ClockThứ Sáu, 02/12/2022 06:08

Nguồn lực cho doanh nghiệp FDI

TTH - Thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là bài toán lớn của Thừa Thiên Huế, nhằm tạo nên cú hích trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách cởi mở từ chính quyền, việc chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp được xem là điểm cộng trong thu hút FDI.

11 tháng, giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 nămFDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sảnĐưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầuĐón “sóng” FDI trở lạiVốn FDI vào Việt Nam của 7 tháng cao nhất trong 5 năm qua

Các doanh nghiệp FDI cần nguồn lao động kỹ thuật, chuyên môn cao

Nhu cầu lao động lớn

Doanh nghiệp (DN) FDI đang giữ vai trò quan trọng khi trực tiếp đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2021, dù có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của đại dịch, song doanh thu khu vực này vẫn đạt 1.200 triệu USD, nộp ngân sách đạt 129 triệu USD chiếm 26,2% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là DN FDI có đóng góp lớn nhất với 88,3 triệu USD; Công ty Scavi Huế 12 triệu USD.

Ngoài đóng góp vào tăng trưởng chung, các DN FDI cũng góp phần rất lớn trong công tác an sinh khi giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động. Riêng năm 2021, khu vực FDI sử dụng gần 25.000 lao động, trong đó, các DN dệt may giải quyết nhiều lao động nhất như: Công ty Scavi Huế giải quyết hơn 8.000 lao động; Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam (Hoa Kỳ) giải quyết cho gần 6.500 lao động.

Tuy nhiên với đặc điểm sử dụng lao động lớn, cần đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao… các DN FDI, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may đang đối mặt với nhiều rào cản về lao động.

Theo kết quả khảo sát của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), tại Thừa Thiên Huế chất lượng đào tạo phổ thông và đào tạo nghề, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được DN đánh giá khá tốt so với toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chí chưa được đánh giá tích cực như tỷ lệ “lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của DN”  chỉ ở mức 55%, ở mức trung bình của toàn quốc. Bên cạnh đó, “tỷ lệ chi phí tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh” vẫn còn cao hơn so với trung bình toàn quốc với 5,79% so với 5,72%. Công tác tuyển dụng lao động tại DN vẫn chưa được đánh giá dễ dàng, đặc biệt là tuyển dụng cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, tỷ lệ DN đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật dễ dàng là 41% và cán bộ quản lý dễ dàng là 34%.

Lao động lành nghề là một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI

Cần có sự liên kết

Ông Trần Văn Mỹ, Chủ nhiệm CLB DN FDI, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế cho biết, nhìn chung, trình độ lao động trong khối FDI của tỉnh ngày càng được cải thiện so với trước. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn những hạn chế. Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trong tổng lực lượng lao động còn thấp. Số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản còn quá thiếu so với yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt – may. Đội ngũ lao động "chất xám" còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các lĩnh vực thương mại, logistics, tài chính, kế toán, kiểm toán…

Ngoài ra, tác phong chuyên nghiệp và kỷ luật lao động còn thấp. Lực lượng sinh viên vừa ra trường có trình độ, nhưng chưa được đào tạo cách ứng dụng các kiến thức đã được học vào thực tế, chưa được trang bị tốt các kỹ năng làm việc và thiếu sự chuẩn bị tốt về tâm lý khi vào làm việc tại các DN, đặc biệt là các DN FDI. Sự thiếu khát vọng, ý chí và thường xuyên “nhảy” việc của người lao động cũng gây nên những áp lực không nhỏ cho DN FDI.

Trước áp lực này, việc đầu tư nâng cao chất lượng cũng như phát triển thêm các chuyên ngành đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề chuyên nghiệp, các trường đại học với sự tham gia, hợp tác đào tạo của các DN FDI là điều cần thiết nhất lúc này. Các DN FDI có thể xác định các nhu cầu, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giáo án, bài giảng; hỗ trợ chuyên gia giảng dạy; tài trợ các trang, thiết bị dạy học; tài trợ học bổng và cam kết các chương trình thực tập, đào tạo nghề và cơ hội việc làm tại DN. Các cơ sở đào tạo tại Thừa Thiên Huế cũng nên mở thêm các chương trình, chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực dệt may, thời trang, logistics, kỹ thuật công nghiệp.

Các cơ sở đào tạo cần bổ sung vào chương trình đào tạo các khóa đào tạo về kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp, văn hóa giao tiếp nơi công sở, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài… Đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng cần được tăng cường và chú trọng đúng mức để nâng cao năng lực làm việc và hội nhập của người lao động trong môi trường kinh doanh quốc tế, ông Mỹ đề xuất.

Ngoài ra, sự tham gia của chính quyền và các sở ngành với vai trò là cầu nối giữa người lao động và DN cũng góp phần không nhỏ giải quyết các rào cản lao động cho DN FDI nói riêng và DN hoạt động trên địa bàn nói chung. Vai trò cầu nối này đang được tỉnh và các sở, ngành thực hiện khá hiệu quả. Tại hội thảo thu hút lao động do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, Thừa Thiên Huế đang chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, nâng cao năng lực lao động theo hướng thích nghi. Theo đó, công tác đào tạo người lao động sẽ có nhiều đổi mới, chú ý đến các kỹ năng số, việc làm số, đầu tư đào tạo lao động cho các ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ được quan tâm hơn.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán lao động cũng như chất lượng lao động cần có sự bắt tay liên kết, hợp tác và có cơ chế thúc đẩy sự chủ động và tham gia tích cực của DN, chính quyền và cả các cơ sở đào tạo. Điều này vừa đảm bảo một nguồn cung ứng nhân lực đủ cả chất và lượng, năng lực cạnh tranh của các DN FDI tại Thừa Thiên Huế và đồng thời cũng giúp tỉnh nhà thu hút thêm nhiều DN FDI khác đến đầu tư.

Bài, ảnh: Doãn Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top