ClockThứ Ba, 26/11/2013 05:50

“Nhà chống bão” trong “Làng chống bão” !

TTH - Siêu bão Haiyan tràn qua huỷ diệt một phần đất nước Philippines rồi đổ vào Biển Đông lừng lững tiến về đe doạ Việt Nam. Cả thế giới bàng hoàng! Cả thế giới chấn động trước những đau thương mất mát của người dân trong vùng tâm bão! Và, trong những câu chuyện xoay quanh cơn bão, có người bất chợt nhắc đến cuộc thi "Thiết kế kiến trúc Nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh đô thị hoá" do ISET (Viện chuyển đổi môi trường và xã hội) phối hợp với thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế tổ chức cách đây chưa lâu. Tại cuộc thi này, đề tài nghiên cứu của nhóm kiến trúc sư thuộc Công ty CP Kiến trúc TT- ARCH (Huế) đã được Hội đồng tuyển chọn trao giải Nhất. Đặc biệt, đề tài còn được chính những người dân tán thưởng, họ nhất trí bình chọn trao giải Nhất cộng đồng cho nhóm thiết kế.

Đi từ thực tiễn

Th.S-KTS Trần Ngọc Tuệ, Giám đốc TT- ARCH, chủ nhiệm đề tài cho biết, khi đọc được thông báo, mấy anh em thấy đây là một cuộc thi thú vị bởi nó đụng đến vấn đề thời sự hiện nay của toàn cầu. Nếu nghiên cứu và thực hiện tốt như yêu cầu cuộc thi đề ra thì công trình sẽ thực sự hữu ích cho cộng đồng, đặc biệt là cho những người dân nghèo-đối tượng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Vậy là anh em hạ quyết tâm nhập cuộc.
 

KTS Trần Ngọc Tuệ và Lê Toàn Thắng (thứ 3 và thứ 4-trái sang) tại lễ trao giải.

 

Chứng nhận giải Nhất của đề án

 
Ngược với những nhóm khác là đi từ lý thuyết ra thực tiễn, nhóm của Trần Ngọc Tuệ chọn giải pháp điều nghiên từ thực tiễn, trên cơ sở đó mới xây dựng đồ án. Địa bàn mà ban tổ chức quy định cho các nhóm tác giả chọn lựa để xây dựng đề án dự thi được khu trú trong phạm vi thành phố Đà Nẵng. Qua rà soát, nhóm của Tuệ quyết định chọn Hoà Hiệp bắc. “Địa hình khu Hòa Hiệp bắc nằm ở ngay chân đèo Hải Vân, phía bắc, tây và tây nam được ôm bọc rất sát bởi vách núi cao dựng đứng, phía nam là sông Cu Đê, phía đông giáp biển Đông nên Hòa Hiệp bắc giống như một hốc đón gió, một túi bão nguy hiểm đón trực tiếp các cơn bão đến từ biển Đông. Nếu đổ bộ, gió bão sẽ tấn công trực tiếp, rồi cuộn vòng trong “túi gió” Hòa Hiệp bắc, sau đó thoát ra phía nam (phía sông Cu Đê). Điều kiện địa hình tự nhiên của Hòa Hiệp bắc do vậy rất bất lợi trong việc chống bão. Lại nữa, khu vực này chưa được quy hoạch, hầu hết đều là nhà ở tự phát của cư dân nghèo định cư lâu năm. Đa phần họ làm nghề đánh cá, đi núi, hay công nhân lao động trong thành phố và các khu công nghiệp... Nghiên cứu giải pháp nhà chống bão tại đây vì thế rất điển hình và rất ý nghĩa”- KTS Trần Ngọc Tuệ chia sẻ về công việc của nhóm.
 
Cuộc thi được ISET phối hợp với TP Đà Nẵng và TP Huế trao giải vào giữa tháng 6- 2013. Nhóm tác giả Công ty CP Kiến trúc TT-ARCH đoạt giải Nhất bao gồm các KTS: Trần Ngọc Tuệ, Lê Toàn Thắng, Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Vũ Hoàng Yến, Nguyễn Thị Tâm Hiền và KS Lê Thanh Toàn.
Bắt tay thực hiện, nhóm của Trần Ngọc Tuệ đã về hiện trường quan sát, tìm hiểu, phỏng vấn người dân… Như đã nói, do phát triển tự phát nên ở Hoà Hiệp bắc dân cư xây dựng nhà cửa rất tuỳ hứng, lộn xộn; hầu hết đều chỉ làm tương đối, tường xây, mái lợp, rất ít có khung cứng và đều sai quy cách kỹ thuật nên rất dễ bị phá huỷ nếu gặp bão. Đường sá trong khu dân cư cũng được mở tuỳ tiện, to nhỏ khác nhau. Rất nhiều con đường là ngõ cụt do được chắn bởi một ngôi nhà bất kỳ. Đó cũng chính là những “túi gió”. Nếu bão vào thì chính những ngôi nhà cản đường đi của bão kia sẽ là đối tượng bị phá huỷ trước …
 
Sau khi khảo sát kỹ địa hình, đánh giá hiện trạng nhà ở, tính chất của nền đất, của cảnh quan Hoà Hiệp bắc…, nhóm kiến trúc của TT- ARCH đã thảo luận, vận dụng những kiến thức và những kinh nghiệm dân gian (được lý giải bằng khoa học) để đề xuất nên giải pháp về “Làng chống bão” với những ngôi “Nhà chống bão” bên trong.
 
Giải pháp & ước mong
 
Trước hết là phải khai thông các ngõ cụt để không làm cho bão “nổi giận” vì bị cản đường. Việc làm này không chỉ cải thiện điều kiện giao thông tại khu dân cư Hoà Hiệp bắc mà những con đường ngoằn ngoèo sau khi được thông với nhau còn có tính năng khiến luồng gió khi di chuyển vào sẽ bị ma sát và giảm cường độ đáng kể. Bên cạnh việc tái tạo lại cấu trúc mạng lưới giao thông, nhóm tác giả còn quy hoạch phân thành 6 khu vực chịu ảnh hưởng gió bão, trong mỗi phân khu đó cài đặt bổ sung các nhà cộng đồng kiên cố phục vụ cho việc di dân tránh bão. Những ngôi nhà này ngoài khả năng chống chịu được với những cơn “siêu bão” còn được tính toán cự ly hợp lý, sao cho khi có báo động, dân cư sẽ di chuyển tới đó nhanh nhất và thuận tiện nhất. Những ngày bình thường, các ngôi nhà ấy sẽ được sử dụng phục vụ cho những sinh hoạt tập thể như nhà văn hoá của khu dân cư chẳng hạn…
 
Tuy nhiên, mỗi lần di dân để tránh bão như thế là hết sức vất vả. Hơn nữa mỗi năm có hơn cả chục cơn bão , người dân sức đâu để có thể sơ tán mãi. Cho nên, nhóm tác giả đề tài đã suy nghĩ đến phương án làm sao đó giúp dân có thể an toàn tránh bão tại chỗ.
 
Vì ngôi nhà là nơi người ta sinh sống cả đời, nên ngoài việc nghiên cứu các giải pháp đảm bảo độ bền chắc, an toàn, có thể chống chịu được bão, nhóm tác giả còn chú ý đến các yếu tố thẩm mỹ: đẹp, phù hợp với văn hóa và kiến trúc địa phương, tiện nghi và đầy đủ các chức năng cần thiết cho một gia đình với 2 vợ chồng, 2 con và ông bà. Từ phác thảo như vậy, nhóm của Tuệ đã tập trung nghiên cứu 3 mô hình nhà ở an toàn chống bão khá đặc trưng cho những khu vực dân cư có thu nhập trung bình thấp ở đô thị và có thể áp dụng cho nhiều khu dân cư khác, đặc biệt là những khu dân cư ven biển, dễ chịu sự tác động của gió bão và nước biển dâng như Hoà Hiệp bắc. Ba mô hình đó bao gồm: nhà ống lợp tôn; nhà ngang lợp ngói; nhà vuông 2 tầng (ghép đôi). KTS Trần Ngọc Tuệ nói thêm:
 
-Điều quan trọng trong mỗi ngôi nhà-dù áp dụng theo mô hình nào- là đều phải có một phần “lõi cứng”. Phần này tuỳ điều kiện có thể rộng chừng 30m2, có kết cấu bền vững đủ để chống được bão cấp 12, đồng thời cũng phải đảm bảo về độ cao để tránh tổn hại do nước biển dâng. Kinh nghiệm từ cơn bão Haiyan ở Philippines cho thấy điều này. Như vậy, phần “lõi cứng” sẽ là nơi trú ẩn yên tâm cho mỗi gia đình khi có bão. Còn khi có dự báo bão trên cấp 12 thì di chuyển đến nhà cộng đồng. Một thực trạng đáng buồn là những cánh rừng phi lao trồng dọc ven biển vốn là bức tường chống bão rất tốt, vậy mà đều bị đốn bỏ. Có lẽ để lấy “view” và trồng hoa cho… đẹp (!) Đẹp nhưng không chống được bão và sớm muộn rồi cũng bị phá huỷ. Phải nhanh chóng phục hồi những cánh rừng này! - Trần Ngọc Tuệ trải lòng.
 
Các giải pháp, đề xuất trong đề tài nghiên cứu của nhóm Trần Ngọc Tuệ đã hoàn toàn thuyết phục Hội đồng tuyển chọn và đã giật giải quán quân trong sự thán phục của nhiều người. Ngoài ra, đề tài còn nhận được giải nhất cộng đồng bình chọn. “Giải cộng đồng tuy chỉ có 5 triệu, nhưng lại do chính những người dân thẩm định, đánh giá. Anh em trong nhóm hết sức xúc động và cảm thấy vô cùng ý nghĩa với giải này”- Trần Ngọc Tuệ vẫn còn nguyên cảm xúc.
 
Giải thưởng được trao chưa lâu thì dồn dập những cơn bão đổ vào miền Trung. Nhìn những hình ảnh đổ nát, tang thương được loan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tuệ và nhóm bạn của mình ước mơ sẽ có một dự án nào đó giúp cho các hộ nghèo có một “lõi cứng” trong những ngôi nhà của họ. Chỉ cần giúp cho họ cái “lõi cứng” thôi, còn những phần khác của ngôi nhà như phòng khách, phòng bếp, mái hiên… thì các hộ dân sẽ tự đầu tư gắn thêm vào theo đúng kỹ thuật hướng dẫn. Như vậy là có thể giúp họ có được một chỗ ở an toàn, bền vững. Và sẽ chấm dứt được cái vòng luẩn quẩn: bão vào - nhà sập - hỗ trợ xây nhà - bão vào - nhà sập - hỗ trợ…
 
3 mô hình “Nhà chống bão”
 
Mô hình nhà ống – lợp tole (rộng 5m, dài 14m, cao 3m). Yêu cầu xây dựng đầy đủ hệ kết cấu: móng, giằng móng, cột, dầm tường, giằng đầu tường, khung hiên,… và khung mái bê tông; các kết cấu này liên kết thành khung cứng cho toàn bộ hệ kết cấu nhà. Neo hệ mái lợp tole và mái hiên vào hệ khung này + cửa bền chắc – kín khít để đảm bảo an toàn chống bão.
 
Mô hình nhà ngang – lợp ngói (rộng 7m, dài 10m, cao 3m). Yêu cầu xây dựng đầy đủ hệ kết cấu: móng, giằng móng, cột, dầm tường, giằng đầu tường, khung hiên,… và khung mái bê tông; các kết cấu này liên kết thành khung cứng cho toàn bộ hệ kết cấu nhà. Neo hệ mái lợp ngói, và mái hiên vào hệ khung này + cửa bền chắc – kín khít để đảm bảo an toàn chống bão.
 
Mô hình nhà vuông 2 tầng – ghép đôi (rộng 7m, dài 7m, cao 6m- mô thức nhà liền kề để tăng cường khả năng chịu lực cho nhà 2 tầng, và kết hợp sân vườn thông thoáng). Yêu cầu xây dựng đầy đủ hệ kết cấu: móng, giằng móng, cột, dầm tường, giằng đầu tường, khung hiên,… và khung mái bê tông; Yêu cầu các kết cấu này liên kết thành khung cứng cho toàn bộ hệ kết cấu nhà. Neo hệ mái lợp ngói, và mái hiên vào hệ khung này + cửa bền chắc – kín khít để đảm bảo an toàn chống bão.
 

Mô hình "Nhà chống bão"

 

 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top