ClockThứ Hai, 12/11/2012 14:50

Nhà báo Huế với “chuyện mới tích xưa”

TTH - "Huế- chuyện mới tích xưa" là nhan đề ấn phẩm chào mừng đại hội lần thứ V Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2012-2017. Cuốn sách gồm 53 bài báo dưới dạng nghiên cứu văn hoá, lịch sử được đăng tải trên tập san Nhà báo Huế 5 năm qua.

Bắt đầu từ đám cưới lịch sử của Huyền Trân công chúa với vua Chăm để đổi lấy cho giang sơn Đại Việt hai châu Ô và Lý, Thừa Thiên Huế nay và Thuận Hoá xưa đã có hơn 700 năm xây dựng và phát triển. Một thời đây là vùng phên dậu của Tổ quốc với thành Hoá Châu lịch sử. Mấy trăm năm là thủ phủ của xứ Đàng Trong với những địa danh vang vọng từ Phước Yên, Kim Long đến Bác Vọng, Phú Xuân. Đặc biệt, hơn một thế kỷ Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Chưa kể, trước khi là máu thịt của đất Việt, Huế từng là trung tâm chính trị - văn hoá của vương quốc cổ Chăm pa hùng mạnh. Dấu ấn lịch sử và những di sản văn hoá - lịch sử giàu bản sắc lưu lại tầng tầng lớp lớp đã khiến cho Huế trở thành biểu tượng lớn của đất nước. Khám phá Huế xưa là để hiểu hơn về Huế hôm nay đang trên đường hội nhập và phát triển.

 

 

Ngạc nhiên không chỉ ở sự dày dặn của tập sách với trên 350 trang in khổ 14,5 x 20,5 cm, mà chính là ở sự góp mặt của những tên tuổi và những vấn đề đặt ra trong các bài viết. Bên cạnh các nhà báo “ham thích” lịch sử và văn hoá của vùng đất, tập sách còn quy tụ không ít những nhà nghiên cứu tên tuổi ở địa phương và trong cả nước. Có thể kể đến như các nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử Nguyễn Khắc Mai, Tô Ngọc Thanh, Ngô Doãn Đức ở Hà Nội hay các tên tuổi tiếng tăm tại Huế như Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Thông, Trần Viết Điền, Lê Quang Thái, Phan Thanh Hải… Chính sự cộng tác của họ đã làm cho tập sách có được những giá trị lớn lao, sự sang trọng cần thiết và điều quan trọng hơn là đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.

 

Đầu đề “Chuyện mới tích xưa” cho thấy một cách chân xác giá trị của những bài báo - nghiên cứu được đăng tải trong tập sách. Rất nhiều bài viết đã bắt đầu từ những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống đương đại và đã được trình bày lý giải bằng những kiến thức lĩnh hội được từ sự hiểu biết tường tận và sâu sắc các vấn đề văn hoá lịch sử. Xin đơn cử vài dẫn chứng tiêu biểu. Với đầu đề “Văn miếu trồng thông”, nhà nghiên cứu Lê Quang Thái giới thiệu với bạn đọc về một di tích lịch sử đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của Huế. Nhiều người biết đến Văn miếu Huế nhưng hiểu được những giá trị lớn lao về công trình này rõ ràng chẳng có mấy ai. Và, không dừng lại ở những kiến thức và sự hiểu biết lịch sử, bài viết đặt ra vấn đề về bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di tích chỉ có ở những vùng đất trung tâm như Huế hay Hà Nội.

 

Tiến sĩ Trần Đình Hằng trong bài “Dư âm ngày xá tội vong nhân trong tâm thức Huế” đưa ra cách nhìn và sự kiến giải những giá trị mang tính gốc rể về sự kiện thất thủ kinh đô Huế (23/5/Ất Dậu, 1885); qua đó, giúp người đọc hiểu hơn về đời sống tâm linh của người dân Huế. Cuối cùng, tính báo chí của bài viết cũng được tác giả thể hiện rõ khi gắn liền sự kiện lịch sử bi hùng kia với việc tạo dựng dấu ấn riêng có của một thành phố Festival mà chúng ta đang dày công xây dựng. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong bài “Bảo tồn và quảng bá Nhã nhạc cung đình Huế” đưa ra một cái nhìn xuyên suốt từ những đặc trưng của loại hình âm nhạc này, sự ra đời và vai trò trong quá khứ đến những hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của nhã nhạc cung đình. Kiến thức và sự am hiểu lịch sử và âm nhạc đã được thể hiện rõ nét cùng với nhiệt tâm của người cầm bút trong “vai trò nhà báo” đã giúp cho bài viết có sức hút đặc biệt dành cho bạn đọc và đồng thời, tạo nên một hiệu ứng xã hội cao.

Huế là vùng đất văn hoá - lịch sử, người dân Huế tự hào sống trên di sản. Cùng với việc khai thác, trách nhiệm đối với di sản là bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo những giá trị to lớn mà tiền nhân đã dày công vun đắp và để lại. “Huế - chuyện mới tích xưa” là một cách thể hiện sự đóng góp của những người làm báo, làm văn hoá đối với di sản Huế. PGS.TS Hồ Thế Hà rất có lý khi cho rằng, các tiểu luận (bài báo) không chỉ làm nổi bật những giá trị của các sự kiện, vấn đề và di tích lịch sử - văn hoá, mà còn giúp mọi người hình dung về một dòng chảy lịch sử - văn hoá Huế trong sáng tạo văn học, nghệ thuật và trong các lĩnh vực sinh hoạt, đạo đức, tâm linh, đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hoá mới hiện nay của nhân dân Huế. Công trình là tập hợp kết quả nghiên cứu miệt mài của những người yêu xứ Huế, yêu văn hoá Huế, rất đáng trân trọng.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top