ClockThứ Sáu, 26/10/2018 21:59
DI DỜI DÂN CƯ KHU VỰC I KINH THÀNH HUẾ:

Nguyện vọng chính đáng của người dân và trách nhiệm của chính quyền

TTH - Di dời khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống trong Khu vực I Kinh thành Huế, tập trung ở các khu vực Thượng thành - Eo bầu, Hộ Thành hào, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ... đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Với quyết tâm của tỉnh, sự ủng hộ của Chính phủ cũng như đáp ứng nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân chúng sống trong khu vực, cuộc “di dân lớn nhất trong lịch sử” này của Huế đang có triển vọng rất hứa hẹn. Báo Thừa Thiên Huế trích đăng ý kiến thảo luận tại hội trường ngày 26/10 của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về vấn đề này.

Lên phương án di dời hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành HuếSẽ hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên Huế triển khai Đề án giải tỏa di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Tôi thống nhất cơ bản nội dung báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 và nhiệm vụ, chỉ tiêu trong năm 2019.

Cử tri và Nhân dân Thừa Thiên Huế vui mừng với những chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2018. Đây là kết quả của sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, năng động, tâm huyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Khó khăn bất cập là tất yếu trong quá trình đổi mới, tư duy hành động, điều hành, nhưng chúng ta vui mừng nhiều chủ trương, quyết sách đã đi vào cuộc sống có tính đột phá tạo nền tảng cho phát triển bền vững như: cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng Chính phủ điện tử, đây là những điểm sáng trong điều hành cần phải tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới.

Tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể sau:

Thay mặt cử tri Thừa Thiên Huế, chúng tôi chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào chiều ngày 24/10/2018 và đã đồng tình cao về chủ trương di dời khu vực dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế cũng như đã chỉ đạo một số chủ trương liên quan công tác di dời, giải phóng mặt bằng khu vực này. Tuy nhiên, do đây là việc hệ trọng, liên quan cả một cộng đồng dân cư, quy mô lớn về vốn vì vậy tôi xin báo cáo nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội.

Quần thể di tích Cố đô Huế hiện đang phải đương đầu với những tác động của thời gian, khí hậu và đặc biệt là những tác động phát sinh hằng ngày từ hoạt động của dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (thứ 3, trái sang) khảo sát tình hình dân cư Khu vực I Kinh thành Huế. Ảnh: Thu Thủy

Do quá trình lịch sử di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945 - 1975, di dân từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào và các công trình di tích thuộc Khu vực I Kinh thành Huế.

Do sống trên di tích nên hầu hết các hộ này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào, vì vậy nhà ở tại khu vực này không được xây dựng, sửa chữa lớn. Các hộ dân sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích, giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân, hiện nay tại Khu vực I các di tích Kinh thành Huế còn khoảng 4.200 hộ sinh sống.

Nếu nói cuộc sống hàng ngàn con người này tạo ra áp lực lớn đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo Kinh thành Huế thì cũng phải thấy rằng chính người dân nơi đây đang sống vô cùng chật vật, khó khăn khi gắn cuộc đời với một công trình di tích quan trọng đặc biệt của Quốc gia. Mong ước của nhiều thế hệ ở đây là tìm kiếm một cơ hội, một cuộc đổi đời về nơi sinh sống trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Qua nhiều lần tiếp xúc với chính quyền các cấp, bà con cử tri bộc bạch mong muốn sớm được di dời, nhiều bà con cảm thấy có lỗi với tiền nhân khi phải sống trên di tích nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế không thể di dời. Nguyện vọng của bà con cử tri đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế thiết tha sớm được di dời, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích.

Thấu hiểu nguyện vọng người dân, lo lắng của chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư đối với  hộ dân đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành và giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng cơ chế, đề án trình Thủ tướng và các Bộ, ngành chức năng.

Phương án di dời dân cư khoảng 4.200 hộ đang sinh sống trong khu vực này thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, kinh phí cần Trung ương hỗ trợ để bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.800 tỷ. Trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ di dời dự kiến khoảng 2.938 hộ với kinh phí khoảng 1.900 tỷ đồng, bình quân từ 600 - 650 tỷ/năm.

Kinh phí di dời này là rất lớn đối với địa phương, quỹ đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ phục vụ trùng tu di tích, không thể chuyển đổi sang mục đích khác, ngoài ra địa phương phải tự huy động các nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ để xây dựng các khu tái định cư sẵn sàng cho di dời.

Đối với Thừa Thiên Huế, đây là cuộc di dân có tính lịch sử, chưa bao giờ công tác giải phóng mặt bằng lại có được thời điểm thuận lợi như hiện nay đó là xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân thuộc đối tượng di dời, sự chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng và các Bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của chính quyền các cấp .

Việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong đợi quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ về cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến việc thúc đẩy chuyển đổi số. Chuyển đổi số mà nền tảng là kinh tế số và xã hội số đang là nhu cầu tất yếu và cũng là thách thức của quá trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; nhất là khi chúng ta đã có bước tiến quan trọng, cơ bản về tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do VN-EU.

Để thực hiện những nhiệm vụ này, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực phát triển KT-XH một cách thực chất. Xây dựng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm và ở mọi cấp độ nhằm phục vụ quá trình phát triển và hiện đại hóa phương thức quản trị xã hội, quản trị nền kinh tế, tạo nền tảng cơ sở vững chắc cho hoạt động, điều hành Chính phủ điện tử.

Về phát triển đô thị, chúng ta cần xem phát triển đô thị theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống, kết nối hạ tầng của các vùng kinh tế lân cận là một cách làm mang tính bền vững phải được xem là động lực cho sự phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của người dân.

Phát triển đô thị sẽ tạo cơ hội việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao tỷ lệ nghề phi nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần được xác định là một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, để từ đó có các giải pháp đồng bộ và tổng thể thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Đề nghị Chính phủ rà soát các quy định liên quan đến đấu thầu, đấu giá các dự án phát triển đô thị, dự án liên quan đất đai để hoàn thiện khung pháp lý đầu tư phát triển đô thị, tiếp cận đất đai, tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển đô thị.

Hiện nay ở các địa phương đang lúng túng trong quyết sách đầu tư, chọn nhà đầu tư để đầu tư đô thị: Không làm thì mất cơ hội phát triển; làm thì nguy cơ sai sót do sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 6/3, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025” và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42 CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Tăng cường niềm tin của Nhân dân vào công lý, công bằng xã hội

Chiều 26/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi nói chuyện với đội ngũ cán bộ ngành tòa án toàn tỉnh chuyên đề về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng ngành tòa án Nhân dân 2 cấp.

Tăng cường niềm tin của Nhân dân vào công lý, công bằng xã hội

TIN MỚI

Return to top