ClockChủ Nhật, 14/02/2016 22:44

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan ra đi khi công trình còn dang dở

TTH.VN - Ông qua đời ở tuổi 77 khi Công trình nghiên cứu “Danh và hiệu các vua triều Nguyễn” vẫn chưa hoàn thiện.

Khoảng 13h ngày 14/12, Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng (28/5 Cao Bá Quát, TP.Huế) sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Nhà Nghiên cứu Hồ Tấn Phan và gốm

Ông sinh năm 1939 trong một gia đình trí thức, được ăn học tử tế rồi theo nghiệp dạy học. Đến năm 1977, ông xin "nghỉ hưu non" vì lý do sức khỏe. Ông là Nhà nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử được cả nước biết đến và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Huế.

Hơn 30 năm nghiên cứu, ông sưu tầm cho mình hàng trăm cổ vật về văn hóa, lịch sử tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt có những cổ vật nằm sâu dưới đáy sông Hương. Bên cạnh những món đồ gốm có niên đại lên hàng trăm năm, trong bộ sưu tập đồ sộ của ông có cả những cổ vật từ thời Đông Sơn, Champa… và các triều đại, Lý, Trần, Lê…

Ngoài sưu tầm đồ cổ, hiếm có người nào mê sách như ông. Ông có một kho thư tịch đồ sộ với trên 10.000 đầu sách. Trong đó, có nhiều sách quý mà chỉ cần điểm qua ai cũng phải ngưỡng mộ, như: Souvenirs d’Hué của M. Đức Chaigneau bản in đầu tiên tại Paris năm 1867, các châu bản giai đoạn “bốn tháng ba vua” (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) có chữ ký của các hoàng tử trình triều đình để phế vua và lập vua mới, Đại Nam thực lục từ thời Đồng Khánh đến Khải Định chép tay trên giấy bổi, bộ bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm được in trên giấy bồi vào thế kỷ XVIII.... 

Tháng 5/2015, Ông Hồ Tấn Phan hiến tặng Ủy ban Biên giới quốc gia bản sao bộ chính sử của triều Nguyễn do Đại học Kieo (Nhật Bản) sưu tầm, ấn hành. Bộ chính sử này, Đại học Kieo (Nhật Bản) đã dành tới 21 năm nghiên cứu, sưu tầm và sao chụp nguyên dạng Đại Nam thực lục in bằng mộc bản gồm hơn 550 quyển, gần 33.000 trang. Sau đó họ tổ chức in tại Nhật Bản thành 20 tập, 8.131 trang.

Sự ra đi của Nhà Nghiên cứu Hồ Tấn Phan để lại tiếc nuối và mất mát cho giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế nói riêng và người dân Huế nói chung.

Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top