ClockChủ Nhật, 08/11/2020 12:54

Người về để lại

TTH - Chị tên Thùy nhưng chẳng nhu mì. Chị từ quê lên phố ở trọ cùng con để chăm cháu; vừa đến mấy ngày, đã kịp “gây chiến” với xung quanh.

Thành phố trẻBữa ăn mùa lụtCâu thơ ẩn ý của khách qua đườngQuán Bình An

Đầu tiên là với ông ở bên kia đường, đối diện dãy phòng cho thuê trọ của tôi. Ông này có thói quen quét dọn, gom rác vô bịch ni lông rồi xách bỏ nơi thùng xốp cạnh cổng nhà trọ. Ông dậy sớm làm việc này, cứ như mong bóng đêm chở che, đồng lõa. Nhiều năm rồi cổng nhà ông đón ban mai sạch trơn, trong khi khu nhà đối diện bất đắc dĩ nhận thêm phần chất thải, dù chỉ tạm thời trong khi chờ xe công ty vệ sinh. Tôi biết nhưng im; im nhưng ức, bèn tự an ủi “bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Với chị Thùy thì không. Lần đầu thấy ông hàng xóm đem rác bỏ trước cổng nhà trọ, chị buông lời mát mẻ: “Sao lại thế, anh ơi!?”. Ông lờ đi, giả không nghe để rồi hôm sau lặp lại. Chị vội mở cổng, bước ra đối diện ông ta, tay chỉ bịch rác chưa kịp phi tang: “Anh làm thế này coi sao được! Đừng đem đến cho người khác thứ mà mình cũng không muốn ngửi, nhé!”. Ông kia quắc mắt sửng cồ: “Cô ở đâu ra mà lên mặt móc máy thế hả?”. Đáp lại vẫn là giọng điềm đạm nhưng rắn chắc: “Dù ở đâu thì thấy điều bất bình cũng không thể làm ngơ!”. Thoáng bối rối nhưng ông ta cố vớt vát thể diện bằng những lời xúc phạm vô lối: “Nhà gì của cô, ở trọ mà còn tinh tướng!”. Chị bắt đầu lớn giọng, dằn từng tiếng một: “Chẳng cứ ở trọ, chúng tôi dù có trôi sông lạc chợ thì cũng cần được tôn trọng!”. Ông ta tháo lui trong hậm hực, nhưng từ hôm sau không di lý rác qua hàng xóm nữa.

Cả người đàn ông bệ vệ, trắng muốt từ giày tất đến áo quần thể thao, sáng nào cũng giong con chó to như con bê ngang qua trước khu trọ cũng bị chị Thùy chấn chỉnh. Là thói quen của giống vật tinh khôn ấy hay được huấn luyện mà cứ tới gốc xà cừ cạnh cổng khu trọ, con chó lại thu mình, phọt ra chất thải. Lâu ngày dồn lại, cả đống phân chó chỗ đó, người tránh xa, ruồi bu lại. Dù đã quét dọn mấy lần nhưng đâu vẫn vào đó, chị Thùy bèn nói với người đàn ông nọ: “Anh cho chó phóng uế ở đây bẩn quá, không được đâu!”. Người kia vặt lại: “Đây là đường chung hay nhà chị?”. Đáp lại cũng bằng một câu hỏi sắc hơn dao: “Sao anh không cho nó đi bậy trước cổng nhà mình, cũng là đường chung đấy; xua tới đây làm gì?”. Người kia cứng họng, im re, lủi thủi bước.

Đám trẻ cùng thuê trọ đặt cho chị Thùy biệt danh “Mama tổng quản”. Thấy cái gì chướng tai gai mắt, chị liền ra tay, lên tiếng. Xe máy để choán hết lối đi, chị từ từ xếp lại; thấy áo quần phơi trên dây mà xếp dày như trong tủ, chị liền giăng thêm dây thép để phơi giãn cách ra cho mau khô. Thường thì khoảng sân nhỏ trước mỗi phòng luôn được quét sạch bởi đã ngầm phân công phụ trách; trong khi hai đầu hồi nhà thì bẩn thôi rồi bởi sân chung mà. Từ khi đến ở, chị Thùy mặc nhiên tự nhận việc quét dọn khoảng sân chung ấy.

Sau vài động tác thị phạm, chị bắt đầu chỉ giáo bọn trẻ đáng tuổi con cháu. Cô cậu nào về khuya mà không xuống xe tắt máy từ cổng, mở nhạc hay nói chuyện to giữa trưa là chị “làm việc” liền. Có cậu bảo, đi với bồ về muộn, ngang qua phòng chị cứ phải nhón chân, khẽ nhẹ như lính trinh sát. Cô khác lại sợ “tổng quản” bêu tên nên có những đêm đã lên giường nhưng sực nhớ bịch rác để trước cửa chưa đem bỏ vô thùng xốp nơi cổng, liền vùng dậy.

Chị gặp chủ nhà trọ nói nhỏ: “Anh bảo bọn trẻ đừng cho người ngoài mượn chìa khóa cổng; đề phòng kẻ xấu cắt thêm chìa, làm bậy đấy”. Quả là tôi chưa lường đến tình huống này nên không nhắc các cháu. Lần khác, thấy tôi khó chịu khi cô sinh viên chậm nộp tiền nhà, chị vỗ về: “Anh thông cảm, bố mẹ con bé vừa bỏ nhau; nó làm thêm mỗi tháng chưa được hai triệu”. Tôi giật mình, ngượng bởi đã vô tâm trước cảnh đời đáng thương.

Ban ngày chị Thùy bồng cháu, mọi người đi học đi làm, tối đến ai ở nhà nấy nhưng không hiểu bằng cách nào chị thuộc lai lịch người trong khu trọ đến thế. Cô nào vừa học vừa làm thêm, cậu nào có bồ, gia cảnh hay nghề nghiệp bố mẹ các sinh viên, lương của mấy công nhân… chị biết tất. Cả những chuyện trong buồng trong bếp người khác cũng không giấu được chị “con bé kia xinh nhưng lười, toàn ăn cơm hộp”; “cậu nọ suốt ngày lau nhà với giặt đồ”.

Nhạn - cô công nhân may xuất khẩu đứng tuổi chưa chồng ở đối diện phòng chị Thùy cứ né tránh chị. Về đến phòng là cô đóng cửa lại, chộ mặt cũng lảng đi. Cô nói hành sau lưng người ở cạnh: “Người đâu là thóc mách, soi mói đến sợ!”. Đang nói chuyện với bạn mà thấy chị Thùy từ xa, cô liền nháy mắt: “Mama tổng quản kìa!”. Thế là cả bọn giải tán, không thì im hoặc chuyển đề tài. Cả cái giọng oang oang của chị cũng khiến cô lắm lần lắc đầu, nhăn mặt: “Khiếp, chưa thấy người đã nghe tiếng!”. Nhạn cắt tấm xốp đậy kín ô thoáng trên các cửa, chắc không muốn nghe âm thanh khiến cô khó chịu.

Sáng sớm nào đó, nghe bên khu trọ (ở sát nhà) có tiếng to bất thường, tôi vọt qua. Nhạn thò đầu ra cửa, tóc tai bù xù, la lớn: “Sao cô đập cửa và kêu to dữ vậy?”. Cạnh đó, chị Thùy đứng sững, bối rối. Cô gái tiếp tục cằn nhằn: “Đi làm ca ba mới về, vừa chợp mắt đã nghe ầm ầm rồi…”. Chị hơi hoảng, rối rít phân trần: “Đêm qua, thấy mấy đứa sinh viên thức khuya, sợ chúng quên đi học nên tôi gọi”. Nhạn vẫn chưa thôi bức xúc: “Sinh viên học theo tiết, đâu phải theo buổi như học phổ thông nên chưa chắc chúng đi học sáng nay. Thế mà cô làm náo loạn cả lên!”. Chị nói với vẻ hối lỗi: “Khổ quá, tôi có biết thời khóa biểu của chúng nó đâu!”. Tôi liền giảng hòa, xoa dịu: “Cô Thùy nôn nóng lo cho các cháu nên mới như vậy. Nhạn cũng thôi đi”.

Sau vụ bất hòa, chị Thùy có vẻ trầm lặng nhưng cũng chỉ mấy hôm. Chị vẫn sờ tay để mắt tới những việc vặt vãnh trong khu trọ, từ xách nước tưới mấy chậu cây cảnh trước sân đến quét dọn đầu hồi hay nhắc bọn trẻ khóa cổng bằng hai ổ khóa vào ban đêm hoặc để xe tránh lối đi chung. Với Nhạn, hình như chị cũng chẳng để bụng chuyện vừa qua, trời mưa vẫn lấy đồ cô phơi ngoài sân đem vô hiên hoặc đóng giùm cửa sổ. Ngược lại, cô hình như vẫn ngại tiếp xúc với người ở đối diện.

Mới đây, chị Thùy qua nhà tôi chơi, có ý chờ bà xã tôi đi làm về. Chờ lâu, chị vẫn nấn ná. Khi đã hết kiên trì, chị nhìn tôi thăm dò: “Thằng Ba -  cháu bà xã anh sao dạo này không thấy đến nhỉ?”. Tôi bất ngờ trước quan tâm có vẻ mông lung, cũng không biết chuyện sẽ dẫn dắt về đâu nên chỉ ừ à.

Ba gọi vợ tôi bằng cô ruột, mới ngoài ba mươi đã đứt gánh chồng vợ. Hai con ở với mẹ, thế là Ba bơ vơ. Đời thợ xây cho cậu nhiều dịp để say, từ đổ móng đổ mê đến thượng lương hay hồi công đãi thợ, giờ có thêm lý do để say là buồn. Cứ thấy cháu là bà xã tôi nhắc cưới vợ; Ba chán nên gần đây ở lại công trường, không về nhà cô dượng như trước.

Chuyện lòng vòng một lúc, chị Thùy nhìn tôi rụt rè: “Tôi thấy con Nhạn ở khu trọ cũng được, hay anh giới thiệu nó cho thằng Ba”. Hóa ra chị đang vào vai thuyết khách, môi giới hôn nhân. Tôi hững hờ: “Chuyện đó để chúng nó tự tính. Tôi thì thấy con bé hơi gầy”. Chị bất ngờ sôi nổi, có lẽ chẳng kém nhân viên tiếp thị là mấy: “Gầy quan trọng gì, cứ có hơi trai là phổng phao mướt mát ngay. Đó là chưa kể, đàn bà đẻ con thay máu là bảnh liền, anh ơi!”. Chị tiếp tục quảng bá về người được cho rất hợp với cháu tôi, nào là thật thà tốt tính, việc làm ổn định rồi siêng năng chịu khó. Chị còn chỉ ra những điểm tương đồng như thợ xây và thợ may, cô đã ba mươi và cậu thì dang dở rồi cùng là dân nhà quê nên dễ sống. Trước khi về, chị ghé tai tôi: “Đừng cho hai đứa biết mình sắp xếp; nếu biết, chúng tự ái khi bị người khác cầm tay chỉ việc, dễ bể dĩa lắm”. Chị Thùy còn nhiều lần gặp vợ tôi để hiệp đồng tác thành cho đôi trẻ.

Khi Ba bắt đầu chở Nhạn đi uống cà phê thì chị Thùy về quê, con chị cũng rời khu trọ dọn vào chung cư đơn vị. Chẳng rõ đôi trẻ như lửa mới nhen kia có biết “Mama tổng quản” đã âm thầm bắc nhịp cầu cho họ. Hôm thấy tôi qua khu trọ ghi điện nước, Nhạn khẽ hỏi: “Cô Thùy còn trở lại đây không chú”? Tôi lắc đầu; ngạc nhiên: “Sao cháu hỏi vậy”. Nhạn nhìn khắp lượt khu trọ, từ khoảng sân đầy rác đến mớ áo mưa tiện lợi bỏ đống ở góc sân và cả những chiếc xe để không hàng lối, giọng bâng khuâng: “Vắng cô ấy, buồn quá, chú ạ”. Nói rồi, cô nhìn mãi căn phòng trống bên cạnh.

Nhạn với tay lấy chiếc chổi cau dựng sát tường, lật qua lật lại săm soi rồi ngước nhìn tôi: “Chú thấy cô ấy khéo tay không?” Tôi mỉm cười, gật đầu. Trước ngày ra về không lâu, chị Thùy nhờ tôi vô quê tìm cho mấy tàu cau khô rồi thức trưa tước lá, chẻ lạt, bó thành hai cái chổi để hai đầu hồi nhà. Chị chỉ chổi cho mấy cô cậu sinh viên và nhắc: “Nhớ quét nhé”!

Nhạn ngẩn ngơ, như nói với chính mình:

“Giá được gặp lại cô ấy…”. Hình như cô gái còn điều gì muốn nói với người đã đi xa.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ

Theo dữ liệu vừa được công bố ngày 19/3 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng các cặp đôi kết hôn ở nước này trong năm 2023 đã tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, do nhu cầu bị dồn nén từ các cặp vợ chồng đã trì hoãn đám cưới trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, dữ liệu không cho thấy đây là sự phục hồi bền vững trong một xã hội đang già đi nhanh chóng như Hàn Quốc.

Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top