ClockThứ Năm, 06/04/2017 14:48

Nguy cơ sụt giảm tiêu chuẩn sống do năng suất thấp

TTH - Mức sống trên toàn thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm, trừ khi các nước đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và đào tạo để phục hồi mức tăng trưởng năng suất thấp, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: Reuters

Năng suất - Yếu tố cần thiết để duy trì mức sống

Cảnh báo của Tổng Giám đốc Lagarde được đưa ra cùng một nghiên cứu của IMF cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và suy thoái sâu đóng vai trò lớn hơn trong việc làm chậm lại năng suất so với những đánh giá trước đó, gây tác động lên nhu cầu và đầu tư toàn cầu.

Phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), một cơ quan tư vấn kinh doanh chuyên nghiệp ở Washington, bà Lagarde nói rằng, một thập niên có tăng trưởng năng suất thấp khác sẽ làm suy yếu nghiêm trọng mức gia tăng tiêu chuẩn sống toàn cầu. Tăng trưởng chậm hơn cũng có nguy cơ gây nguy hiểm đối với sự ổn định về tài chính và xã hội của một số quốc gia, tạo thêm nhiều khó khăn trong nỗ lực giảm sự bất bình đẳng quá mức.

Các nhà kinh tế từ lâu đã nhìn nhận, mức tăng năng suất là yếu tố cần thiết để duy trì lương và mức sống cao hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất đã suy thoái kéo dài kể từ đầu những năm 2000.

Theo bà Lagarde, cuộc suy thoái hậu khủng hoảng để lại một "vết sẹo vĩnh viễn" đối với sản lượng trên mỗi lao động và tổng năng suất lao động.

"Chúng tôi ước tính, nếu tổng sản lượng tăng trưởng đi theo xu hướng trước cuộc khủng hoảng, tổng sản phẩm của các nền kinh tế tiên tiến hiện nay sẽ cao hơn khoảng 5%. Điều đó tương đương với việc bổ sung một nền kinh tế Nhật Bản khác, thậm chí nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu", người đứng đầu IMF nhấn mạnh.

Cải thiện mức tăng trưởng năng suất thấp

Reuters ngày 4/4 trích dẫn bài phát biểu của bà Lagarde cho hay, chỉ riêng khu vực tư nhân sẽ không thể tạo ra đổi mới đủ để nâng năng suất lên mức chấp nhận được, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Qua đó, bà Lagarde lên tiếng kêu gọi tất cả các Chính phủ làm nhiều hơn để giải phóng năng lượng kinh doanh, bao gồm việc cắt giảm các rào cản đối với cạnh tranh, đầu tư vào đào tạo, cung cấp ưu đãi thuế cho công tác nghiên cứu và phát triển.

"Một điều rõ ràng là chúng ta cần nhiều sự đổi mới, chứ không phải là ít hơn. Chỉ riêng lực lượng thị trường không thể đạt được sự thúc đẩy đó, bởi vì đổi mới và sáng chế cũng tạo ra một số sản phẩm công cộng", Tổng Giám đốc Lagarde nói thêm.

Bà Lagarde đề cập đến các ví dụ điển hình như công nghệ điện thoại thông minh nhận được rất nhiều lợi ích từ chi tiêu nhà nước trên quy mô lớn vào việc phát triển internet và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, trong khi chi tiêu quốc phòng thường tạo ra các công nghệ mới có khả năng ứng dụng cho dân dụng.

Đáng chú ý, nghiên cứu của IMF được công bố hồi năm ngoái cho thấy, chi tiêu nghiên cứu tư nhân tăng 40% ở các nền kinh tế tiên tiến có thể làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những quốc gia này lên 5% trong dài hạn.

Trong bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới được công bố hồi tháng trước, IMF cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực hơn, song cảnh báo các chính sách hướng nội và điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có khả năng đe dọa đến đà tăng trưởng này.

Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt đà tăng trong ngắn hạn, cho thấy sự mở rộng trong hoạt động ở các nền kinh tế phát triển, sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ, cũng như sự ổn định của các nền kinh tế mới nổi.

Triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, các quốc gia này sẽ tiếp tục đối mặt với những tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bao gồm nợ doanh nghiệp cao hay mức tăng trưởng năng suất thấp.

Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” do IMF công bố hồi tháng 1 vừa qua, nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng ở mức 3,4% trong năm nay và 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi tiếp tục được đánh giá là động lực chính giúp thúc đẩy và củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đóng góp hơn 3/4 tăng trưởng GDP trên toàn thế giới trong năm nay, IMF nhận định.

IMF kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) duy trì thương mại đa phương cởi mở, cũng như hoàn tất các cải cách tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế, nhằm duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng ở các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ, IMF kêu gọi các quốc gia G20 tăng cường hợp tác quốc tế để duy trì lợi ích thương mại, cũng như động lực tăng trưởng kinh tế.

Tổng Giám đốc IMF cũng khuyến cáo các nước cần có chính sách hợp lý để tránh tự gây ra "những tổn thương" không đáng có.

Điều này đòi hỏi các quốc gia loại bỏ những chính sách có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới thương mại, vấn đề người di cư, lưu thông dòng vốn và chia sẻ công nghệ xuyên biên giới. Bởi lẽ, những biện pháp này sẽ đe dọa đến năng suất lao động, thu nhập và điều kiện sống của người dân.

Bà Lagarde lưu ý, các quốc gia trên thế giới cần thực hiện những chính sách kinh tế vĩ mô mang tính hỗ trợ, giữa lúc nhu cầu còn yếu và lạm phát chưa về mức mục tiêu tại các nền kinh tế phát triển, nhằm duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc IMF cũng hối thúc các Chính phủ triển khai những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cải tiến quan trọng trong chương trình giáo dục và đào tạo lao động, nhằm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ, thương mại và cải cách cơ cấu; cũng như điều chỉnh hợp lý trong chính sách thu nhập và hệ thống thuế.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, IMF & MSN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top