ClockChủ Nhật, 14/02/2021 13:42

Nhà thiết kế trẻ đam mê cổ phục Huế

TTH - Quê Bến Tre nhưng nhà thiết kế Trần Nguyễn Trung Hiếu có mối liên hệ đặc biệt với Huế từ đam mê may cổ phục. Sản phẩm của anh trở thành “thương hiệu” trong mắt các nhà nghiên cứu cổ phục.

Thiết kế thời trang Huế nuôi dưỡng đam mêHuế cần một trung tâm lễ phục truyền thống

Nghệ nhân trẻ Trần Nguyễn Trung Hiếu

“Tiếng lành đồn xa”

Khoe chiếc áo ngũ thân bằng vải sa với khách trong vườn Ý Thảo, nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Xuân Hoa tấm tắc: “Áo này gần như đạt chuẩn của một chiếc áo dài ngũ thân truyền thống. Để may trang phục này, kỹ thuật may phải tinh tế, khó nhất là may lớp trong và lớp ngoài ăn khớp với nhau, tạo nên dáng áo mềm mại nhưng lại chững chạc, che được khuyết điểm”. Điều bất ngờ hơn, người may chiếc áo sắc sảo này là Trần Nguyễn Trung Hiếu, một nhà thiết kế (NTK) trẻ ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hoa kể, Tết Nguyên đán năm trước, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thấy tôi mặc chiếc áo dài đẹp, anh Thọ nhờ tôi giới thiệu đặt may áo ngũ thân. Chiếc áo dài Trung Hiếu may được Chủ tịch UBND tỉnh mặc tại Hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” hồi tháng 7/2020, nhận được nhiều lời khen ngợi của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu.

Hoa văn, họa tiết trên áo ngũ thân và áo Nhật bình được nghệ nhân thêu tay tỉ mỉ

Mới đây, khi tham gia tọa đàm “Phục hưng Quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống đã giới thiệu tên tuổi NTK Trung Hiếu như một cách khẳng định và gửi gắm niềm tin trong công cuộc phục hồi cổ phục.

Không cửa hàng, không quảng cáo rộng rãi, chỉ với bàn tay tài hoa và niềm đam mê của mình, Trung Hiếu đã tạo ra các trang phục đạt chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cao, được khách hàng trong, ngoài nước đặt may. Anh cũng là người may áo dài ngũ thân cho đại sứ Phạm Sanh Châu (Bộ Ngoại giao) mặc trong các hoạt động ngoại giao quốc tế.

Say mê

Sinh năm 1991, từ nhỏ Trần Nguyễn Trung Hiếu  đã yêu thích thủ công mỹ nghệ. Khi theo học ngành mỹ thuật công nghiệp ở Trường ĐH Văn Lang, Hiếu ý thức hơn về bảo tồn văn hóa. Anh may mắn được gặp các nhà nghiên cứu cổ phục, có cơ hội tiếp xúc với những chiếc áo dài xưa nguyên bản và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của áo ngũ thân, áo Nhật bình.

Áo dài của nghệ nhân Trung Hiếu được làm thủ công đến 80%

Hiếu kể: “Nhìn chiếc áo, tôi thán phục trình độ thẩm mỹ đỉnh cao của các nghệ nhân xưa, được thể hiện ở kỹ thuật dệt, cắt may, thêu thùa, kim hoàn... Mọi thứ như được chăm chút đến hoàn hảo. Theo ngôn ngữ thời trang bây giờ, kỹ thuật này được xếp vào loại may đo cao cấp. Ban đầu, tôi tìm các nhà may ở Sài Gòn giúp tái hiện lại chiếc áo xưa nhưng không ai may được. Tôi đành mày mò tự làm thử rồi dần say mê may cổ phục lúc nào không hay”.

Áo dài của Hiếu được làm thủ công đến 80%, như những mũi đột tay, viền nẹp áo, thùa khuy áo... Trung Hiếu luôn tuân thủ nguyên tắc may đúng nguyên bản ngày xưa, bởi với anh, áo dài ngũ thân truyền thống của người Việt vốn đã đẹp. Nó không đơn giản là tấm áo, mà là bảo vật dân tộc.

Tỉ mỉ

Anh chia sẻ: “Tôi chỉ là người phỏng dựng lại kiểu áo dài xưa, làm cho sản phẩm giống với những hiện vật nguyên bản hết mức có thể, từ vải vóc, cách cắt cho đến đường may. May mắn là tôi được gặp những người có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng như NNC Trịnh Bách, NNC Trần Đình Sơn. Họ giúp tôi hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn cũng như phong tục, lễ giáo của người Huế. Không riêng tôi mà ai làm y phục cung đình nghiêm túc thì sản phẩm làm ra sẽ mang trong mình một chút gì đó rất Huế”.

Nghiêm túc với nghề

Tự nhận mình là dân “tay ngang”, từ chiếc áo đầu tiên may thử cho người bạn vào năm thứ 3 đại học còn lắm vụng về, Hiếu mất gần 10 năm nghiên cứu, học hỏi, thử nghiệm để hoàn thiện kỹ thuật… Quá trình ấy không ít khó khăn nhưng đam mê khiến anh luôn bị cuốn hút bởi những giá trị thẩm mỹ truyền thống. Đó là cố gắng lớn suốt thời gian làm nghề bằng thái độ nghiêm túc.

 “Tôi nghĩ, khi phục hồi những sản phẩm văn hóa cổ truyền, quan trọng nhất là phải nghiêm túc, thận trọng, không được tùy tiện để hồi sinh những giá trị thẩm mỹ, sự tinh xảo trong kỹ thuật đã mai một. Việc may cổ phục cũng cần kiên trì và đủ đam mê, am hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa. Tôi chưa bao giờ dám xem công việc mình đang làm là một sứ mệnh, chỉ đơn giản là xuất phát từ đam mê. Tình yêu với vẻ đẹp văn hóa Việt giúp tôi vững tin với điều mình chọn”, nghệ nhân trẻ bộc bạch.

Để hoàn chỉnh một chiếc áo như xưa, từ khâu chọn vải đến lúc cắt may đều được Hiếu làm nghiêm túc, kỹ lưỡng, nhất là khâu hoàn thiện từ những khuy cài, đường viền áo... Điều khiến nhà thiết kế trẻ trăn trở là nguyên liệu may áo dài ngũ thân đúng nguyên bản khi những hàng dệt xưa gần như không còn.

Là người hỗ trợ cho Hiếu nguồn tư liệu văn hóa, lịch sử, NNC Trần Đình Sơn nhận xét: “Tôi rất mừng khi biết ở Sài Gòn có một thanh niên say mê văn hoá mỹ thuật triều Nguyễn. Hiếu có trình độ chuyên môn cao về mỹ thuật lại rất khiêm tốn học hỏi nên tiến bộ nhanh về tay nghề và kiến thức. Gia đình tôi cũng nhờ Hiếu may các loại áo dài theo kiểu Huế xưa, Hiếu may đúng kiểu cách rất đẹp, sắc sảo và chỉn chu từng đường kim, mũi chỉ”.

Bài: Minh Hiền - Ảnh: Nhân vật cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Đam mê vượt lên bệnh tật

Giữa tháng 12 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra giải đấu Vietnam Powerlifting Competition (VPC) 2023. Giải đấu có sự góp mặt của nhiều vận động viên trên toàn quốc, trong đó có đội tuyển Powerlifting đến từ Huế, do anh Nguyễn Thanh Vỹ (1997) dẫn dắt. Rời Sài Gòn, các bạn trẻ Cố đô mang theo vinh quang trở về khi cả 4 thành viên đều giành được huy chương. Trong đó, phải kể đến vận động viên (VĐV) Hoàng Trần Trọng An (1999) khi mà mới hơn 2 năm trước, VĐV này vẫn còn tuyệt vọng vì thoát vị đĩa đệm nặng, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Đam mê vượt lên bệnh tật
Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

Tại Lễ trao Giải thưởng “L’ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung gây ấn tượng với hình ảnh “rất Huế” khi thuyết trình với quan khách về đề tài nghiên cứu liên quan đến tiềm năng và ứng dụng những cây dược liệu đặc hữu ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L’ORÉAL - UNESCO vinh danh năm 2023.

Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

TIN MỚI

Return to top