ClockThứ Sáu, 25/03/2016 06:25
VẬN CHUYỂN CÁT SỎI TRÊN SÔNG HƯƠNG ĐOẠN QUA TRUNG TÂM TP HUẾ:

Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy

TTH - Thuyền khai thác, vận chuyển cát, sỏi đồng hành cùng thuyền du lịch trên sông Hương, đoạn qua trung tâm TP Huế, tạo nên cảnh tượng đối lập, phản cảm trên dòng sông nổi tiếng thơ mộng này, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy và tạo hình ảnh xấu trong mắt du khách.

Cảnh sát Đường thủy xử lý vi phạm 1 tàu chở cát trên sông Hương

Thuyền cát át thuyền rồng

Theo thống kê mới nhất của Phòng Cảnh sát Đường thủy – Công an tỉnh, hiện nay trên tuyến sông Hương có hơn 70 phương tiện vận chuyển cát, sỏi, trong đó có 18 tàu sắt trên 90m3 và hơn 60 tàu từ 18 đến 40m3. Thời gian qua, hoạt động vận của các phương tiện này gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy và hoạt động du lịch trên sông Hương.

Ông Trần Tín, một người lái thuyền du lịch trên sông Hương tại bến Tòa Khâm cho biết: “Ớn” nhất là mấy tàu chở cát, sỏi to như xà lan chở cả 100m3 cát chạy ầm ầm, phá tan khung cảnh êm đềm của dòng sông. Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, những tàu này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, trùng với thời gian hoạt động của thuyền ca Huế. Mỗi khi tàu lớn chạy, gây sự xô dịch lớn các thuyền rồng ca Huế đang neo đậu giữa dòng. Tiếng máy nổ chát chúa át cả tiếng ca. Nhiều lần trong ánh sáng không đầy đủ của đêm trên sông, những tàu chở cát, sỏi đã va chạm và suýt gây tai nạn với thuyền rồng ca Huế.

Thực tế, với hơn 120 thuyền rồng du lịch đi kèm các hoạt động văn hóa như thưởng thức ca Huế, tham quan danh lam thắng cảnh… và lượng hành khách lớn trên sông, nhất là thời gian hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương đã tạo nên mật độ lưu thông khá dày trên sông đoạn qua trung tâm thành phố. Cộng thêm hoạt động “thả ga”, tăng chuyến của 70 phương tiện vận chuyển cát, sỏi ngang dọc trên sông Hương nhiều lúc lấn át, chèn cả luồng đi, điểm neo đậu của thuyền ca Huế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đường thủy và tạo hình ảnh không mấy tốt đẹp trong mắt du khách. 

Trung tá Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy cho rằng, để một số phương tiện có công suất, tải trọng lớn hoạt động cùng chung với thuyền du lịch qua khu vực trung tâm TP Huế sẽ gây mất mỹ quan, tăng thêm mật độ giao thông cũng như nguy hiểm đến tính mạng của khách tham quan Huế với loại hình du lịch bằng thuyền trên sông Hương. Mặc khác, sẽ rất nguy hiểm khi các phương tiện này hư hỏng trên hành trình sẽ dẫn đến va đập vào các chân cầu trung tâm huyết mạch của tỉnh, hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng. Do vậy, cần có giải pháp quy định giới hạn về thời gian, công suất của loại phương tiện vận chuyển cát, sỏi này qua khu vực trung tâm thành phố.

Giới hạn lưu thông đoạn từ Dã Viên đến Cồn Hến

Sở Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện điều chỉnh, cắm biển báo, biển hướng dẫn giao thông đường thủy trên sông Hương, đoạn từ cầu Dã Viên đến Cồn Hến theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, cấm các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi lưu thông từ 09 giờ sáng đến 23 giờ. Trong thời gian từ sau 23 giờ đến 09 giờ sáng hôm sau, chỉ cho phép lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 24 CV, cấm lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi có công suất lớn hơn 24 CV.    

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát tham mưu điều chỉnh quy hoạch các vị trí bến bãi tập kết cát, sỏi; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những vị trí gây ảnh hưởng cảnh quan, môi trường du lịch hai bờ sông Hương. Với quan điểm, hạn chế những bãi tập kết phía hạ nguồn từ trung tâm thành phố, nhằm giảm áp lực vận chuyển cũng như khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương. Đồng thời, yêu cầu lực lượng Cảnh sát Giao thông Đường thủy kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi vi phạm các quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, vi phạm có hệ thống, đã áp dụng mức cao xử phạt hành chính, đề xuất xử lý hình sự.

Với sự vào cuộc kịp thời, cương quyết của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương liên quan cần nhanh chóng triển khai thực hiện một cách nghiêm minh nhằm trả lại sự yên bình của sông Hương. Vụ tàu chở cát nặng hơn 60 tấn đâm sập cầu Cơn Độ (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) vào ngày 12/3/2016 vừa qua và gần đây nhất là vụ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào ngày 20/3/2016, cắt đứt đường lưu thông huyết mạch trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế là bài học nhãn tiền.

Từ một số vụ tai nạn sập cầu do các sà lan vận chuyển trên sông gây nên, cần nghiêm túc chấn chỉnh, cấm tất cả các sà lan, tàu vỏ sắt chở cát, sỏi đi qua sông Hương, đoạn trung tâm TP Huế, đảm bảo an toàn cho các cây cầu huyết mạch của tỉnh…

Hoàng Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Du lịch đường thủy ở Huế Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ
Ẩn họa tại các tủ điện công cộng

Hiện trạng xuống cấp, nhếch nhác, không được che chắn kỹ càng tại các tủ điện công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện, đồng thời ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ẩn họa tại các tủ điện công cộng
Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt

Số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó giảm 7,3% về số vụ và 3,3% về số người chết; không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20- 26/1).

Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt
Return to top