ClockThứ Bảy, 28/11/2020 06:30
KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH PH.ĂNG-GHEN (28/11/1820-28/11/2020)

Người tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai”

TTH - Sinh thời, Phriedric Ăng-ghen chỉ khiêm tốn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai”sau Mác. Nhưng lịch sử đánh giá đúng vai trò của ông, cùng với C. Mác là những người khai sinh Chủ nghĩa Mác. Đặc biệt, ông cùng với Mác đã đặt nền móng khai sinh đồng thời khẳng định tính khoa học của phép biện chứng duy vật.

Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895). Ảnh: TL

 

Ph. Ăng-ghen, với ngôn ngữ khoa học, văn phong chính xác mạch lạc nhưng hấp dẫn bởi sự châm biếm, phê phán sắc sảo đã khẳng định những luận điểm của Chủ nghĩa Mác coi phép biện chứng duy vật là sự tổng kết toàn bộ quá trình phát triển của triết học và khoa học tự nhiên, đồng thời là sự khái quát các quy luật khách quan của giới tự nhiên và xã hội. Phép biện chứng không chỉ là khoa học về tư duy mà là “khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát  triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”. Khái quát hoá toàn bộ lịch sử phát triển của triết học, khoa học tự nhiên, khoa học lịch sử và khoa học kinh tế, Ph. Ăng-ghen chỉ ra các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật là: Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập; Quy luật chuyển hoá từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại; Quy luật phủ định của phủ định.

Ph. Ăng-ghen là nhà khoa học lớn có sức tổng kết, khái quát rất cao. Khi xem xét “quy luật mâu thuẫn”, để chỉ ra tính khách quan, tính phổ biến của mâu thuẫn, ông đã minh họa bằng nhiều ví dụ trong những lĩnh vực khác nhau của sự nhận thức giới tự nhiên như cơ học, toán học, sinh vật học... Ph. Ăng-ghen còn coi vận động cũng có đặc trưng mâu thuẫn - thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn và  giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn biện chứng trong vận động thể hiện trong sự đối lập và chuyển hoá giữa “vận động” và “đứng im”. “Theo quan điểm biện chứng, khả năng biểu hiện vận động bằng cái đối lập với nó, tức thể tĩnh, hoàn toàn không phải là một điều gì khó khăn cả. Theo quan điểm biện chứng, tất cả sự đối lập ấy, như chúng ta đã thấy, đều chỉ là tương đối, không có thể tĩnh tuyệt đối, sự thăng bằng vô điều kiện. Vận động cá biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại loại trừ sự thăng bằng”.

Khi bàn đến sự vô tận trong không gian và thời gian, Ph. Ăng-ghen chỉ ra mâu thuẫn đặc trưng của cái vô tận: “Cái vô tận là một mâu thuẫn, và nó chứa đầy những mâu thuẫn. Cái vô tận chỉ gồm những đại lượng có hạn cộng thành cũng đã là một mâu thuẫn rồi… Chính vì cái vô tận là một mâu thuẫn nên nó là một quá trình vô tận, diễn ra vô tận trong thời gian và trong không gian. Coi mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển của thế giới các sự vật hiện tượng, Ph. Ăng-ghen viết: “Sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, không ngừng tự nảy sinh ra và tự giải quyết, và khi mâu thuẫn ấy chấm dứt thì sự sống không còn nữa và cái chết xảy đến”. Ông cũng chỉ ra mâu thuẫn trong tư duy. Đó là “mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô hạn ở bên trong con người và năng lực thực tế của con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài và đang nhận thức một cách hạn chế”. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết trong sự nối tiếp vô hạn của các thế hệ.

Luận giải mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất, bằng các ví dụ trong các lĩnh vực khoa học khác nhau và từ thực tiễn xã hội, Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra bản chất của quy luật này là ở chỗ trong thế giới hiện thực, sự thay đổi về chất là kết quả của những sự thay đổi về lượng. Quá trình chuyển biến từ chất này sang chất khác là sự đứt đoạn trong trạng thái liên tục, là sự nhảy vọt về chất. Song, đồng thời với quá trình trên cũng diễn ra quá trình ngược lại, chuyển hoá từ sự biến đổi về chất thành những sự biến đổi về lượng. Ph. Ăng-ghen viết: “Sự thay đổi về lượng làm thay đổi chất của sự vật cũng như sự thay đổi về chất làm cho lượng của sự vật thay đổi”.

Khi luận giải về phép biện chứng phủ định của phủ định, Ph. Ăng-ghen chỉ ra tính khách quan và phổ biến của nó trong tự nhiên, xã hội và trong tư duy con người. Chính quy luật phủ định của phủ định đã chỉ ra khuynh hướng của sự phát triển. Sau mỗi lần phủ định của phủ định, sự vật ngày càng hoàn thiện hơn, cái mới dường như trở lại cái cũ, nhưng ở tầm cao hơn. Với ví dụ bằng sự phát triển của hạt lúa mì, Ph. Ăng-ghen minh hoạ sự vận động của quy luật này trong thế giới hữu cơ cũng như trong các ngành hoá học, địa chất học, toán học, triết học và cả lịch sử xã  hội. Ph. Ăng-ghen kết luận: “Vậy phủ định cái phủ định là gì? Là một quy luật vô  cùng phổ biến và chính vì vậy mà nó có một tầm quan trọng và một ý nghĩa cực kỳ to lớn, của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy, một quy luật như ta đã thấy, có giá  trị trong giới động vật và thực vật, trong địa chất học, toán học, lịch sử, triết học”.

Những luận điểm của Ph. Ăng-ghen về những quy luật của phép biện chứng duy vật đã xây dựng những cơ sở vững chắc cho triết học duy vật Mácxit. Đó là những luận điểm có ý nghĩa phương pháp luận. Những luận điểm này về sau đã được V.I. Lê-nin khẳng định và nâng lên một tầm cao mới khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển sang một giai đoạn mới và cho đến nay, nghiên cứu những tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen người ta vẫn còn có thể tìm thấy nhiều điều.

 TS. NGÔ VƯƠNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I Lê-nin (22/4/1870-22/4/2020)
Đưa Chủ nghĩa Mác từ lý luận thành hiện thực

Trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê - nin vĩ đại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Lê - nin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam không những là “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và chủ nghĩa cộng sản”.

Đưa Chủ nghĩa Mác từ lý luận thành hiện thực
Return to top