ClockThứ Bảy, 20/10/2018 13:30

Người trẻ bám biển

TTH - Những ngày đầu tháng 10, trong cái nắng hanh hao cuối vụ biển, được chứng kiến một chuyến ra khơi của những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển ở Thuận An (Phú Vang), mới thấy hết sức trẻ giờ đây đang “giang tay” gánh vác cơ nghiệp của cha ông trên những con tàu rẽ sóng ra khơi…

Chủ nhân của biển“Chỉ cần siêng, dân biển đủ sức làm giàu”Chủ nhân của biển

Các ngư dân trẻ luôn có hậu phương vững chắc

Biển là nhà

Cũng đã từ lâu lắm rồi, lão ngư Lê Văn May (80 tuổi, TDP Hải Bình, thị trấn Thuận An) không còn đi biển. Có những ngày, nỗi nhớ biển - nhớ một thời ngang dọc cùng con sóng trở nên cồn cào trong ông. Nhưng giờ đây, nghiệp biển của gia đình trong ông như có được niềm an ủi bởi những con tàu lớn đã được trao lại cho người trẻ - những thành viên CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển.

Chuyến biển cuối mùa làm làng chài Tân Bình như hối hả hơn bởi những con tàu hậu cần lỉnh kỉnh đủ thứ chuẩn bị cho một chuyến ra khơi thu mua hải sản. Hai anh em ngư dân Nguyễn Văn Biện, Nguyễn Văn Diện (TDP Hải Bình) dẫn chúng tôi ra bến tàu để giới thiệu hai con tàu công suất 800-950CV của mình. “Đó là cơ ngơi một đời đi biển của gia đình, giờ mình tiếp quản, theo đuôi con cá kiếm ăn”, anh Biện nói qua tiếng sóng.

Được sở hữu những con tàu gỗ công suất trên 800CV không chỉ là niềm mong mỏi của những ngư phủ làng chài bậc “tiền bối” mà còn là ước mơ của người trẻ. Anh Biện kể rằng, hồi thân chưa cao hơn mái chèo, anh đã ra khơi cùng bố. Cứ mỗi chiều, nhìn những thân hình rám nắng của bố anh cùng bạn thuyền với cơ bắp cuồn cuộn, nhưng vô cùng vất vả bởi tàu thì nhỏ mà sóng thì lớn, anh ước mơ về một ngày được ra khơi trên những con tàu lớn.

Gia đình tích cóp được ít tiền, được địa phương tạo điều kiện tiếp cận các kênh vay vốn, anh Biện cùng bố đóng tàu công suất 800CV chuyên dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngày đầu tiên bước lên con tàu gỗ hạ thủy còn thơm mùi sơn mới, anh đã khóc như đứa trẻ được thỏa ước mơ một lòng với biển.

Mỗi chuyến đi biển từ 4-5 ngày, tàu của các ngư dân trong CLB ra khơi thu mua ở các ngư trường Hoàng Sa và quanh địa bàn tỉnh rồi về cảng cá Thuận An nhập hàng. Vụ đi biển chính từ tháng 5-10 nên không mấy khi các ngư dân trẻ có mặt ở đất liền. Anh Biện trải lòng, mỗi chuyến ra khơi chi phí từ 35-40 triệu đồng bao gồm 1.000 lít dầu, 600-800 cây đá cùng nhu yếu phẩm. Mỗi chuyến tàu công suất lớn như mình chở được 25-30 tấn cá nục, ngừ, thu cùng các loại thủy hải sản xuất khẩu, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng; trừ chi phí còn khoảng 55-60 triệu, chia cho chủ thuyền và các thuyền viên lao động.

Họp nhóm mỗi tháng một lần

“Anh em toàn người trẻ, làm ăn rất sòng phẳng, đi biển có chuyến lỗ, chuyến lời nhưng tình cảm với nhau là chính. Nhờ những chuyến biển biết đoàn kết giúp nhau mà mấy chục thành viên trong CLB đủ chi phí sinh hoạt, nuôi gia đình, có người còn có thể làm giàu”, anh Biện vừa nói vừa nhảy lên thuyền.

Đưa chúng tôi dạo quanh một vòng tham quan chiếc tàu 800CV của mình, anh Biện say sưa nói về những ước mơ khi con tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy bộ đàm, icom, máy dò cá. Nói đoạn rồi anh tâm sự, mỗi thời mỗi khác nhưng xưa cha ông mình đi biển toàn dựa vào kinh nghiệm, không máy móc hỗ trợ mà còn nuôi cả bầy con khôn lớn. Giờ đây, trên tàu mình đủ thứ phương tiện hiện đại, không làm giàu được từ biển thì… quá kém!

Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển bảo rằng, 29 thành viên trong CLB chủ yếu tuổi đời từ 25-35 tuổi với 10 tàu cá chia nhau các bạn thuyền đi biển; trong đó có 4 tàu được hỗ trợ vay vốn đóng theo Nghị định 67; có tàu gỗ công suất 950CV đang làm ăn rất hiệu quả. “Từ những bỡ ngỡ đầu tiên của những ngư dân trẻ, giờ đây nghiệp biển không chỉ quen dần mà còn trở nên chuyên nghiệp với các máy móc hiện đại hỗ trợ, giúp nhiều ngư dân trong CLB đánh bắt hiệu quả hơn”, anh Cường chia sẻ.

Chuẩn bị ra khơi

Không đoàn kết, không phải ngư dân

Cứ vài tháng, CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển lại sinh hoạt một lần, cốt cũng để hỏi thăm nhau, “vạch kế hoạch” cho những chuyến biển sắp tới. Kinh phí mỗi thuyền viên đóng từ 30-50 nghìn đồng/tháng dùng để duy trì hoạt động của CLB trong công tác thăm hỏi nhau khi ốm đau, bệnh tật.

Câu chuyện anh chủ nhiệm trẻ Trần Văn Cường muốn nói đến với chúng tôi là hoạt động của các thành viên CLB dựa trên sự tự nguyện; tự nguyện giúp nhau vươn khơi bám biển, chia sẻ khó khăn về ngư trường và giúp nhau mỗi lần ra khơi gặp sự cố. Từ năm 2015, CLB ngư dân trẻ được thành lập đến nay- nói như anh Cường không nhớ hết những lần ngư dân trong CLB đoàn kết, giúp nhau vượt qua những khó khăn.

Ngư dân Trần Văn Diện kể, chỉ mới đây cuối tháng 9/2018, khi tàu của anh đang hoạt động thu mua cá cách ngư trường Hoàng Sa khoảng 80 hải lý. Do mới ra khơi khoảng hơn 2 ngày nên chỉ thu mua được ít cá bỗng dưng tàu bị hỏng bánh lái. Dùng bộ đàm liên lạc với các ngư dân trong tổ đội mới hay tàu của anh em chỉ cách mình chừng 20 hải lý. Các thành viên trong CLB đã quyết định cắt cử tàu của anh Dương Văn Thống (trú TDP Tân Bình) đến ứng cứu. Sau khi các thuyền viên nghiên cứu kỹ phương án sửa chữa tàu không được, họ quyết định lai dắt về.

Anh Diện nhớ lại: “Lúc đó mình cũng rất ái ngại và thương anh em vì mới ra biển mới mấy ngày mà phải quay vào, bỏ lỡ chuyến biển nên cứ chần chừ nói đợi tàu anh Thống thu mua thêm ít hôm nữa mới vô. Anh Thống dẫn tôi đến mạn thuyền, dỡ nắp hầm cá ra, rồi bảo: “Chừng này chưa đủ xăng dầu răng chú lo; cứ mang tàu vô đi sửa, ít hôm ta lại ra khơi, đừng ngại!”.

Kinh phí lai dắt do các chủ tàu tự thỏa thuận với nhau nhưng đối với CLB Ngư dân vươn khơi bám biển, trường hợp này rất ít khi phải… dùng đến tiền. Thấy tôi như chưa hiểu hết câu chuyện, Chủ nhiệm CLB Trần Văn Cường giải thích: “Hoạt động lai dắt chủ yếu dựa trên tự nguyện, tình cảm trong CLB của các ngư dân với nhau. Mỗi chuyến biển vào, có khi các chủ thuyền biếu nhau đùm cá, cân mực rứa là xong. Chỉ những lúc chi phí quá lớn thì hai bên thỏa thuận. Với lại, nghề biển cũng lắm rủi ro, giúp nhau đúng thời điểm quan trọng hơn là chuyện tiền bạc”.

Không chỉ giúp nhau khi có sự cố, các thành viên trong CLB còn chia sẻ nhau ngư trường đánh bắt, thu mua để hoạt động trên biển hiệu quả hơn. Ví như một tàu đến ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc bộ thu mua không xuể cá, sẽ “ới” anh em trong CLB hoạt động gần đó đến thu mua thông qua kênh thông tin liên lạc bộ đàm, icom tầm trung, tầm xa.

Hoạt động trên biển dài hay ngắn ngày tùy theo mỗi vụ cá và mỗi chuyến đánh bắt, thu mua có gặp được ngư trường thuận lợi hay không. Do đó, các ngư dân trẻ thường chia sẻ nhau nhu yếu phẩm, nước ngọt, đá và xăng dầu cho những thuyền đánh bắt dài ngày ngoài dự kiến.

Anh Trần Văn Cường tâm sự: “Nhờ những hỗ trợ kịp thời trên biển, hoạt động của đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, trong đó toàn ngư dân trẻ rất hiệu quả, mỗi lao động thu nhập 8-10 triệu đồng/chuyến biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

“Toàn thị trấn Thuận An có trên 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ; trong đó có gần 200 tàu có công suất từ 90-950CV. Sản lượng đánh bắt đến tháng 10/2018 đạt gần 10.000 tấn, hoạt động ngư nghiệp đã sôi động trở lại, trong đó có sự đóng góp tích cực của đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua trên biển của CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển”, ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, đánh giá.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

TIN MỚI

Return to top