ClockChủ Nhật, 01/01/2017 06:38

Người trẻ khởi nghiệp

TTH - Với nhiều bạn trẻ Huế, khởi nghiệp vẫn còn khá lạ lẫm. Tuy thế, khuynh hướng này đang có những khởi động và đạt một số thành công.

Trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”

Nhiều ý tưởng mới lạ

Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016” cho thấy dù chưa có nhiều ý tưởng, sự tham gia chưa đông như một số thành phố khác, song, những bạn trẻ đến với khởi nghiệp khá năng động, ý tưởng tốt, sát với cuộc sống có tính ứng dụng.

Chung kết cuộc thi diễn ra giữa tháng 10 vừa qua có 18 ý tưởng được lựa chọn trong 52 ý tưởng của các tác giả, nhóm tác giả. So với mặt bằng chung cả nước, số lượng ý tưởng tham dự cuộc thi ở Huế không nhiều, nhưng như đánh giá của ban giám khảo, nhiều ý tưởng không chỉ có tính thực tiễn cao, mà còn mang tính nhân văn, như ý tưởng thiết kế gậy thông minh cho người khiếm thị. Theo trình bày của nhóm tác giả, chiếc gậy có thể giúp người khiếm thị di chuyển dễ dàng, phân biệt được các đoạn đường bằng phẳng hay gập ghềnh, có độ dốc để đi lại an toàn hơn. Ý tưởng về nhân giống và bảo tồn các cây dược liệu, sản xuất các loại vật liệu từ giấy xanh làm bằng lá cây cũng được đánh giá cao bởi thân thiện môi trường.

Sản phẩm của nhóm đạt giải nhất đã có mặt ở thị trường

Những ý tưởng khác được đánh giá cao ở tính sáng tạo, độc đáo như mô hình kiến trúc giấy làm quà tặng, chế phẩm sinh học trừ sâu từ các loài thảo mộc, sản xuất phân phối hệ thống vườn treo… đã nhận được các giải thưởng cao tại cuộc thi, trong đó ý tưởng mô hình kiến trúc giấy làm quà tặng của nhóm bạn trẻ Lê Ngọc Tuấn Anh ngoài đoạt giải nhất còn được chọn tham dự cuộc thi chung kết toàn quốc. Dù không mang về những giải thưởng lớn, nhưng ý tưởng của các em đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các nhà tài trợ. Quan trọng hơn, việc đưa sản phẩm ra thị trường khá thuận lợi, một số đối tác nước ngoài đã tiếp cận để hướng đến xuất khẩu.

Không chỉ là cuộc chơi

Trở lại với đêm gala chung kết khởi nghiệp sáng tạo Huế, ngoài 5 ý tưởng đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích nhận được những hỗ trợ bằng tiền, hiện vật của ban tổ chức, gần như ý tưởng nào cũng nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và cũng đồng thời là giám khảo của cuộc thi. Một trong những doanh nghiệp, doanh nhân đó là ông Nguyễn Trung Trực, một người khá tâm huyết với Huế. Các bạn trẻ có ý tưởng tốt được mời hợp tác thành lập công ty, đầu tư thực hiện ý tưởng. Số khác được mời đến TP. Hồ Chí Minh làm việc.

Tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Huế giúp các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, thực hiện ý tưởng

Một thành viên ban giám khảo thừa nhận, ông khá bất ngờ khi chứng kiến sự năng động, thông minh, dí dỏm với các dự án mang tính sáng tạo cao của các bạn trẻ Huế. Các dự án, ý tưởng mà các em thực hiện có tính thuyết phục, thân thiện với môi trường, dễ tìm kiếm nguyên vật liệu…

Ngoài ý tưởng mô hình kiến trúc giấy làm quà tặng hiện khá thành công khi ra thị trường trong nước và tiến tới là nước ngoài, những ý tưởng khác cũng đang được các bạn trẻ thực hiện. Trong đó, mô hình nghiên cứu trồng cây dược liệu; sản xuất, phân phối vườn treo… đã có sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm cà phê rang xay “sạch” cũng được một nhóm bạn trẻ đưa ra thị trường. Các ý tưởng, dự án về truyền thông, du lịch cũng đang được các tác giả, nhóm tác giả duy trì thực hiện bằng việc thành lập công ty để dần đưa sản phẩm ra thị trường.

Điều thuận lợi của khởi nghiệp Huế là lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội tiếp cận, trao đổi, trình bày và thực hiện ý tưởng. Ngoài hỗ trợ không gian làm việc chung, tỉnh còn hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư cho các ý tưởng đạt giải hoặc hỗ trợ đầu tư ban đầu để các nhóm tác giả khởi nghiệp. Nhờ thế, các ý tưởng tham gia cuộc thi có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư.

Tinh thần khởi nghiệp đã và đang được tiếp tục truyền đến cho các bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập… Tuy thế, để khởi nghiệp Huế thực sự là sân chơi dành cho giới trẻ, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của các ngành liên quan, bởi Huế có rất nhiều tiềm năng, với lượng sinh viên lớn, trường đại học nhiều, nếu tổ chức tốt, chắc chắn sẽ quy tụ được những người có tài năng, trí tuệ. Vấn đề còn lại là tổ chức sân chơi khởi nghiệp như thế nào để thu hút nhân tài, người trẻ.

Một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức khởi nghiệp hiến kế, nên mở rộng quy mô, nâng giá trị giải thưởng, hỗ trợ thiết thực sau cuộc thi bằng việc kêu gọi được những nhà đầu tư uy tín, tạo điều kiện tối ưu nhất để phát triển ý tưởng, đưa ý tưởng vào cuộc sống, tìm đầu ra cho sản phẩm… là cách tốt nhất giúp Huế có thêm nhiều mô hình khởi nghiệp thành công.

Bài, ảnh: Huệ Hoàng

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang

Viết tiếp ước mơ thuở nhỏ khi chọn trở về quê hương nuôi thỏ, chuột lang nhà, với Nguyễn Duy Lanh, chàng trai Hương Xuân (Hương Trà), tuy gian nan, khó khăn song những thành quả thu được lại vô cùng quý giá.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang
Khơi nguồn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp

Nhằm khơi nguồn và phát triển những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát huy động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) huyện Quảng Điền lần thứ I năm 2023” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện tham gia và thu được những kết quả tốt đẹp.

Khơi nguồn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp
Return to top