ClockThứ Năm, 17/06/2010 14:48

Nhà báo Huế

TTH - Người Huế có nhiều điều để tự hào về vùng đất từng là kinh đô, là chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Vùng đất Huế cũng một thời vang bóng là một trung tâm báo chí hàng đầu của đất nước.
Nhớ lại lịch sử, ngày 10-8-1927, tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản số đầu tiên tại Huế. Trong khoảng sáu mươi tờ báo xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ trước, Tiếng Dân là tờ báo đáng được chú ý đặc biệt.
 
Đó là tờ báo đầu tiên dùng toàn chữ quốc ngữ và cũng là tờ báo quan trọng nhất và sống lâu nhất tại vùng đất này, từ năm 1927 đến 1943. Trong 16 năm tồn tại, có 1.766 số báo được in ra. Phần lớn những vấn đề xã hội của cả miền Trung suốt giai đoạn khó khăn này đều được phản ánh trong Tiếng Dân.
 
Huế cũng tự hào với sự ra đời tờ báo Dân, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, ra đời số đầu tiên vào ngày 6-7-1938. Phát hành mỗi tuần một với 3.000 bản và tuy chỉ tồn tại trong 3 tháng nhưng báo Dânvũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Thừa Thiên Huế và Trung kỳ. Báo Dân từng sống oanh liệt, chiến đấu anh dũng, hoàn thànhsứ mạng lịch sử vẻ vang của mình một cách xứng đáng.
 
Ở Thừa Thiên Huế hiện có một tập san phát hành 4 kỳ trong năm của Hội Nhà báo tỉnh có tên Nhà báo Huế. Tôi vẫn nghĩ, đó là một danh xưng đẹp. Nó bắt nguồn từ một truyền thống cao quý, đầy vẻ vang từ thời báo Dân và cùng thời với nó là Nhành Lúa, là Sông Hương tục bản…với những tên tuổi của những nhà báo lớn Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Hải Triều, Lâm Mộng Quang…Tất nhiên, trước đó nữa phải nhắc tới là Tiếng Dân của cụ Huỳnh. Truyền thống đó sau này được tiếp lửa từ hoạt động báo chí ở chiến khu và đặc biệt là từ phong trào đấu tranh đô thị Huế.
 
Còn nhớ, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, làm báo trong phong trào đô thị miền Nam mà trung tâm hàng đầu là Huế là thời kỳ làm báo chui. Cả thành phố sôi sục đấu tranh. Chính quyền đương thời mà bắt được là ở tù. Tờ báo tranh đấu đầu tiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường làm ở Huế là Sinh viên Huế, sau đó là tờ Trường Sơn, rồi đến tờ Chiến đấu. Tờ Chiến đấu vẻn vẹn chỉ có 3 số thì bị cấm. Chiến đấu “chết” lại xuất hiện tờ báo Dân. Rồi nữa là Việt Nam- Việt Nam…Rất nhiều tờ báo đã ra đời, đã đi qua trong đời Tường cùng đồng đội trong những tháng năm hào hùng ấy, dũng mãnh, oanh liệt như một đoàn quân xung trận, lớp trước ngã, lớp sau lại tiến bước.  
 
Ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm, tôi lại như chợt hiểu thêm rằng, chính cái chất lạ, chất “xuống đường”, chất đấu tranh và nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường “phong trào đấu tranh cần có tiếng nói để tập hợp nên chúng tôi làm báo” đã góp phần tạo nên biểu tượng đẹp về “Nhà báo Huế” một thời. Rõ ràng, nó cần được nhớ lại, khắc ghi, cần được phát huy và kế tục…Chớ để nhạt phai một hình ảnh, một truyền thống đẹp của Huế, của Thừa Thiên!
Đan Duy
 
 
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top