ClockThứ Bảy, 02/05/2020 06:46

Nguyên vẹn cảm xúc ngày đất nước thống nhất

TTH - Từng vào sinh ra tử, tham gia nhiều cuộc chiến đấu ác liệt, Đại tá Hồ Bân (sinh năm 1942), chiến sĩ Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) anh hùng thấy mình thật vinh dự, tự hào khi được chứng kiến ngày đất nước thống nhất.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcHoài niệm Trường Sơn

Đại tá Hồ Bân nhớ lại cảm xúc vui mừng, tự hào ngày đại thắng

Trong không khí toàn dân nô nức kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp đến thăm Đại tá Hồ Bân, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên chén nước lá vối còn nóng hổi, ông Bân xúc động: “Những ngày này lại nhớ vô cùng những người đồng đội đã hy sinh. Họ không được may mắn chứng kiến thời khắc đất nước giải phóng”.

Tham gia bộ đội từ những năm 1963, chủ yếu chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế, nay đúng 45 năm chiến tranh lùi xa, nhưng những phút giây, những trận đánh giải phóng Huế, những lần đối diện với lằn ranh sinh tử và thời khắc sung sướng, tự hào khi đất nước thống nhất vẫn vẹn nguyên trong ký ức của vị đại tá.

Năm 1973 ông Bân giữ chức Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và sau đó trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Huế.

Ngày 20/3/1975, đơn vị ông được lệnh hành quân lên cứ điểm Vỹ Tròn, huyện Nam Đông để đánh địch vòng ngoài. Ngày 23/3 thì bắt đầu đánh cao điểm núi Bông, núi Nghệ. Trước sự tấn công bất ngờ của quân ta, địch bắt đầu chống cự quyết liệt, điều cả đại đội xe tăng để đánh trả. Khi đó, ta và địch bắt đầu giằng co. “Mặc dù bị đánh cho tơi tả nhưng địch rất ngoan cố. Đơn vị phải điều động thêm một tiểu đoàn dự bị lên tăng cường. Trận đánh này quân ta hy sinh khá nhiều. Gần ngày giải phóng rồi mà các đồng chí ấy không kịp về”. Mắt ông Bân ngấn lệ khi nhớ tới những đồng đội của mình đã hy sinh.

Sau khi cố thủ, địch bị tấn công trúng Sở Chỉ huy, chúng hoảng loạn bỏ chạy và thương vong khá nhiều, phải rút quân dần vào Đà Nẵng, quân ta làm chủ trận địa. Trên đà chiến thắng, quân ta tiếp tục tấn công La Sơn.

Ông Bân còn nhớ như in con đường hành quân từ Nam Đông về đến La Sơn sau khi giải phóng cứ điểm núi Bông, núi Nghệ. Đường xa, cây cối, đất đá mù mịt, lương thực, nước uống thiếu thốn nhưng đơn vị ông đã hành quân thần tốc để đến 24/3 thì giải phóng hoàn toàn La Sơn.

Giải phóng được La Sơn, Trung đoàn 3 bắt đầu hành quân theo Quốc lộ 1 để về Huế. “Khi chúng tôi về đến Phú Bài thì thấy bà con ra đứng đầy đường, tay giơ cao cờ Tổ quốc, tay vẫy chào bộ đội. Tất cả xe cộ có trong làng đã được huy động để chở bộ đội lên Huế. Xúc động lắm”, Đại tá Bân nhớ lại.

Ngày 25/3, TP. Huế được giải phóng. Đơn vị ông được cử đi giải cứu 28 thương binh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (hiện là Bệnh viện 268).

Bị đánh cho tơi bời, giặc bắt đầu tháo chạy khỏi TP. Huế về Thuận An hòng lên tàu chạy vào Đà Nẵng. Về tới Thuận An, chúng bắt đầu cướp phá của cải của dân. Trước tình hình đó, quân ta đã điều động ngay một tiểu đoàn về chặn đứng đường tẩu thoát của địch và bắt sống được hàng ngàn tù binh.

Trực tiếp cầm súng chiến đấu, giáp mặt kẻ địch, nhiều khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, nhưng dù có hy sinh, những người lính như ông Bân vẫn quyết chiến đấu đến cùng để mong ngày giải phóng quê hương.

Sau khi Huế được giải phóng, trung đoàn chủ lực của Đại tá Bân được lệnh tiếp tục hành quân vào tham gia giải phóng Đà Nẵng. Tại đây, đơn vị ông cũng đã lập được nhiều chiến công.

Ngày 29/3, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 3 tiếp tục hành quân vào Nha Trang để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đến Nha Trang thì bất ngờ nhận được thông báo đất nước ta đã toàn thắng. “Đang ở trên xe hành quân vào Nam thì chúng tôi nghe tin đại thắng. Tất cả chúng tôi cùng hét lên: Thắng rồi, thắng rồi, đại thắng rồi, chúng ta về thôi. Từ nay không còn chiến tranh, đất nước sẽ sạch bóng quân thù”, Đại tá Bân vui mừng kể lại khoảnh khắc bất ngờ trước niềm vui đại thắng.

Sau chiến tranh, đơn vị ông Bân - Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) được phong tặng Trung đoàn Anh hùng và bản thân ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ. Kết thúc chiến tranh, ông Bân vẫn tiếp tục con đường binh nghiệp, giữ nhiều chức vụ quan trọng và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan và doanh nghiệp:
Có 14/31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Chiều 20/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối các cơ quan và doanh nghiệp (Hội CCB Khối) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Có 14 31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Làm trước để nêu gương

Sống giản dị, hòa đồng, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, đi đầu trong mọi phong trào... là những lời nhận xét mà cán bộ, hội viên hội cựu chiến binh (CCB) địa phương vẫn thường nhắc về ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới.

Làm trước để nêu gương

TIN MỚI

Return to top