ClockThứ Năm, 13/01/2011 05:22

Nguồn nhân lực và sự chăm lo phát triển con người

TTH - Phát triển con người và đào tạo nguồn nhân lực hiện là vấn đề thời sự khi đất nước đang vào thời kỳ phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có. Nếu như chất lượng nguồn nhân lực không có bước đột phá thì khó tận dụng tốt nhất những cơ hội đang đến.

Nguồn nhân lực hiện nay của đất nước ta vẫn còn 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong lúc đó, tỉ lệ học sinh, tỉ lệ trường học các loại, tỉ lệ tốt nghiệp đại học, tỉ lệ tiến sĩ của nước ta cao hơn một số nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng nguồn nhân lực đang có nhiều điều đáng quan ngại. Số liệu điều tra cho thấy, hơn 50% số sinh viên ra trường chưa có việc làm, hơn 35% có việc làm thì hầu như phải đào tạo lại. Đáng chú ý là nhiều người không làm đúng ngành nghề mình đã học. Một thực tế đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngòai) và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp...

Nằm trong những chuyển động của đất nước, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề nguồn nhân lực đang là vấn đề nóng của tỉnh nhà. Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân trong hội thảo “Thừa Thiên Huế với vai trò trực thuộc Trung ương, cơ hội và thách thức” nêu vấn đề “cả tỉnh lên thành phố” của Thừa Thiên Huế đã và đang đối diện với nhiều thách thức. Một trong số đó là “chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu các chuyên gia đầu ngành và năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu”... Đặc biệt, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn. Thống kê cho thấy, 50% cán bộ xã, phường, thị trấn hạn chế về năng lực, trình độ, hiệu quả công tác chưa cao.
Huế được xác định là đô thị hạt nhân, là thành phố văn hóa du lịch, trung tâm giáo dục y tế chuyên sâu, là thành phố festival... nhưng khi nhìn lại nguồn nhân lực thì thấy có quá nhiều khoảng trống. Nguồn nhân lực chất lượng cao có đấy nhưng tập trung vào các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Ở cấp tỉnh vẫn còn thiếu hụt cán bộ có “thương hiệu”. Ngày xưa, nhắc đến thầy giáo, thầy thuốc, Thừa Thiên Huế có ngay những “thương hiệu về người thầy” đi vào lòng dân, được xã hội tôn vinh ghi nhận. Thầy thuốc giỏi cả về đông y, tây y. Thầy giáo giỏi cả về lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng vậy, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ giỏi... có cả.
Thường khi có nguồn nhân lực bậc cao thì theo sau đó là một lớp học trò giỏi giang theo thầy “tầm sư học đạo” để nối nghiệp thầy. Và như vậy, thế hệ này truyền cho thế hệ kia để giữ nguồn nhân lực cho xã hội phát triển. Ai cũng biết nguồn nhân lực chất lượng cao có các tính cách: sáng tạo, biết nghi ngờ và luôn đặt câu hỏi, dám chấp nhận rủi ro để khám phá và chinh phục, có tinh thần học hỏi không ngừng. Những tính cách ấy hoàn toàn khác với tính cách cung cúc vâng lời, bằng lòng với hiện tại, dựa vào kinh nghiệm cá nhân.
Phát triển nguồn nhân lực cũng phải hiểu là ngày càng làm tốt hơn việc giải phóng con người. Như vậy, chúng ta cần tập trung trí tuệ và nguồn nhân lực cho phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, phải đồng thời cải thiện và đổi mới môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, gìn giữ môi trường tự nhiên...
Không thể quan niệm nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa giản đơn là những người làm công ăn lương. Cuộc sống và sự phát triển của đất nước, của tỉnh nhà đòi hỏi sự nhìn nhận về nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, từ những người làm nghề lao động đơn giản nhất... Tất cả đều nằm trong tổng thể của xã hội, ai cũng được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển, phải làm cho mọi người đứng đúng chỗ của mình. Một anh nông dân đứng đúng chỗ của mình, qua tự học, qua say sưa nghiên cứu, trong thực tế, học đã làm những việc mà các kỹ sư, nhà khoa học phải giật mình!
Đảng ta đã khẳng định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Như vậy, nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực phải hiểu trong nghĩa rộng, toàn diện. Chúng ta phải chú ý đến nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu đàn, vừa chú ý đến phát triển nguồn nhân lực giỏi ở các lĩnh vực, ngành nghề tổng hợp của nền kinh tế-xã hội. Phải có đội ngũ công nhân giỏi, lực lượng nông dân tiên tiến, phải có đội ngũ kỹ sư lành nghề, nghề nào cũng có người giỏi... Phát triển nguồn nhân lực như vậy hiển nhiên đòi hỏi đồng thời phải đổi mới triệt để toàn xã hội hướng thiện theo những giá trị chân chính.        
Từ đó, yêu cầu đặt ra cho chúng ta là phải xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Phải đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đi vào hướng chuyên ngành, có địa chỉ. Từng doanh nghiệp phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của riêng mình; từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề của mình để định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho đơn vị mình; tránh tình trạng ngồi chờ đến hẹn lại lên tổ chức thi tuyển.
Phát triển nguồn nhân lực như vậy nó mang tính tổng hợp, toàn diện; tạo sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy xu hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đồng bộ, mạnh mẽ.
Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top