ClockThứ Sáu, 03/06/2016 05:51

Người trồng tiêu khó trả nợ đúng hạn

TTH - Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND), đến nay 150 hộ dân ở xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc), đã cải tạo thành công vườn tạp bằng mô hình trồng tiêu cao sản. Tuy nhiên, người trồng tiêu cũng băn khoăn do thời hạn cho vay quá ngắn khiến bà con khó trả nợ đúng kỳ hạn.

Vườn tiêu chưa thu hoạch được nên khả năng hoàn vốn gặp nhiều khó khăn

Hiệu quả bước đầu

Ông Đào Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa đánh giá: “Với phương thức mới là cho vay theo nhóm hộ và dự án, nguồn vốn Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, xoá bỏ dần phương thức làm ăn manh mún, hướng tới sản xuất hàng hoá. Trong số 26 hộ vay 300 triệu đồng từ Quỹ HTND từ tháng 11/2013, hộ nhiều nhất có trên 500 gốc tiêu và hộ ít nhất cũng 100 gốc. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng lên 150 hộ, trở thành mô hình chủ đạo trong phát triển kinh tế nông thôn ở xã Lộc Hòa”.

Ông Tôn Thất Đủ (thôn Làng Đông) cho biết: “Trước đây đất vườn gia đình trồng sắn, chè, vì không có nguồn vốn tái đầu tư nên vườn cây ngày một cho năng suất thấp, trở nên hoang hóa, gây lãng phí. Năm 2013, được hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, gia đình đầu tư 100 trụ trồng tiêu, đến nay vườn cây phát triển xanh tốt. Dự kiến trong thời gian tới đầu tư thêm 100 gốc tiêu nữa”. Theo ông Đủ, chi phí đầu tư khoảng 100 nghìn đồng/trụ tiêu, 60 nghìn đồng/vòi phun nước tự động. Quá trình trồng tiêu chú trọng bón phân chuồng, hạn chế phân hóa học nên hứa hẹn cây tiêu sẽ có giá khá cao so với các tiêu vùng khác.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, gần 150 hộ ở xã Lộc Hòa đã cải tạo vườn tạp, phát triển vườn tiêu

Một hộ dân nữa là hộ gia đình ông Trương Ngọc Siêng (thôn Làng Đông), năm 2013, từ nguồn vốn này, ông dựng cột bê tông trồng gần 100 gốc tiêu. Đến năm 2014, gia đình tiếp tục đầu tư thêm 50 gốc. Đến nay, vườn tiêu đã bắt đầu cho trái bói, khoảng tháng 8 năm nay sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Cần giãn nợ cho nông dân

Tính đến ngày 30/3/2016, Quỹ HTND do Hội Nông dân tỉnh quản lý gần 19 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ Trung ương ủy thác là 8,1 tỷ đồng ở 27 dự án. Hằng năm, quỹ hỗ trợ thực hiện 56 dự án sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, tạo việc làm cho hơn 600 lao động nhàn rỗi với mức thu nhập bình quân mỗi hộ từ 25 đến 40 triệu đồng/năm. Hiện Hội cũng đang quản lý 816 tổ tiết kiệm và vay vốn; hỗ trợ có dư nợ tại Ngân hàng CSXH cho gần 28.000 hộ với 567 tỷ đồng, chiếm 30,17%. Trong đó, nợ quá hạn là 898 triệu đồng, chiếm 0,16%.

Ông Tôn Thất Đủ, một hộ dân vay vốn trồng tiêu cho biết, với vốn vay 36 tháng, đến nay tiêu mới cho trái bói, trong khi tháng 11 năm nay đã đến kỳ hạn trả nợ. Bà con chưa tìm được nguồn thu để trang trải. Ngoài nguồn vốn vay, người trồng tiêu cũng đã bỏ ra một số vốn đầu tư, chưa có nguồn thu lại, nguồn vốn chưa xoay vòng được nên chưa thể trả đúng kỳ hạn.

Ông Đào Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa thông tin, việc cho vay vốn Quỹ HTND là thực hiện theo Điều lệ Quỹ HTND Trung ương quy định. Từ 12 đến 24 tháng là ngắn hạn và trung hạn; 36 tháng là dài hạn. Đồng thời phải xác định rằng, nguồn vốn Quỹ HTND là hỗ trợ một phần cho bà con. Một thực tế là thời gian quay vòng vốn như vậy vẫn còn ngắn, gây khó khăn trong việc trả vốn đúng thời hạn. Như mô hình trồng tiêu ở Lộc Hòa, thời gian dư nợ là 3 năm, trong khi cây tiêu phải từ 3 đến 4 năm mới cho trái và phải 5 năm trở lên năng suất mới cao được.

“Trong tổng số 150 hộ trồng tiêu ở đây, có 26 hộ được vay vốn của Quỹ HTND. Tuy nhiên, vẫn chưa đến mùa thu hoạch, bà con chưa có tiêu bán thì lấy tiền đâu trả nợ. Nhiều hộ cũng đề nghị các cấp hội kéo dài thêm thời gian gia hạn nợ cho bà con”, ông Quy kiến nghị.

Hiện trên địa bàn tỉnh số dư nợ quá hạn cũng khá lớn, trên 0,5%. Trong đó, Hội Nông dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) 0,65%; Hội Nông dân thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) 1,11%; Hội Nông dân xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) 1,08%;…

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Quỹ HTND tỉnh cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị Ban Điều hành quỹ HTND Trung ương nên cho vay theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây và con, chứ không theo thời hạn định sẵn như hiện nay, nhằm tạo điều kiện để bà con có thời gian quay vòng vốn, trả được nợ và tái sản xuất”.

Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Return to top