ClockThứ Ba, 14/11/2017 08:24
CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN THƯỢNG NHẬT ẢNH HƯỞNG DÂN SINH:

Nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết

TTH - Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông cho rằng, Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam (đơn vị thi công thủy điện Thượng Nhật) không thực hiện đúng cam kết khi thi công công trình thủy điện Thượng Nhật mà chưa làm đường vào khu sản xuất, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có biện pháp vệ sinh môi trường…

Sau khi con đường độc đạo vào khu sản xuất bị chia cắt, 33ha cao su, keo lá tràm của người dân không được chăm sóc và thu hoạch

Người dân không đến được nơi sản xuất

Thực tế cho thấy, hiện một số hạng mục của công trình đang thi công. Riêng con đường cũ vào khu sản xuất tại khu vực suối Cha Lai thuộc các thôn 3, 4 của xã Thượng Nhật-nơi đang có hơn 30ha cao su, keo lá tràm đang trong thời kỳ chăm sóc và thu hoạch, đã bị san ủi, chia cắt bởi hệ thống taluy dốc đứng, người dân không thể vào bên trong.

Ông Hồ Văn Rựa, trú thôn 3 cho biết, từ ngày đơn vị thi công san lấp con đường độc đạo vào khu sản xuất, hơn 2ha cao su của ông không thể chăm sóc và thu hoạch mủ được. Cả nhà trông chờ vào diện tích cao su này nhưng thu hoạch không được nên rất khó khăn. Nếu không sớm làm đường vào, gia đình ông sẽ không có tiền để duy trì cuộc sống trong mùa mưa này. Tương tự, bà Hồ Thị Hoa ở thôn 4 cũng có 1,5ha keo tràm trong thời kỳ thu hoạch. Bà Hoa cho biết, thương lái đã đặt vấn đề mua số diện tích trên và đặt cọc tiền, nhưng khi khảo sát đường vào thu hoạch, họ rút tiền cọc lại vì không thể đưa phương tiện vào chở gỗ keo ra ngoài được.

Trước những khó khăn của hơn 25 hộ dân có trên 30ha lâm nghiệp ở vùng sản xuất suối Cha Lai, ông Hồ Đức Kiệu, Trưởng thôn 3 và ông Hồ Văn Kều, Trưởng thôn 4 đã kiến nghị lên UBND xã Thượng Nhật với mong muốn có một con đường vào khu vực sản xuất.

Sẽ báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp quyết liệt hơn 

Công trình Thủy điện Thượng Nhật được khởi công xây dựng năm 2006 với diện tích 154ha, tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, công trình vẫn ì ạch qua nhiều lần “sang tên, đổi chủ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật xác nhận, việc hàng chục hộ dân các thôn 3, 4 của xã kêu cứu khi không vào được khu sản xuất chăm sóc và thu hoạch 33ha lâm sản là có. Đỉnh điểm của sự việc là người dân kéo ra đường mang theo các vật dụng chặn đường không cho xe vào công trình tiếp tục thi công. Sau đó, qua vận động, giải thích và hứa hẹn của người đại diện công ty, người dân mới chịu về để xe tiếp tục vào công trình. Xã cũng đã liên hệ làm việc với đại diện của công ty đang quản lý công trình thì họ hứa sẽ làm đường vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2017 vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ngoài ra, công ty đã đo đạc xong diện tích lòng hồ bị ảnh hưởng và áp giá đền bù nhưng đến nay vẫn chưa xong. “Qua khảo sát, chúng tôi còn phát hiện trên công trình có hàng trăm công nhân đang thi công nhưng công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được quan tâm. Công nhân không đào hố mà vẫn vứt bừa bãi rác thải sinh hoạt ra môi trường, xuống sông và phóng uế lung tung. Chúng tôi đã yêu cầu công ty sớm khắc phục những khiếm khuyết trên và phía công ty hứa sẽ làm nhà vệ sinh và thu gom chôn lấp rác thải”- ông Trần Đình Khởi nói. 

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước những phản ánh của UBND xã Thượng Nhật về việc công trình thủy điện Thượng Nhật đang thi công làm ảnh hưởng đến việc đi lại sản xuất của người dân ở khu vực khe Cha Lai, UBND huyện đã có công văn gửi Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đề nghị sớm có kế hoạch mở đường cho người dân thuận lợi đi lại sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thế nhưng đến nay, phía nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện. “Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo công ty nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Nếu phía công ty vẫn chây ì, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh nhằm có biện pháp quyết liệt hơn”- ông Trần Quốc Phụng khẳng định.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Năm 2023 là năm tỉnh và TP. Huế triển khai nhiều dự án (DA) trọng điểm nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là nhiệm vụ quan trọng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tiền đề để năm 2024 hoàn thành công tác GPMB các DA trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
ĐỀ ÁN DI DỜI DÂN CƯ KINH THÀNH HUẾ:
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (DDDC, GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng số hộ bị ảnh hưởng giai đoạn 1 khoảng 5.000 hộ, đến nay TP. Huế đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 2.723 lô, đồng thời tiếp tục huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ giai đoạn II.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II
Return to top