

Và bộ phim "Người tình" đã được khởi quay vào ngày 14/01/1991 tại Việt Nam, khi ấy Jane March mới bước vào tuổi 18 được hai tháng.

Theo Vietnam+

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Hơn 200 tác phẩm ký họa về cảnh đẹp Phú Lộc

Chương trình sáng tác “Hành trình ký họa nét đẹp Phú Lộc 2024” sau 5 ngày diễn ra đã khép lại cùng hơn 200 tác phẩm ký hoạ với nhiều bút pháp, nội dung phong phú về mảnh đất và con người Phú Lộc.

Hơn 200 tác phẩm ký họa về cảnh đẹp Phú Lộc
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Return to top