ClockThứ Hai, 15/06/2020 16:32

“Nhà báo không thẻ”

TTH.VN - Dù chưa phải là nhà báo được cấp thẻ nhưng chính những nỗi niềm, trăn trở về vùng bản, vùng biên lại khiến họ gắn bó để cho ra đời những tác phẩm báo chí đậm hơi thở cuộc sống vùng cao.

Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt NamGặp mặt, tuyên dương 187 người làm báo tiêu biểu cả nướcCần có nhiều tác phẩm mới hay hơn, sáng tạo hơn về chủ đề học Bác

Sá chi khó khăn

Vợ mang thai con đầu lòng, nhưng mãi đến khi tình hình dịch COVID-19 tạm ổn, “chiến sĩ viết báo” Võ Văn Tiến mới rời vùng biên về quê thăm vợ. Ngăn nắp xếp máy ảnh, máy quay, lap top sau khi viết đơn nghỉ phép, anh thật tình: “Ở nhớ vợ, đi nhớ nghề. Làm báo vùng biên giới vất vả nhưng có nhiều điều thú vị. Khi những tin tức hay được chuyển lên mặt báo, dù đã cầm bút 7 năm vẫn còn cảm giá sướng lâng lâng”.

Chiến sĩ viết báo" Võ Văn Tiến (trái) cùng phóng viên Đức Quang (Báo Thừa Thiên Huế) tác nghiệp ở chốt chặn dịch COVID-19 giữa vùng biên giới

Hồi ức làm nghề của người “chiến sĩ viết báo” khá thú vị. Gọi là “chiến sĩ viết báo” bởi Võ Văn Tiến chưa phải là nhà báo được cấp thẻ, nhưng đã hoàn thành các khóa nghiệp vụ báo chí, tập huấn nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí tuyên truyền để rồi từ thành viên Đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (năm 2011), anh thường xuyên ngược xuôi lên A Lưới đảm nhận vai trò chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền (năm 2013), trước khi chính thức “thường trú” vùng biên A Lưới.

Anh kể: “Mình được giao phụ trách thông tin địa bàn A Lưới từ năm 2013 và gắn bó với Báo Biên phòng nhưng lên về bất tiện, nên sau này được sự quan tâm, điều động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, mình chuyển lên ở A Lưới (năm 2018) để cùng đi, cùng ở với các chiến sĩ, người dân nhằm thông tin nhanh và sâu hơn”.

7 năm cầm bút “kiêm” cầm máy quay, Võ Văn Tiến không biết đã trải nghiệm bao nhiêu chuyến băng rừng lội suối nhưng anh bảo mỗi chuyến đi là những câu chuyện thú vị đáng nhớ. Trong chuyến tác nghiệp cùng lực lượng biên phòng “đánh án” vụ 11 đối tượng vận chuyển gỗ trái phép tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới thu giữ 4,3m3 gỗ kiền (ước tính trị giá khoảng 110 triệu đồng) vào năm 2015, anh Tiến nhớ mãi chuyện phải đối mặt với các đối tượng có sử dụng vũ khí nóng tự chế. “Để có những cảnh quay chân thực, trực tiếp chứ không dàn dựng, phải lựa chọn vị trí phù hợp. Chuyến đi này khá vất vả vì đường chủ yếu suối sâu, có những đoạn nước ngập đầu người, phải lấy ni lông bọc máy 3 - 4 lớp để tránh bị ướt. Tình thế lúc đó cũng khá nguy hiểm, nhưng mình may mắn được lực lượng chức năng cử một bộ phận chiến sĩ theo sát bảo vệ”, anh Tiến nhớ lại.

Miền Tây Thừa Thiên Huế - vùng đất biên giới giáp Lào và có nhiều đồng bào dân tộc anh xem sinh sống chưa bao giờ là vùng đất thiếu đề tài báo chí. Thực ra, người cầm bút, cầm máy trên đỉnh Trường Sơn không chỉ có nam giới mà phái đẹp cũng sục sôi “lửa nghề”. Chị Thanh Ngàn - người chọn gắn bó với “nhà đài” vùng cao kể, năm 2011, tốt nghiệp Trường cao đẳng Truyền hình Hà Nội xong là chị vào nghề. Tuy bị “gán mác” là phái yếu nhưng hồi đó, một chiếc xe đạp cọc cạch cũng đủ để chị tìm đến những bản làng xa xôi. Chị Ngàn bồi hồi: “Mỗi lần có sự kiện, nhiều người lại thấy mình lỉnh kỉnh tay xách máy quay, tay ôm chân máy. Là phụ nữ nhưng làm nghề cũng phải băng rừng, lội suối hay xa nhà ở lại trong rừng sâu”.

Có lẽ, người đã dấn thân vào nghề báo phải theo một quy luật đã được định sẵn “ngày cày, đêm cày” để dòng chảy thông tin được cập nhật kịp thời, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhưng nhìn một khía cạnh nào đó, phóng viên tác nghiệp ở vùng cao còn có những đặc thù riêng, đối diện với nhiều khó khăn như địa hình phức tạp, thường xuyên phải lội bộ qua những còn đường giao thông thuộc tốp “ngán” nhất, thế nên chuyện tác nghiệp dài ngày không thể tránh khỏi. Anh Tiến kể, dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nước bạn Lào hằng năm trúng vào dịp sinh nhật bản thân, nhưng “món quà” sinh nhật luôn là những chuyến đi ở các bản làng Ka Lô, Sê Sáp, Cô Tài của Lào. Có năm, anh phải đi liên tục cả tuần. Ngày đi, tối viết, khuya dựng đến 3 giờ sáng để kịp tính thời sự. Làm việc cật lực nên những tuần cao điểm như thế, có khi phải dựng cả 10 phóng sự. Khó khăn không ít, nhưng theo anh Tiến và những đồng nghiệp làm báo ở vùng cao, lửa nghề khiến họ sá chi vất vả.

Đồng bào vùng cao là người thân

Chuyến tác nghiệp tại bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào của "chiến sĩ viết báo" Võ Văn Tiến

Với người làm báo vùng cao, gắn bó với mảnh đất thôi chưa đủ mà phải xem đồng bào là người thân, cùng ăn, cùng ở và học tiếng của họ thì mới thấu hiểu và cảm nhận hết đời sống văn hóa, tinh thần để từ đó chuyển tải thông điệp đến bạn đọc một cách đầy đủ nhất. “Phóng viên đài huyện” Dương Lý cho chia sẻ, tuy không học tiếng nhưng qua tiếp xúc, cũng có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Cơ Tu và biết sơ về tiếng Pa Cô.

Người vùng cao A Lưới nửa đùa, nửa thật rằng nếu nhiệt tình với họ, phía ngược lại, họ cũng sẽ không tiếc gì. Nguyên tắc sống ấy có lẽ đã “vận” vào tác phong làm việc của nhiều phóng viên từng gắn bó, tác nghiệp tại những bản làng trên đỉnh Trường Sơn. Anh Tiến chia sẻ, khi chuyển lên sinh sống tại A Lưới để làm việc, anh đã kéo gần khoảng cách với người dân bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ họ cây, con giống. Cách làm ấy khiến họ rất mến và sẵn sàng hỗ trợ nguồn tin khi anh cần. Thậm chí, với những chuyến công tác xa, người dân sống cạnh nhà còn sang nhà anh tưới vườn, chăm sóc vật nuôi để anh yên tâm tác nghiệp.

Chuyện nghề của những đồng nghiệp ở miền sơn cước lắm điều thú vị. Họ luôn bảo làm báo ở vùng cao phải miệt mài như con tằm rút ruột nhả tơ ,nhưng tình cảm của người vùng cao dễ khiến người “cầm bút” quyện hơi đất, bén duyên người. Thế nên, dù trải qua trăm ngàn vất vả, họ cũng lấy những kỷ niệm về cái nghĩa, cái tình của người miền sơn cước  làm động lực để thắp tiếp lửa nghề.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top