Thế giới

Nguy cơ kinh tế thách thức lãnh đạo Trung Quốc

ClockThứ Tư, 26/08/2015 15:51
TTH.VN - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa lên tiếng trấn an dư luận về đồng nhân dân tệ (NDT). Giới quan sát nhận định uy tín của cả ông Lý và Chủ tịch Tập Cận Bình đều bị thử thách vì bất ổn kinh tế hiện tại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại một cuộc họp - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, mới đây Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: “Hiện tại, không có cơ sở nào để tiếp tục giảm giá đồng NDT. Đồng tiền Trung Quốc có thể đứng ở mức cân bằng và hợp lý”. Ông Lý mô tả việc Trung Quốc phá giá đồng NDT thời gian qua là “phản ứng phù hợp” với các diễn biến của thị trường tài chính quốc tế.

 Bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD

Ước tính, kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng NDT hôm 11-8, hơn 5.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu do giới đầu tư quốc tế lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc hụt hơi.

“Sự điều chỉnh này cũng là một phần trong nỗ lực cải tổ đang diễn ra của Trung Quốc” - Thủ tướng Lý nhấn mạnh.

Thủ tướng Lý bị chỉ trích?

Báo Financial Times cho biết nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ chủ đề thảo luận lớn nhất ở thủ đô Trung Quốc là liệu Thủ tướng Lý Khắc Cường có phải lĩnh trách nhiệm về vụ thị trường chứng khoán nước này đảo lộn và nền kinh tế hụt hơi hay không.

“Uy tín của Thủ tướng Lý rõ ràng đã bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng hiện tại” - ông Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại ĐH Hong Kong Trung Quốc, nhân định.

“Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, ông ấy có thể sẽ trở thành người giơ đầu chịu báng” - chuyên gia Lam dự báo. Thủ tướng Lý và Phó thủ tướng Mã Khải là “kiến trúc sư” của kế hoạch giải cứu bất thành thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 7. Khi đó Bắc Kinh tung ra hàng loạt biện pháp can thiệp sâu nhằm vực dậy thị trường.

Chính quyền Trung Quốc cấm bán khống cổ phiếu, ngừng phát hành cổ phiếu lần đầu, cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu, các cơ quan nhà nước mua ồ ạt chứng khoán…

Nhưng tất cả đều vô hiệu. Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện vẫn đang náo loạn. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 22% trong bốn phiên giao dịch vừa qua.  

Giới chuyên môn cho biết hiện chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược giải cứu của Thủ tướng Lý. Ông Lý cũng bị dư luận chỉ trích vì hồi đầu năm cam kết Trung Quốc không phá giá đồng NDT, nhưng cuối cùng lại làm như vậy ngày 11-8.

Phần lớn các chuyên gia chính trị Trung Quốc và khu vực đều đánh giá ông Lý là thủ tướng ít quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, do Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung quá mạnh.

Chuyên gia Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Úc), cho rằng có khả tương lai chính trị của ông Lý sẽ được quyết định tại đại hội Đảng năm 2017.

Uy tín ông Tập cũng bị ảnh hưởng

Không chỉ có Thủ tướng Lý, uy tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng hiện tại.

Tuần trước, đài truyền hình quốc gia CCTV và một loạt tờ báo chính thống của Trung Quốc đăng tải một bài xã luận khẳng định các nỗ lực cải tổ kinh tế của ông Tập “vấp phải sự phản đối quyết liệt trong nội bộ Đảng”.

“Quy mô của sự phản đối là không thể tưởng tượng được” - xã luận này cho biết.

Trong khi đó, Nhân Dân nhật báo dẫn lời một loạt quan chức về hưu lên tiếng phản đối các cải tổ kinh tế và chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Họ cho rằng chiến dịch cứng rắn này đã làm đầu tư chậm lại và ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ.

Các chuyên gia về Trung Quốc cũng tranh luận dữ dội về việc liệu các chính sách của ông Tập có khiến nền kinh tế thụt lùi hay không. Và trong thời gian qua, các nhà quan sát nhiều lần tỏ ra thất vọng với việc những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc và hành động không khớp nhau.

Dù Trung Quốc khẳng định sẽ tôn trọng các nguyên tắc thị trường, nhưng lại can thiệp sâu hồi tháng 7 khi thị trường chứng khoán khủng hoảng.

Ông Tập và đội ngũ kinh tế chính phủ Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT ngày 11-8 nhằm kích thích xuất khẩu đang suy thoái. Động thái này đã buộc hàng loạt nền kinh tế trong khu vực giảm giá đồng tiền của mình để đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Việc ông Tập cam kết cải tổ lại nền kinh tế đã khiến ông trở thành mục tiêu bị công kích khi tăng trưởng Trung Quốc suy giảm. “Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu, ổn định xã hội Trung Quốc sẽ bị đe dọa và chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ càng đối mặt với nhiều chỉ trích”, nhà bình luận chính trị Chen Jieren ở Bắc Kinh nhấn mạnh. 

Theo Tuổi Trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top