ClockThứ Tư, 28/07/2010 17:47

Nguyện làm gạch nối ân tình

TTH - Ngoài 30 tuổi, tốt nghiệp 2 trường đại học, chị từ bỏ nhiều vị trí kinh doanh về điều hành trang web www.nhantimdongdoi.org. Người phụ nữ nhỏ nhắn này liên tục di chuyển giữa các tỉnh, thành, thậm chí qua Lào và Campuchia tìm kiếm, cập nhật thông tin với mục tiêu giữ lửa niềm tin cho các gia đình thân nhân liệt sĩ (TN LS)...

Nhận được điện thoại của anh bạn đồng nghiệp Hà Nội, tôi háo hức chờ gặp Ngô Thị Thúy Hằng, người phụ nữ thế hệ 7X, Giám đốc Trung tâm quản lý dữ liệu về LS và người có công (gọi tắt là MARIN - NV) thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng. Lần đầu tiên chị xuất hiện, giản dị, nhanh nhẹn, hai chiếc điện thoại liên tục reo khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn nhiều lần.  

Chị Hằng (đầu tiên bên trái) trong chuyến cất bốc mộ liệt sĩ tại chiến trường Khe Sanh
 
Khóc, cười cùng người
 
Sinh ra ở Hải Phòng, học đại học ở Hà Nội, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, nhưng Thúy Hằng từ chối nhiều cơ hội thăng tiến, tự kiếm tiền để “nuôi” trang web. Bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, bao năm qua, gia đình chị đã tốn nhiều thời gian, công sức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
 
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chị quyết định tham gia ban điều hành www.nhantimdongdoi.org và trở thành giám đốc của trung tâm MARIN. Nhiều năm qua, website này là người bạn tin cậy của hàng chục nghìn thân nhân gia đình LS, người có công khắp cả nước. Nhân viên website thu thập thông tin từ các NTLS, kết nối với đơn vị, đồng đội cũ... giúp TNLS liệt sĩ xác định chính xác địa điểm hy sinh và nơi chôn cất mộ LS.
 
Trong chuyến thu thập thông tin và tìm mộ LS ở Huế, chị nói rằng, có hơn 7.000 liệt sĩ của sư 324 (đơn vị chuyên đánh ở các vùng A Lưới, Phong Điền) đã hy sinh ở Huế và rất nhiều liệt sĩ quê miền Bắc khác nữa. Không những đến Huế nhiều lần, người phụ nữ nhỏ bé này còn theo TNLS và đồng đội của họ tìm kiếm thông tin, cất bốc mộ. Chị từng bật khóc, tức giận trước thái độ vô cảm của nhiều người; sung sướng khi tìm được một LS hay đón nhận những di vật gia đình tặng lại cho trung tâm. Có những chuyến đi vào vùng giáp ranh, sang nước bạn tìm lại cao điểm, tưởng không còn sống sót nhưng lại về tay không. Lòng chị buồn vô hạn...
 
Rồi những cuộc gặp mặt, hình ảnh những bà mẹ ôm di ảnh con nức nở xin được MARIN giúp đỡ; những người cháu, người em mòn mỏi kiếm tìm LS khiến lòng người phụ nữ trẻ như xát muối. Chị “lên dây cót” tinh thần, “chạy” kinh phí lập tổng đài tư vấn thông tin tìm liệt sĩ 24/24 tại đường dây nóng 1900571242 và thành lập nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến. Chị khăn gói lên đường ngay khi nhận được nguồn tin cần xác minh... Nhịp sống của người phụ nữ trẻ quay theo vòng theo hành trình đều đặn như thế.
 
Chị tâm sự: “Tôi rất trân trọng và khâm phục thế hệ các cháu đi chú, tìm bác. Như em Hưng sinh năm 1980 ở Quảng Ninh có bác là lính của Trung đoàn 6 – Trung đoàn Phú Xuân Huế. 6 năm nay, Hưng đều đặn đi tìm hài cốt bác. Khi nào dành dụm đủ tiền, em khoác ba lô vào Huế. Từ một cậu con trai không biết gì về Huế, nay Hưng khá sành sõi đường đi lối lại. Em đã tìm ra nơi hy sinh thực tế của bác, gặp được nhiều đồng đội Trung đoàn 6. Dù chưa tìm ra hài cốt, nhưng em vẫn tự tin: năm nay chưa thấy, sang năm đi tiếp, tìm khi nào thấy thì thôi. Hưng đã đi từ Hương Thủy, sang Hương Trà, Phong Điền… và vẫn chưa nản lòng”.
 
www.nhantimdongdoi.org  ra đời tháng 10-2004, do 8 bạn sinh viên khoa Toán – Tin trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội sáng lập ra. Từ 2004 – 2007, web đơn thuần chỉ là cầu nối thông tin giữa người có thông tin và người tìm thông tin. Năm 2008 đến nay, trang web thực sự phát triển lớn mạnh cả về tổ chức và hoạt động. Web đã có văn phòng đại diện tại Hải Phòng, Quảng Bình, Kon Tum và có cộng tác viên, tình nguyện viện ở hầu hết cả tỉnh thành. Website tổ chức thành công 4 cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ tại 3 miền: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Hà Nội, thu hút hàng nghìn người tham dự.
 
Mong đừng đứt gánh
 
MARIN là tổ chức tự nguyện nên việc tìm kiếm người đỡ đầu và kinh phí hoạt động đang là vấn đề nan giải. Trung tâm họat động căn cứ vào Nghị định số 16/2007/NĐ-CP và Chỉ thịvề việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Bộ Quốc Phòng.
 
Nguồn thông tin nằm trong cựu chiến binh, trong các nghĩa trang LS, trong các đơn vị của Bộ quốc phòng, do MARIN chưa có tư cách pháp nhân nên việc hợp tác gặp nhiều khó khăn. Ban điều hành đang chạy đua với thời gian, bởi thế hệ đồng đội của LS mất đi thì coi như đứt mối dây liên lạc. Mối mọt, thời tiết khiến các cuốn hồ sơ gốc của liệt sĩ trong kho lưu trữ tại các đơn vị hư hỏng. Nhân viên của website đang tìm cách tiếp cận và sao lưu bởi hơn ai hết, họ hiểu giá trị những cuốn sổ này. Tuy nhiên, việc không hề đơn giản. Những chuyến đi về Huế của chị Hằng ngày càng dày hơn khi yêu cầu được thông tin của gia đình LS ngày càng nhiều.
 
Có lần, chị nói với tôi: “Càng làm thì chị càng thấy nhiều việc. Mỗi gia đình LS là một nỗi trăn trở, chị đã sống và sẻ chia cùng họ. Việt Nam có 1,1 triệu LS nên MARIN chẳng khi nào làm hết việc. Việc nó cuốn vào người, đau thương nó cũng ngấm vào máu thịt, tim gan mình. Mệt thì mình nghỉ, buông máy tính ra chứ biết khi nào mới hết việc”. Thi thoảng trên blog cá nhân, tôi vẫn đọc được những dòng tự sự đầy nỗi niềm và lời nguyện ước dành cho chính chị cũng như bao gia đình TNLS khác đang mòn mỏi chờ tin:  “Mong sao đừng đứt gánh!”.
 
Chị đã 2 lần viết thư đề nghị lên Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ xin phép thành lập tổ chức độc lập để có tư cách pháp nhân, kêu gọi các đơn vị, cá nhân chung tay vào việc đền ơn đáp nghĩa nhưng chưa có hồi âm. Ước mong làm gạch nối ân tình của Ngô Thị Thúy Hằng xem ra không dễ.
 
T. Ninh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top