ClockThứ Sáu, 15/07/2022 06:45

Nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì

TTH - Trong số các vụ cháy rừng thời gian qua có khá nhiều vụ đến từ nguyên nhân người dân đốt thực bì thiếu giám sát.

Phòng cháy, chữa cháy rừng: Cần sự vào cuộc đồng bộPhòng chống cháy rừng từ kinh nghiệm huy động lực lượng tại chỗ

Tập huấn sử dụng thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng

Mới đây vào tối 4/7 xảy ra vụ cháy rừng tại vị trí thuộc lô 34, khoảnh 5, tiểu khu 123, xã Hương Thọ (TP. Huế). Đám cháy được phát hiện thông qua hình ảnh báo cháy từ hệ thống camera của Trung tâm Giám sát - điều hành đô thị thông minh (Hue-S) đặt tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Huế.

Ngay sau khi phát hiện, ngành kiểm lâm (KL) cùng các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong tiếp cận hiện trường đám cháy. Sau gần một giờ đồng hồ triển khai các biện pháp dập lửa, đám cháy được kiểm soát và khống chế kịp thời, không thiệt hại lớn.

Nguyên nhân xảy ra vụ cháy rừng này cũng được xác định ngay sau đó vài giờ thông qua hình ảnh báo cháy từ hệ thống camera của Trung tâm Giám sát - điều hành đô thị thông minh. Theo đó, ngành KL và chính quyền địa phương xác định, ông Đ.C.T ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ tự ý đốt xử lý thực bì trên diện tích 2ha, không thông báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế sau khi lấy lời khai của đương sự và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của ông T.

Hạt trưởng HKL TP. Huế, ông Lê Nhân Đức thông tin, từ đầu mùa nắng nóng, lực lượng KL phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân “sử dụng lửa có trách nhiệm”, đặc biệt không đốt thực bì vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Lực lượng làm nhiệm vụ cảnh báo nguy cơ cháy rừng cũng như xử phạt nặng nếu hộ dân để xảy ra cháy rừng do đốt thực bì. Đáng tiếc vẫn có tình trạng người dân lén lút đốt xử lý thực bì, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mùa nắng nóng.

Sau vụ đốt thực bì được phát hiện tại xã Hương Thọ vào đầu tháng 7 mới đây, lực lượng KL TP. Huế không quản ngày đêm, thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát tại các cánh rừng keo tràm, rừng thông đặc dụng, cảnh quan trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận. Vào những lúc cao điểm nắng nóng, ngày rằm, mùng một, ngày lễ, cán bộ KL tăng cường tuần tra tại các khu nghĩa trang, lăng mộ, ngăn chặn kịp thời hành vi đốt nhang, vàng mã thiếu kiểm soát.

Ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng HKL TX. Hương Thủy khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, trong đó hành vi đốt lửa xử lý thực bì tại các cánh rừng keo tràm là một trong những nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, khó kiểm soát. Hầu hết diện tích rừng keo tràm sản xuất, rừng thông cảnh quan, đặc dụng trên địa bàn thị xã đều có nguy cơ cháy rất cao trong mùa nắng nóng. Ngoài thường xuyên tuần tra, ngành KL thị xã đang tích cực giám sát tình trạng đốt lửa xử lý thực bì thông qua hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để đám cháy lây lan diện rộng.

Hạt trưởng HKL huyện Quảng Điền, ông Trương Xàng cho rằng, không thể chủ quan trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đối với các diện tích rừng keo tràm trên vùng cát. Vào mùa này, dưới tán rừng keo tràm trên cát phủ lớp thực bì khá dày đặc, có nguy cơ cháy rất cao nếu người dân chủ quan, không chấp hành quy định trong đốt thực bì. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, HKL huyện Quảng Điền thường xuyên cảnh báo và nghiêm cấm người dân đốt thực bì khi chưa có sự cho phép và quản lý của cơ quan chức năng.

Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, một trong những hoạt động can thiệp có hiệu quả việc xử lý thực bì, vốn là nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu được cơ quan KL và chính quyền địa phương quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong những ngày dự báo cháy từ cấp IV trở lên đều không cho phép hộ dân xử lý đốt thực bì, các cấp cháy thấp hơn khi đốt thực bì đều phải có phương án giám sát, ngăn ngừa cháy lây lan và phải báo với cơ quan chức năng. Giám sát của KL địa bàn đối với hoạt động đốt thực bì cũng được thực hiện một cách nghiêm túc, đặc biệt thực hiện ký cam kết với các hộ dân ngay sau khi khai thác rừng.

Bài, ảnh: Triều Quy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Ứng phó nguy cơ dịch cúm gia cầm

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cảnh báo, trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm (DCGC) nếu chủ quản, thiếu chủ động trong triển khai các biện pháp ứng phó.

Ứng phó nguy cơ dịch cúm gia cầm
Return to top