ClockThứ Năm, 19/04/2018 14:33

Nguyễn Việt Hoàng & những trăn trở với bài hát quê hương

TTH - Có tiếng trong giới mộ điệu âm nhạc từ thập niên 1990, song đến bây giờ nhạc sĩ (NS) Nguyễn Việt Hoàng mới đóng góp cho quê hương nhạc phẩm “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” nhân Festival Huế 2018.

Phát động làm phim, sáng tác logo, slogan du lịch HuếCông bố kết quả cuộc thi sáng tác logo, slogan và phim quảng bá du lịch HuếSáng tác 43 tác phẩm về học tập và làm theo Bác19 ca khúc mới viết về Hương TràHội Văn học nghệ thuật tổ chức trại sáng tác ở Vũng Tàu

Nhạc sĩ Nguyễn Việt Hoàng (phải), tác giả lời hát “ai về cầu ngói Thanh Toàn”

Trăn trở

NS Nguyễn Việt Hoàng kể, so với nhiều sáng tác khác, trong đó có ca khúc “Thao thức bóng quê” từng được Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền thể hiện rất thành công thì để viết nên “Ai về cầu ngói Thanh Toàn”, ông mất đến 6 năm trăn trở.

Mong muốn đóng góp bài ca cho “Chợ quê ngày hội”, nhưng để trình làng một nhạc phẩm “quê hương ca” không hề đơn giản, vì thế từ Festival Huế 2014 - 2016, “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” vẫn chỉ là “dự án âm nhạc” mà ông ấp ủ. NS Nguyễn Việt Hoàng quan niệm, mỗi tác phẩm âm nhạc đều cần sự đầu tư. Đặc biệt, với ca khúc viết về nơi chôn nhau cắt rốn, phải kỹ đến từng chữ, từng nốt nhạc, phản ảnh đúng và chân thật. Mỗi câu viết ra, Nguyễn Việt Hoàng đắn đo sửa đi sửa lại. “Thậm chí trên giường bệnh điều trị sỏi thận, tôi đem tác phẩm tâm sự với bác sĩ Kiều Giáp Thành (đồng tác giả về phần lời) từ đó, sự góp ý của bác sĩ Thành làm cho tôi thêm vững tâm với sáng tác”, NS Hoàng nói.

Tháng 2/2018, “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” chính thức hoàn chỉnh, mở đầu bằng ca từ trong điệu hò quen thuộc “Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho em theo với một đoàn cho vui”. Đoạn đầu như khúc tâm tình ngọt ngào của xứ sở quê hương xen lẫn phần điệp khúc nói về niềm vui sướng tưng bừng ngày hội. Sau 1 tháng thu âm, “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” được chọn đăng tải trên tạp chí Sông Hương số đặc biệt tháng 3/2018 và được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế chọn biểu diễn tại chương trình văn nghệ lễ hội “Chợ quê ngày hội 2018”.

Khi tác phẩm “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” đến tai PGS. TS. Nhà giáo nhân dân Lô Thanh, ông đã phải thốt lên: “Đây là một tác phẩm hoàn chỉnh, mang tính chất dân ca, có hát, có lĩnh xướng… Nhạc tốt, lời hay thể hiện được sức sống miền quê.”.

Còn với Nghệ sĩ ưu tú Mai Lê (người thể hiện ca khúc), “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” là một sáng tác lạ ở chất dân ca nhưng rất Huế, gần gũi. “Có những bài hát khi NS chuyển tới, tôi từ chối nhưng với “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” tôi nhận lời, chỉ mấy ngày sau là thu và tập luyện cho “Chợ quê ngày hội”. Với tôi, đây là ca khúc hay”.

Khai thác thế mạnh dân ca

Lần thăm quê từ Festival 2012 cũng đánh dấu bước ngoặt hồi hương của NS Nguyễn Việt Hoàng, đồng thời chuyển hướng sáng tác, nghiên cứu, khai thác thế mạnh dân ca miền Trung để cho ra đời những bài ca quê hương mang đậm chất dân ca.

Dưới góc nhìn của chuyên gia âm nhạc, PGS. TS. Nhà giáo nhân dân Lô Thanh cho rằng, Nguyễn Việt Hoàng là một trong số ít những người mạnh dạn khai thác và sử dụng dân ca Bình Trị Thiên cho sáng tác âm nhạc và đáng trân trọng. Trong quá khứ, cũng có một số NS từng sử dụng dân ca Bình Trị Thiên để sáng tác như Trần Hoàng, Lê Anh… tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, khuynh hướng sáng tác này rất ít. “Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực Bình Trị Thiên nói chung thì dân ca rất mạnh nhưng không được nhiều NS khai thác như dân ca hai miền Nam, Bắc. Có thể vì quan điểm của NS chọn phong cách sáng tác mới, điều này là sự đáng tiếc”, ông Thanh nói.

NS Nguyễn Việt Hoàng tâm sự, khi tuổi dần xế chiều là lúc người ta nghĩ nhiều về quê hương và mong muốn đóng góp, nhất là những người đã xa quê quá lâu và có tình yêu đặc biệt với quê hương. Sau “Ai về cầu ngói Thanh Toàn”, những tác phẩm mới sẽ được khai thác dựa trên vốn dân ca quý báu của miền Trung và không đặt nặng vấn đề tác quyền, chỉ mong quê cha đất tổ và người dân Huế có thêm những ca khúc về quê hương.

Nhạc sĩ Nguyễn Việt Hoàng (sinh năm 1961), quê gốc tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1987 khi tham gia nghĩa vụ quân sự tại Đại đội Thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1988, Nguyễn Việt Hoàng viết ca khúc “Tiếng đàn” và sau đó giành “Giải thưởng âm nhạc tuổi trẻ 1993”, tặng phẩm “Tác phẩm âm nhạc hay nhất năm 2003” do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng. Năm 1997, ông vào học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và cho ra đời nhiều sáng tác, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng, được Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến, nghệ sĩ ưu tú Minh Quang… thể hiện thành công.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

TIN MỚI

Return to top