ClockThứ Ba, 29/12/2020 06:15

Nguy cơ “rớt chuẩn” của các trường chuẩn ở A Lưới

TTH - Không chỉ khó trong việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia mà nhiều trường ở huyện A Lưới còn có nguy cơ “rớt chuẩn” khi rà soát theo bộ tiêu chuẩn mới. Khó khăn về cơ sở vật chất trở thành rào cản chính. Giải quyết bài toán trên cần kinh phí, song việc xã hội hóa ở A Lưới lại không dễ.

Hương Trà đối mặt với tình trạng “rơi chuẩn” quốc gia

Giờ ăn trưa của học sinh mầm non được sắp xếp một bên không gian học

Khó ở cơ sở vật chất

Có mặt ở Trường mầm non Hoa Ta Vai, chúng tôi nghe được trăn trở từ những người cán bộ, giáo viên. Trước khi được sáp nhập (2 trường mầm non Hoa Ta Vai và Hoa Đỗ Quyên thành Trường mầm non Hoa Ta Vai) vào tháng 12/2020, thì một trong hai ngôi trường trên là Hoa Đỗ Quyên vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bà Văn Thị Diều, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ta Vai thừa nhận: “Điều kiện cơ sở vật chất Hoa Đỗ Quyên trước đó vẫn còn hạn chế nên sau khi sáp nhập vẫn còn thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng chức năng xuống cấp. Đến năm 2023 sẽ đến giai đoạn công nhận lại của Trường mầm non Hoa Ta Vai, vì vậy sẽ cần phải đầu tư”.

Không chỉ ngôi trường mầm non ở thị trấn A Lưới, cái khó về cơ sở vật chất là nỗi lo chung của nhiều trường học trên địa bàn huyện. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện A Lưới chia sẻ, đến tháng 8/2020, toàn huyện có 30/50 trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2015 – 2020, trong đó, các trường do phòng quản lý có 10/20 trường mầm non, 16/17 trường tiểu học, 3/9 trường trung học cơ sở (THCS). Tuy nhiên, cùng với những nỗi lo những trường chưa đạt chuẩn, các trường đã đạt cũng có nguy cơ “rớt chuẩn” nếu không kịp thời đầu tư, liên quan đến cơ sở vật chất. “Trước đây, Bộ GD&ĐT áp dụng bộ tiêu chuẩn khác. Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời với bộ tiêu chuẩn “khắt khe” hơn nên có nhiều khó khăn cho không chỉ trường chưa đạt chuẩn, mà còn cả những trường đã đạt chuẩn nếu đối chiếu theo bộ tiểu chuẩn mới”, bà Hương trăn trở.

Phòng chức năng tại một trường mầm non ở A Lưới được tận dụng để cất giữ đồ đạc

Ngay sau khi có bộ tiêu chuẩn mới, ngành giáo dục huyện A Lưới đã chủ động rà soát lại điều kiện các trường. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện A Lưới, qua đánh giá, các trường ở mỗi cấp học có những khó khăn riêng, nhưng đều tập trung ở vấn đề cơ sở vật chất. Với các trường ở bậc mầm non thì phòng giáo dục thể chất gần như không có.

Ở bậc tiểu học, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đang tận dụng phòng hội đồng để làm phòng giáo viên. Khi xét công nhận trong đợt 1, nhiều đơn vị cũng phải cơ cấu sắp xếp phòng theo hướng “liệu cơm gắp mắm” để phù hợp. Riêng ở bậc THCS, khó nhất là hầu hết các trường đang thiếu các phòng thực hành bộ môn. Với 3 trường đã đạt chuẩn (Trường THCS Quang Trung, Trần Hưng Đạo và Trường THCS Dân tộc nội trú huyện), dù có phòng nhưng lại đang rất cần cơ sở vật chất.

Nỗ lực tìm giải pháp

Đặt vấn đề về giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia, lãnh đạo nhiều trường cho rằng vẫn đang phụ thuộc vào kinh phí đầu tư của nhà nước. Lãnh đạo một trường THCS tại huyện A Lưới chia sẻ, so với các địa phương khác, công tác xã hội hóa ở các trường học tại A Lưới khó khăn hơn. Điều kiện rất nhiều gia đình còn nghèo, nên kêu gọi sự đóng góp từ phía phụ huynh rất khó. Hơn nữa, trên địa bàn huyện lại không có doanh nghiệp lớn để kết nối hỗ trợ.

Huyện A Lưới đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn huyện có 41/46 trường (có 4 trường sáp nhập) ở các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 89,1%. Trong khi đó, nguồn ngân sách có hạn, lại có rất nhiều hạng mục, lĩnh vực cần đầu tư, vì vậy để đáp ứng cùng lúc hỗ trợ các trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là điều không dễ. Theo bà Hương, hiện huyện có kế hoạch xây dựng một số phòng học tại một số trường, ưu tiên các trường đã gần đáp ứng các điều kiện, những trường đã đạt chuẩn sắp được công nhận lại, trong đó có Trường mầm non Hoa Ta Vai.

Theo đại diện UBND huyện, hiện nay UBND huyện và ngành giáo dục huyện cũng có những đề xuất tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn đang tìm các nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn. “Chúng tôi hướng đến việc đầu tư cơ sở vật chất phải thực chất, tránh chồng chéo, dàn trải, đảm bảo linh động, hiệu quả, phù hợp với thực tế từng trường”, đại diện lãnh đạo UBND huyện A Lưới khẳng định.

Cái khó đòi hỏi phải tìm những giải pháp tốt hơn. Một trong những giải pháp có thể hướng đến là kết nối tốt với các mạnh thường quân. Hằng năm, vẫn có khá nhiều nguồn hỗ trợ cho các trường trên địa bàn huyện. Thông qua việc rà soát lại nguồn lực cơ sở vật chất, có thể kết nối tốt hơn để các tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân có những hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp, bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học.

Huyện A Lưới cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp triển khai thực hiện đầu tư phát triển giáo dục. Đồng thời, tuy có những khó khăn nhưng không vì thế mà bỏ qua giải pháp xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để thực hiện tốt phương châm “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Return to top