ClockThứ Tư, 18/01/2023 14:09

Nhà Nguyễn làm lịch như thế nào?

TTH.VN - Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người, các vụ mùa có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Lịch treo tường từ tranh làng SìnhTái hiện Lễ Ban Sóc triều NguyễnLễ Ban sóc qua mấy bài thơ của vua NguyễnCông bố Festival Huế 2023 và tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn

Hàng năm, sau khi soạn lịch xong, bước tiếp theo là thực hiện nghi lễ Ban Sóc (phát lịch) cho dân chúng và các cơ quan nhà nước sử dụng.

Quy cách làm lịch

 

Sân khấu hóa lễ Ban Sóc được tổ chức ở cổng Ngọ Môn 

Sau khi thiết lập lại vương triều, cùng với đó là hoàn thành thống nhất đất nước. Triều Nguyễn đã cho thiết lập các cơ quan chuyên trách về thiên văn, dự báo thời tiết, chiêm nghiệm các hiện tượng của tự nhiên, làm lịch, chọn các ngày tốt để cử hành các việc trọng đại của triều đình.

Sử cũ xác nhận: “Kính định chức vụ của Khâm Thiên giám: phải tính toán cho biết độ sai của từng năm, tính cho đều để cho khí tiết vừa đúng làm thông lịch để thì giờ làm ăn đúng, coi dáng mây để báo trống canh”. Ở các tỉnh đặt Ty Chiêm hậu, cũng có chức năng tương tự như Khâm Thiên giám.

Những năm đầu thời Gia Long, lịch này được gọi là Vạn Toàn lịch. Nhưng đến năm Gia Long thứ 11 (1812) nhà vua cho đổi Vạn Toàn lịch làm Hiệp Kỷ lịch. Lịch Hiệp Kỷ là lịch chép ngày tháng trong mỗi năm theo can, chi, có chia các tiết, các mục. Hàng năm làm lịch đến tháng 5 âm lịch thì hoàn thành bản thảo, loại lịch chép tay, chỉ làm duy nhất một cuốn gọi là Ngự Dụng lịch để dâng Vua, “Quan lịch” là lịch dùng cho các quan và “Dân lịch” ban phát xuống các làng xã. Ngoài ra còn có ấn bản đặc biệt chỉ để thờ tại các miếu trong Đại nội như Thái miếu, Thế miếu… gọi là “Long phụng lịch”. Bên cạnh đó, mỗi năm Khâm Thiên Giám còn làm ra nhiều loại lịch khác như: “Thất chính kinh vĩ hành độ”, “Thất chính ngự lịch”, “Vạn Niên Thọ”…

Đối với các địa phương trong nam ngoài bắc. Hàng năm vào ngày mồng 1 tháng 12, quan hai tỉnh Hà Nội và Gia Định mặc triều phục đến triều đình Huế bái vọng để nhận bản mẫu của lịch. Sau đó những quyển lịch được hai tỉnh này in ra để phát về các địa phương lân cận. Đối với các quyển lịch bìa vàng có các dấu ấn thì vẫn do triều đình gửi đến sau để đóng.

Về Khâm Thiên Giám thành lập năm 1805, đặt ở phường Nam An trong Kinh thành, tại vị trí gần Quan Tượng Đài để tiện làm việc. Mãi đến năm 1918, Khâm Thiên Giám mới dời đến vị trí về khu Học Bộ, đây là cơ quan chuyên trách việc xem thiên văn để báo điềm lành điềm dữ, dự báo thời tiết và làm lịch.

Quan Tượng Đài là đài quan sát khí hậu, thủy văn tọa lạc trên pháo đài Nam Minh ở góc Tây Nam Kinh thành, phục vụ làm lịch, dự báo thời tiết do Khâm Thiên Giám điều hành, trên đài có dựng Đình Bát Phong và cây cờ để xem chiều gió.

Những bộ óc bác tiệp, mẫn thời

Từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Việt Nam đã tiếp thu được tri thức thiên văn học phương Tây qua con đường tiếp cận với người Pháp và gián tiếp từ thư tịch của Trung Quốc. Năm 1804, quân tàu Long Phi là Nguyễn Văn Thắng (Jean-Baptiste Chaigneau - người Pháp làm quan dưới triều vua Gia Long) dâng nhà vua hai quyển sách trong đó có sách thiên văn học Thiên chỉ minh yếu luận.

Trương Quốc Dụng – Kiêm quản Khâm Thiên giám từ năm 1857 – 1862 (nguồn: Trưng bày tại di tích Tàng Thư lâu)

Đầu thế kỷ XIX, người có công lớn trong việc ứng dụng thiên văn học phương Tây vào nước ta là Nguyễn Hữu Thận. Ông quê ở Hải Lăng (Quảng Trị) từng làm tới chức Thị lang triều Tây Sơn, sau ra làm quan với nhà Nguyễn. Ông đã trải qua các chức vị trọng yếu: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, kiêm quản Khâm Thiên giám dưới hai triều Gia Long, Minh Mệnh.

Chính sử nhà Nguyễn ghi nhận cống hiến to lớn của Nguyễn Hữu Thận với ngành lịch pháp của Việt Nam trung đại. Theo ông, hơn 300 năm trước, dựa vào quyển Đại thống lịch pháp của nhà Minh, nước ta đã làm lịch Vạn Toàn. Từ bấy đến nay, quá lâu chưa đổi lại.

Bên Trung Quốc, nhà Thanh cũng soạn quyển Thời hiến thư theo Đại thống lịch pháp. Nhưng đến triều Khang Hy (nhà Thanh), khoảng nửa sau thế kỷ XVII, nhà Thanh đã áp dụng cách tính lịch của phương Tây để viết lại Đại Thanh lịch tượng khảo thành thư. Nguyễn Hữu Thận đánh giá các nguồn lịch pháp mới này: “Về phép đo lường suy tính rất rõ ràng, so với sách Đại thống, càng kỹ lưỡng hơn mà phép tính tam tuyên, bát giác tinh diệu, xin giao cho Khâm Thiên giám, bảo các sinh viên về môn Thiên văn xem xét cách tính, thì độ số của Trời được đều mà tiết hậu được đúng vậy”.

Nguyễn Hữu Thận phát hiện ra cách tính lịch theo kiểu phương Tây trong thời gian ông đi sứ sang Trung Quốc. Chuẩn theo lời đề nghị của Nguyễn Hữu Thận, vua Gia Long và các vua kế vị tiếp theo đã cho Đại Thanh lịch tượng khảo thành làm tài liệu giảng dạy cho các Thiên văn sinh ở Khâm Thiên giám.

Kế sau Nguyễn Hữu Thận, Trương Quốc Dụng cũng rất giỏi về lịch pháp. Nhà Nguyễn trân trọng những đóng góp quan trọng của ông: “…Tương truyền nhà làm lịch bị thất truyền, Quốc Dụng làm Quản lĩnh Khâm Thiên giám hàng ngày truyền dạy cho, đến nay mới nối được nghề học ấy” .

Trong Khâm Thiên giám cũng có một số người giỏi thiên văn như Linh đài lang Nguyễn Huy Hổ của triều Minh Mệnh “giữ việc liệu đoán khí hậu, suy tính độ mặt Trời, mặt Trăng, ngôi sao. Nghiệm tượng trời để bảo dân làm ăn”. Kế đến, Trương Quốc Dụng, trải qua ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức rồi lên đến Thượng thư bộ Hình kiêm quản Khâm Thiên giám. Ông vốn là người “học rộng lại rất tài về thiên văn học”.

Khâm Thiên giám dưới sự chỉ đạo của ông đã đi vào nền nếp hoạt động quy củ và khoa học. Năm 1875, Khâm Thiên giám chiêu sinh, mở lớp dạy hai chuyên nghành Lịch pháp và Thiên văn. Học sinh mỗi chuyên nghành đều học trong ba năm. Nhìn chung, nội dung dạy và học là những tri thức khoa học của phương Tây.

Bên cạnh đó, trong Khâm Thiên giám cũng có một số người giỏi thiên văn như Linh đài lang Nguyễn Huy Hổ của triều Minh Mệnh “giữ việc liệu đoán khí hậu, suy tính độ mặt Trời, mặt Trăng, ngôi sao. Nghiệm tượng trời để bảo dân làm ăn”. Kế đến, Trương Quốc Dụng, trải qua ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức rồi lên đến Thượng thư bộ hình kiêm quản Khâm Thiên giám. Ông vốn là người học rộng lại rất tài về thiên văn học.

Quan Tượng Đài hiện nay

Một bộ máy chuyên nghiệp được vận hành dưới sự chỉ đạo của những bộ óc bác tiệp, mẫn thời là yếu tố tiên quyết để những kiến thức Thiên văn học phương Tây du nhập vào Việt Nam đi theo đường quan phương sẽ được ứng dụng thuận lợi và nhanh chóng hơn trong cuộc sống.

Chính vì thế, trong hơn 10 đầu sách công cụ của Khâm Thiên giám có nội dung tân thư chiếu tỷ lệ không nhỏ như: Ngự chế lịch tượng khảo thành, Vật lý tiểu chí, Địa cầu thuyết thư… Trong hệ thống “Nghi khí” gần 40 loại, có nhiều thiết bị nhập của phương Tây: “phong vũ hàn thử biểu của Tây dương”, “Kính hiển vi”, “Địa bàn của Tây dương”, “bộ đo bóng mặt trời dáng tròn bằng than của Tây dương”.

Thiết bị hỗ trợ việc xem thiên văn và dự báo thời tiết

Để hỗ trợ cho công việc của Khâm Thiên giám, triều Nguyễn có trang bị các dụng cụ như chậu hứng nước mưa, cây đo bóng mặt trời, phong vũ hàn thử biểu của Tây dương, hàn thử biểu hạng nhỏ, hạng trung của Tây dương, đồ bản thiên văn nhật lịch, thiên văn tinh tú, ống nhòm bằng thau, bàn xem hướng gió...

Những phán đoán, tâu báo của Khâm Thiên giám đúng trong nhiều trường hợp, tính toán được ngày giờ nhật thực, nguyệt thực để trình lên vua từ trước đó hàng tháng và thông báo cho địa phương nơi sẽ xảy ra hiện tượng biết để theo dõi, quan sát, báo cáo về triều đình. Nhưng cũng có lúc sai, bị vua nhắc nhở, quở phạt.

Như vậy, mặc dù hấp thụ phần nào kiến thức thiên văn của phương Tây qua sách Trung Hoa, biết quả đất tròn, tính được vĩ độ các tỉnh thành, xác định được thời gian nhật thực, nguyệt thực nhưng lúc bấy giờ Khâm Thiên giám triều Nguyễn vẫn chưa vén được bức màn huyền bí che phủ các thiên tượng. Chính vua Minh Mạng, một người tự nghiên cứu thiên văn tới trình độ chỉ ra được chỗ sai trong tính toán của các quan Khâm Thiên giám, cũng phải thừa nhận “thiên văn vốn là việc huyền diệu”.

Lễ Ban Sóc (phát lịch)

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch tại Kinh đô do Bộ Hộ đứng ra tổ chức, tại các địa phương trong toàn quốc thì do địa phương quản theo lệ cấp phát Quan lịch cho các quan viên.

Về lễ Ban Sóc, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), quy định: “…Từ nay làm lễ Ban Sóc, trước một ngày, người giữ việc bày đặt án vàng, bàn vàng ở trước cửa Ngọ Môn. Đến sáng sớm ngày hôm ấy, các quan điều mặc triều phục theo ba đứng trực ngoài cửa Ngọ Môn, quản lý Khâm Thiên giám đại thần đem thuộc viên vào làm lễ dâng lịch. Vâng chỉ vua tuyên bố ban lịch. Các quan trong và ngoài làm lễ thụ sóc, đúng như nghi tiết. Quản lý đại thần đem thuộc hạ rước án vàng đến thềm điện Cần Chánh. Một viên Khâm Thiên giám bưng hòm lịch vẽ rồng, trao cho viên Nội Các, chuyển giao cho cung giám tiến vào nội cung. Một viên bộ Lễ, một viên Khâm Thiên giám tới viện Tả Đãi Lậu, đưa lịch vẽ rồng do của Tiên thọ chuyển dâng. Một viên bộ Hộ, một viên Khâm Thiên giám, đưa cái bàn vàng để lịch công đến nhà Duyệt Thị chuyển dâng. Ngày hôm ấy, các quan văn võ đều đến viện Tả Đãi Lậu lĩnh phần lịch công hạt mình, cấp phát cho các xã dân trong kinh kỳ”.

Nhìn chung, ngày xưa, các triều đại phong kiến rất coi trọng, cẩn thận khi làm lịch và ban lịch hàng năm. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp nên đòi hỏi soạn lịch phải nghiên cứu, khảo sát và ghi chính xác các vấn đề diễn biến về thời tiết. Nhà nông từ bao đời nay thường dựa vào các khí tiết trong năm để định liệu gieo trồng, cày cấy. Như chúng ta đã biết có 24 tiết khí hàng năm như: Đông chí (giữa đông), Tiểu hàn (chớm rét), Đại hàn (rét đậm), Vũ thủy (ẩm ướt), Kinh trập (sâu bọ nở)…

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện lễ Ban Sóc qua hình thức sân khấu hóa với hình thức, nghi tiết như thời xưa tại Ngọ Môn. Nhằm thể hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách cùng người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới với nhiều hy vọng đang gần đến.

Đến đầu thế kỷ XX, Khâm Thiên giám được chuyển về phường Trung Tích, trong Kinh thành. Theo Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu: “Năm Khải Định thứ 3, dời Khâm Thiên giám đến chỗ Y Sở (Sở y dược) trước” (tức địa phận phường Trung Tích, dưới thời Nguyễn, vị trí hiện nay - số 82 đường Hàn Thuyên, thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo NNC Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế: Khâm Thiên Giám trước kia được đặt ở phường Nam An trong Kinh thành, tại vị trí gần Quan Tượng Đài để tiện làm việc. Mãi đến năm 1918, Khâm Thiên Giám mới dời đến vị trí hiện tại.

ANH TUẤN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, với ông Nguyễn Văn Lịch (xã Phong Thu, Phong Điền), mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm vui lao động khi tuổi đã cao.

Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
Số hóa trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu triển khai mang lại hiệu quả nhất định, thiết thực.

Số hóa trong nông nghiệp
Đàn Sơn Xuyên - Dấu xưa còn lại

Ít ai biết, trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc ở 245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế có đàn tế thần sông núi còn lại duy nhất trong cả nước hiện nay - đàn Sơn Xuyên.

Đàn Sơn Xuyên - Dấu xưa còn lại

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top