ClockThứ Ba, 03/08/2010 14:32

Nhà điêu khắc Mai Văn với Huế

TTH - Khi nói đến các nhà điêu khắc hiếm hoi đang sống và làm việc ở Huế, giới mỹ thuật thường nghĩ ngay đến một trong những cái tên là Mai Văn (Tên thật là Mai Văn Quấng, sinh năm 1936).

Ông đã có 35 năm gắn bó với Huế với tâm niệm sẽ sáng tạo nên những tác phẩm tốt đẹp cho vùng đất này. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, nhưng ông tâm sự rằng từ nhỏ đã luôn ấp ủ được một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp vùng Núi Ngự, Sông Hương, nghe câu ca “nước non ngàn dặm” hòa trong tiếng chuông ngân từ chùa Thiên Mụ. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông xin vào Quảng Bình công tác khi đất nước còn chia cắt hai miền. Ngày đất nước thống nhất, ông theo cơ quan vào công tác ở Huế. Thế là thành Huế đã níu kéo ông dừng lại an cư lạc nghiệp và sáng tạo đến trọn đời.

Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, ông yêu thích được sáng tác trên những chất liệu bền vững, quý hiếm như: gỗ, đá, đất nung và kim loại. Ông làm cả ba loại tượng: chân dung, tượng đài và tượng trang trí. Nhưng tượng đài phản ánh sự kiện, nhân vật lịch sử là sở trường và cũng là thể loại tâm đắc của ông. Tuy nhiên, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước ngày đầu giải phóng, ông được cơ quan giao nhiệm vụ tạc và đúc nhân bản tượng chân dung Bác Hồ để đáp ứng nhu cầu trang trí khánh tiết ở các nơi công cộng, trụ sở cơ quan, hội trường và văn phòng.
 
Về tượng đài, nhà điêu khắc Mai Văn được ghi nhận đầu tiên là tượng đài cao 2,1m do Liên hiệp hợp tác xã Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp đầu tư đúc đồng, trưng bày tại triển lãm thủ công mỹ nghệ toàn tỉnh lần thứ nhất tại Cung An Định. Ngoài ra còn có một số tác phẩm tiêu biểu khác như: Cụm tượng đài nghĩa trang Hương Thủy; Tượng đài Du kích thôn Niêm, huyện Phong Điền; hai cụm quần thể kiến trúc điêu khắc: biểu tượng Nhà máy dệt Huế và Nhà máy sợi chất lượng cao Phú Bài; Tượng Phật đài Quan âm cao 14m trên núi Tứ Tượng; Tượng Phật Di lạc ngồi cao 7m trên núi Ngũ Phong tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân... Trong đền Huyền Trân còn có 3 pho tượng đồng cao 2,1m đó là đức vua Trần Nhân Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân Công Chúa từ nghiên cứu và phỏng tác của ông. Nhà điêu khắc Mai Văn đã nghiên cứu rất kỹ về lịch sử, văn hóa và những gì liên quan đến các nhân vật lịch sử khi làm các tượng này, bởi ông muốn làm nên tác phẩm có phẩm chất Huế trong cốt cách, dung mạo của các nhân vật.
 
 

Biểu tượng Nhà máy sợi Phú Bài - Huế (chất liệu bê tông)
 
Theo ông, được tham gia tạo dựng nên công trình văn hóa mang màu sắc tâm linh này là cả một sự tự hào và cũng là điều kiện để ông thể hiện sự tri ân sâu sắc đến các vị tiền nhân thánh hiền. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng về các đề tài khác và nhiều tác phẩm đã được giải thưởng Mỹ thuật mà đáng chú ý là hai tác phẩm: Chân dung Đặng Huy Trứ Giải Tặng thưởng triển lãm Mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006 và tác phẩm 11 cô gái sông Hương (Phù Điêu), được traoBằng khen triển lãm Mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang Chiến tranh Cách mạng năm 1999.  
 
Tác phẩm Chân dung Đặng Huy Trứ hiện đặt tại trường THPT mang tên Đặng Huy Trứ - Huế và được dư luận, giới nghệ sĩ đánh giá cao ở giá trị nghệ thuật, tính nhân văn và sự biểu đạt cốt cách của nhân vật. Để đạt được kết quả đó ông phải mất rất nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu quá trình hoạt động văn hóa của Đặng Huy Trứ ở quê nhà và trong triều đình Nguyễn. Từ những bức vẽ chân dung khi nước ta chưa có nghề chụp ảnh, đến những bức ảnh chụp tượng chân dung mà các điêu khắc gia đã làm từ trước và nhất là từ những gương mặt tôn tử hậu duệ của Đặng Huy Trứ đang sống mà ông có dịp tiếp xúc, quan sát, nghiên cứu để xây dựng nên chân dung nhân vật.
 
 

Chân dung Đặng Huy Trứ - tượng đồng
 
Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Mai Văn luôn có tác phẩm trưng bày trong các triển lãm do hội địa phương và trung ương tổ chức. Ông cũng có những băn khoăn, tâm huyết rằng lực lượng điêu khắc Huế ngày một hùng mạnh hơn về số lượng, đó là điều rất đáng mừng nhưng hiện nay chất lượng nghệ thuật vẫn chưa cao. Hiện nay tuổi đã cao, nghề điêu khắc hoành tráng lại là nghề không thể làm một mình, phải có học trò và cộng sự. Vì thế ông muốn từ kinh nghiệm nghề nghiệp tích lũy cả cuộc đời, sẽ mở được lớp đào tạo nên các nhà điêu khắc tương lai. Căn xưởng nhỏ của ông hiện nay chính là nơi anh em văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới đàm đạo, nắm bắt thông tin trao đổi nghề nghiệp và cũng là nơi không ít sinh viên khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Huế đến thực hành nâng cao tay nghề, vừa củng cố kiến thức và có thêm thu nhập. Ông cho biết, đa số các em từ sinh viên còn yếu các năm đầu, khi tham gia ở xưởng của ông đều có tiến bộ rõ rệt ở năm sau và ở bài thi tốt nghiệp. Có em được nhà trường giữ lại làm giảng viên, có em ra đời mở hẳn cho mình một xưởng điêu khắc. Nhiều em có những tình cảm gắn bó với ông, với xưởng điêu khắc Mai Văn như gia đình vậy.
 
 

Phù điêu mười một cô gái sông Hương - chất liệu compozit
 
Hầu như cả gia đình nhà điêu khắc Mai Văn đều làm nghệ thuật, con gái đầu tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, con trai tốt nghiệp khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường đại học Mỹ thuật Huế, thế nhưng không có ai theo nghề điêu khắc của ông, bởi như ông nói đùa, bằng trải nghiệm của bản thân thì: “Điêu khắc là điêu đứng và khắc khổ quá”. Dẫu vậy ông vẫn khát khao đủ sức lực để tiếp tục cống hiến với nghệ thuật điêu khắc mà ông đã đeo đuổi gắn bó, sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm tâm hồn xứ Huế. 
 
Chính từ sự yêu nghề và miệt mài không ngừng sáng tạo mà khi nói đến điêu khắc ở Huế, tên của ông - nhà điêu khắc Mai Văn -  mọi người nhớ ngay một con người giản dị, sống chân thành và gần gũi, ông luôn được anh em mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật nhắc đến với cả một sự trân trọng.
                                                                          
 
La Thị Như Quỳnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top