ClockThứ Bảy, 17/08/2019 14:15

Người về bến buộc

TTH - Thầm cũng biết từ cách đây vài năm anh đã không dám nhìn vào mắt chị và chắc chị sẽ tha thứ vì biết anh ngại không muốn dõi thấu nỗi đau tận cùng của Thầm.

Cả tuần nay, người anh cứ rột rạt, ai ai, lỏng lẻo như vờ. Giá kể bây giờ mà được đôi bàn tay mềm những ngón thon như có mắt của Thầm nhẹ nhàng ấn ấn trên các huyệt đại chùy, thận du, chí thất, bát liêu ở lưng thì dễ chịu phải biết. Cứ nghĩ đến đấy là anh muốn phóng xe ra ngay cái cơ sở vật lý trị liệu người mù - đúng tên ghi ở chiếc bảng treo trên cửa. Anh thì rất kỵ mấy tiếng gọi là “Tẩm quất người mù”, “Massage khiếm thị” hay “Giác hơi xoa bóp người kém mắt”… nó cứ xấc xược, xúc phạm làm sao ấy.

“Bác cho em vào bấm huyệt”. Anh từ tốn thế mỗi lần kịch xe tới chiếc cổng có ông bảo vệ mồm miệng suốt ngày như băng keo dính ở chỗ Thầm làm việc. Chị hiền, đẹp tựa cây súp lơ mùa thu ấy. Đúng là ví von láo lếu, nhưng mà chính xác. Không hiểu sao mỗi lần gặp chị, anh cứ nghĩ đến cây súp lơ trồng vào mùa thu xanh mươn mướt, ngọt ngào, lẩm tẩm sương sớm vậy. Ý anh là chị rất đẹp. Cái đẹp nữ tính, lặng và chỉ anh mới biết, mới đánh giá bằng các giác quan sau mấy năm nhờ chị chăm sóc khi mỗi đận trở trời. Biết là biết từ dạo nhà anh chưa bão gió kia. Thầm nhanh nhẹn, có nước da trắng hồng, mái tóc bồng bềnh và đôi mắt không nhìn thấy tí ánh sáng nào cứ trong, sâu, buồn vời vợi.

Chỉ từ năm ngoái anh mới đích xác. Anh luôn cảm giác và tưởng tượng tối tăm về đủ thứ hình dạng, màu sắc mỗi lúc nghĩ đến đôi mắt lòa của chị. “Ôi”. “Sao hả anh. Em làm hơi mạnh tay ạ”. “Không”. Anh thất thanh lên khi quyết định hôm đó sẽ nhìn vào mắt chị. Thật sửng sốt. Đôi mắt to, trong veo, long lanh, đẹp miên man. Từ nay, anh có thể tuyên bố với mọi người rằng: Có những đôi mắt người khiếm thị đẹp đẽ vô cùng, rất trong và sống động. Là sao nhỉ? đôi mắt đẹp thế lại không có một chút ánh sáng nào lọt được qua. Lạ, và khó hiểu.

Thầm cũng biết từ cách đây vài năm anh đã không dám nhìn vào mắt chị và chắc chị sẽ tha thứ vì biết anh ngại không muốn dõi thấu nỗi đau tận cùng của Thầm. Rồi hôm đó, chị bắt quả tang anh chứng kiến đôi mắt đẹp tuyệt và chị vẫn cứ hỏi anh một câu tỏ vẻ ngỡ ngàng. Tuy không có ánh sáng đọng trong đôi mắt ấy, nhưng anh biết ông trời và cả cuộc sống cay cực tháng ngày qua đã cho chị một giác quan cảm nhận tinh tế có lẽ còn hơn rất nhiều người. Khi biết chút ít về cuộc sống của chị thì anh lại nghĩ: Đôi mắt thiếu sáng không phải là nỗi đau nhất cuộc đời Thầm. Nỗi đau lớn nhất lại là sự bạc bẽo của người chồng đã bỏ mặc chị và con nhỏ khi biết đôi mắt Thầm dần tối, không thể nào chữa được. Và còn nỗi đau mất cha nữa, chỗ dựa lớn, ôn tồn, vững chãi của Thầm từ tấm bé khi cha mắc chứng ung thư qua đời lúc gia đình riêng của chị như con đò gặp cơn giông cuốn giữa dòng.

Tại cái bến sông Trai ấy nơi quanh năm suốt tháng Thầm và bao người đàn bà miền núi khác ra đây giặt chiếu. Những tấm chiếu bánh tẻ cứ lóa nắng trong các buổi chiều mùa hạ. Bao chuyến bè xuôi sông trắng sóng. Trên đó có những người đàn ông cứ vùn vụt đi qua cuộc đời họ ở bến sông này và nhiều người đã không quay trở lại. Đi qua Thầm là người chồng tệ bạc như loài “Cú đêm ăn xác chuột”. Mãi sau này, chị mới nghe từ miệng láng giềng gọi bố cái Quy như vậy. Những chuyến bè qua bến Buộc oàm oạp sóng hiện trên đôi tai Thầm mỗi lần chị nghe thấy liệu có tiếng rẽ sóng của chuyến bè nào ngược nước?! Thầm càng chờ càng vô vọng và sau này chị biết người chồng đã ghé bè vào một bến sông nơi thị tứ miền xuôi, dan díu và sinh con với người đàn bà có cuộc sống tốt tươi hơn chị. Gã đã chọn và như con dơi lựa được hang, bám yên rồi… khi con Quy được sáu tuổi. Đúng cái tháng cây mắc mật đầu hồi nhà chút lá ngờm ngợp nó được vào học ở ngôi trường tình thương dưới thành phố. Thầm cũng xin phép mẹ xuống xuôi, học nghề xoa bóp bấm huyệt ở một cơ sở người khiếm thị. Để được gần con, chị không ngược về cái bến Buộc suốt năm trắng những con sóng trên sông Trai ấy mà ở lại luôn trong cơ sở xoa bóp bấm huyệt của trung tâm.

Ngày vui nhất trong tuần là được đón con từ trường về. Tíu tít chăm nhau cứ như chim mẹ chim con. Khi những bông hoa sữa trước sân nhà tập thể ngằn ngặt mùi được dăm mùa nở thì con Quy lớn dần mập mạp như cây măng vầu trong bới và cũng được ba năm anh là khách quen của Thầm. “Anh làm một giờ hay hơn ạ?”. Lần đầu đến đây khi anh đã ở trần, trên người mặc mỗi chiếc quần cộc. “Khác nhau ở điểm nào giữa xoa bóp bấm huyệt một tiếng và tiếng rưỡi đồng hồ, em?”. Một giọng nói nhẹ như hạt sương rơi. “Em sẽ chú trọng xoa bóp ở những phần huyệt đạo hết một tiếng đồng hồ. Còn tiếng rưỡi thì lưu tâm hơn mát - sa các nhóm cơ”. “Anh làm một giờ thôi”. “Vâng ạ”. Bàn tay dịu dàng với những ngón như có mắt, bấm, xoa, day làm lưu thông các huyệt trên cơ thể khiến người anh nóng bừng dễ chịu.

“Bàn tay với những ngón như có mắt” ấy sau này anh chứng kiến thêm ở bao mũi thêu chính xác của chị tạo ra các bông hoa vải tươi sắc, những bức tranh tĩnh vật có hồn và anh càng khẳng định khi chứng kiến đôi bàn tay thật khéo rờ trên mẫu khuy còn các ngón kia thì thoăn thoắt đâm cây kim nhao lên nhao xuống như là mắc cửi. Công việc chị nhận làm thêm thùa khuy áo bông ở một cơ sở gia công áo rét. “Ở cơ quan mà thấy mọi người cứ lao lao tất bật thì chứng tỏ lãnh đạo chưa giỏi tổ chức và chưa truyền được cho nhân viên mình những kỹ năng trong công việc”. Qua các cuộc điện thoại trao đổi của anh, chị nghe lỏm, rút ra. Còn gia đình: “Cơm sôi bớt lửa và khoan hoà nữa. Phải bình tâm, nhẹ lòng mới tìm ra lối. Mái nhà mới ấm êm anh à”. Là những khi thấy anh cứ lặng thinh như hạt thóc mầm, mặt thì bí dị tựa bánh đa dính nồm và anh kết luận: Thầm không chỉ có các ngón tay như có mắt, em còn có sự cảm nhận sâu sắc hiếm hoi ở rất ít những người đàn bà thông minh anh gặp thời nay.

Thật bất ngờ và thú vị. Cảm giác dễ chịu nhất ở anh mỗi khi đến đây là được giãi lòng về bao điều chất chứa khi Thầm cứ miên miết trên lưng trên trán anh đôi bụng tay tròn lẳn cảm như có hằng hà ngọn gió mát lành vờn vàn quấn quýt. Rồi không biết tại làm sao nhu cầu được chị xoa bóp bấm huyệt ở anh không còn, hay chính xác đã được thay thế bằng các cuộc chuyện trò. Lần đầu là câu chuyện về gia đình, về mẹ về cái bến Buộc đêm ngày trắng sóng. Sau nữa là những mẩu chuyện chẳng đầu chẳng cuối ở đời sống không nhìn thấy cứ cuốn hút, dằn vặt, thổn thức anh về bao cảm nhận đôi mắt không thấy ánh sáng của Thầm. Hằng tuần, nhu cầu tới trung tâm chăm sóc sức khỏe ở anh chỉ là sự thèm muốn giãi bày mong được nghe Thầm kể chuyện. Nghe, rồi được ngắm đôi mắt lấp lánh thèm khát bao điều bình dị hiển hiện ở đời sống vốn vất vả lắm bất bình và không thiếu những điều ấm áp này.

...Dịp cuối năm, cũng hệt như những chuyến bè đời của gã chồng Thầm, bão gió ập xuống gia đình anh khi các cuộc điện đàm không hề có hồi âm của người vợ trẻ hơn anh hai chục tuổi bỗng biến vào khoảng không bất định, sau chuyến công tác nửa năm ở Vương quốc Na Uy. Có lẽ, chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới của đất nước này đã quyến rũ khiến người vợ nông nổi không cưỡng được hay bởi sự buộc ràng về những đứa con giữa anh và cô ấy mỏng manh do một lần lỡ dở. Bé đã không thể chào đời khi vừa năm tháng tuổi. Không biết có phải vì nỗi đau ám ảnh mà vợ chồng anh không thể một lần nào có con được nữa. Đấy có lẽ là căn cớ để vào một đêm mưa gió trận lụt ngập băng đường phố năm ấy anh nhận được dòng tin khô khốc: “Anh đừng chờ em nữa. Em sẽ làm các thủ tục ly hôn gửi về sau. Tha lỗi cho em”. Dòng tin nhắn như một trời sấm chớp phủ lên anh khiến cả năm sau, cứ mỗi lần mưa gió anh lại như mồn một tiếng sấm ầm ầm dầu ngoài trời chỉ là mưa rả rích...

“Chị Thầm đã về quê và không xuống nữa. Nửa tháng rồi chú”.

Cậu bé cùng làm ở trung tâm nói khi anh mình mẩy chẳng lục cục rông rổng mà ruột gan cứ rối bời. Anh nghĩ đến chị. Muốn gặp để sẻ chia điều gì mà trong lòng anh cũng chẳng biết rõ ràng nữa. Chị về sửa lại mái nhà và phải trông mẹ bị bệnh nặng nằm viện hơn chục ngày nay. Bé Quy ở luôn trong trường cả những dịp nghỉ học. Thời gian trở lại trung tâm khiếm thị làm việc có lẽ rất xa vời đối với Thầm. Anh bỗng hình dung ra dáng chị lẫn trong bóng những người đàn bà đang giặt chiếu ngập áng chiều đỏ rực trên bến Buộc. Anh như người không trọng lượng, lòng trống rỗng. Rồi một cảm giác chán nản, muốn quên, muốn gác hết công việc cơ quan cứ dâng lên xáo xác. Có điều gì thôi thúc, mung lung giục anh phải tìm chị. Tìm gặp rồi, sẽ nói gì? cũng chẳng thể mường tượng được. Chỉ biết trong anh đang như có một mái chèo… quẫy trở.

Vào tuổi sang chiều anh lật đật một ngày ngược dòng sông tìm về cái bến có người đàn bà anh mong gặp. Anh biết chặng đường sẽ gian khó vì suốt chiều dài con sông Trai nhiều khúc khuỷu này liệu sẽ có bao nhiêu bến nước và bao nhiêu người đàn bà giặt chiếu trên sông. Anh thì rất tin vào phép mầu kỳ diệu con tim chị sẽ dẫn lối cho. Dầu mất bao nhiêu thời gian anh vẫn quyết tìm được Thầm. Anh đã cất sẵn trong lòng mình một chiếc nhẫn cầu hôn chăng? không, với chị chiếc nhẫn chỉ là lời chứng vô giá trị. Vì, trước chị, anh đã là chiếc bình pha lê trong suôn suốt rồi cơ mà.

Phan Đình Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

600 đại biểu tham gia Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên 2020

Sáng 25/12, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên - Huế 2020. Diễn ra đồng thời với hội nghị này còn có Hội nghị Vật lý Y khoa toàn quốc lần thứ 4, do Bệnh viện Trung ương Huế đăng cai tổ chức.

600 đại biểu tham gia Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên 2020
Thầy giáo sáng chế Nguyễn Trường Vũ: “Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi”

“Tôi luôn trăn trở để giúp học sinh cảm thấy thú vị khi học vật lý. Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi. Khi nhìn thấy các em phấn khích vì thí nghiệm thì đó cũng là niềm phấn khích của tôi. Thông qua những thí nghiệm thú vị, các em yêu học vật lý hơn”, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ (32 tuổi, Trường TH&THCS Phượng Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) chia sẻ.

Thầy giáo sáng chế Nguyễn Trường Vũ “Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi”
Return to top