ClockThứ Hai, 17/12/2012 05:57

Người Việt & hàng Việt

TTH - Hiện đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam, đặc biệt uy tín ở các mặt hàng dệt may, da giày- đó là con số thật ấn tượng vừa được Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” công bố tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động.

Ở lứa tuổi 40-50 như chúng tôi hiện nay, nhiều người hẳn chưa quên những năm khó khăn sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Thời đó chúng ta thiếu thốn từ lương thực, thực phẩm đến hàng hoá tiêu dùng. Những ai đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ cũng chắt bóp dành tiền mua hàng gửi về nước. Hàng hoá gửi về thì đủ loại, từ xe máy, xe đạp, ti vi, tủ lạnh, quạt máy, bàn là, xoong, chậu đến xà phòng, vải vóc... Đó là những thứ được mọi người mơ ước và là “thước đo” giàu nghèo của các gia đình. Rồi đến thời đổi mới sau năm 1986, sản xuất bung ra, hàng hoá nhiều hơn nhưng lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hoá sản xuất trong nước cũng giảm dần, do chất lượng hàng hoá quá thấp. Tư tưởng sính hàng ngoại lại càng lên ngôi, trở thành xu hướng tiêu dùng chủ đạo của người Việt. Thời đất nước mở cửa, hội nhập, hàng hoá cũng đa dạng hơn, chất lượng cao hơn. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài không chỉ được nhập khẩu mà còn được sản xuất trong nước và dần chiếm lĩnh thị trường. Sức ép thị trường lúc này đè nặng nên vai các nhà sản xuất trong nước do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiềm lực tài chính hạn chế… Hàng Việt có nguy cơ mất thị trường ngay trên chính sân nhà. Kéo theo đó là tình hình sản xuất trong nước bị đình đốn, lao động không có việc làm và nước ta trở thành thị trường tiêu thụ béo bở, mặc sức thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài…

 
Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, để có được con số 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam là một nỗ lực lớn, đáng tự hào của cả hệ thống chính trị, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này không chỉ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Ở tỉnh ta, đến các siêu thị lớn như BigC, CoopMart, Thuận Thành hàng hoá thương hiệu Việt chiếm trên 80%. Nhưng đến các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự… hay về các chợ nông thôn, bên cạnh sự chiếm lĩnh của nhiều loại hàng hoá thương hiệu Việt vẫn còn hiện diện nhiều loại hàng hoá trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng, nhất là các loại hàng hoá Trung Quốc nhập lậu…
 
Thực tế đó cho thấy, để giữ chân được người tiêu dùng đối với hàng Việt, vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Đó là, cần có những chính sách phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; kiên quyết đấu tranh chống gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Với các doanh nghiệp, cần nỗ lực tự thân đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tay nghề người lao động; xây dựng được thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện rất nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất được những mặt hàng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, nhưng do không tổ chức tốt khâu tiêu thụ nên hàng hoá không đến được với người tiêu dùng; hoặc do qua nhiều khâu trung gian, giá cả đội lên cao không được người tiêu dùng chấp nhận. Vì vậy, đi đôi với phát triển sản xuất việc tổ chức hệ thống phân phối cần được quan tâm, nhất là thị trường nông thôn rộng lớn. Đây là khâu rất khó khăn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng nếu biết liên kết thì không phải không thực hiện được.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Return to top