ClockThứ Hai, 13/12/2010 19:54

Nhà thơ Hải Kỳ vượt qua cuộc đại phẫu hiểm nghèo

TTH - Tôi không thể nào tả hết nỗi sự vui mừng của mình khi người bạn thân yêu vượt qua cơn đại phẫu thuật thực quản ngày 30/11/2010 tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Hồi hộp, lo lắng và cả nỗi lo sợ. Mổ cắt 8cm thực quản (tức cắt gần hết thực quản) do bị di căn ung thư, kéo dạ dày lên thay thực quản là ca mổ khó, cực kỳ nguy hiểm, được xác định là đại phẫu. Một kíp bác sĩ giỏi nhất của Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện TW Huế do bác sĩ - PGS - Tiến sĩ Lê Lộc, Trưởng khoa trực tiếp mổ đã thực hiện đến hơn 5 tiếng đồng hồ liền. 7 giờ 30 sáng, tôi và Lý (vợ Hải Kỳ) theo nhà thơ lên tầng 4, khu nhà 7 tầng là nơi mổ. Tiễn bạn vào phòng mổ cách ly, bắt tay bạn, tôi không sợ không dám nhìn vào mắt… Đến 13 rưỡi chiều ca mổ mới xong… Cả gia đình nhà thơ thở phào!

Hải Kỳ, Hội viên Hội Nhà văn VN là nhà thơ được bạn đọc mến mộ, là bạn học cùng lớp cấp 3 trường huyện ở Quảng Bình hồi trẻ với tôi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty… Giữa năm 2010, Hải Kỳ bị đau răng đi nhổ ở Bệnh viện Cu Ba, Đồng Hới. Các bác sĩ thấy máu ra ở lưỡi nhiều quá, xét nghiệm thì nghi ung thư lưỡi. Đã dính vào ung thư, gần như là bản án tử hình đã tuyên đọc. Nên Hội Văn nghệ Quảng Bình khuyên gia đình nên đưa Hải Kỳ ra Bệnh viện K Hà Nội để khám và mổ, vì trình độ và điều kiện kỹ thuật tốt hơn. Nhà thơ Lê Xuân Đố, một nhà thơ nổi tiếng người Đồng Hới ở Sài Gòn thì điện bảo: “Phải vào Sài Gòn mổ, vì trong này bác sĩ có trình độ, thiết bị tốt, lại không tiêu cực như miền Bắc”. Nhưng Hải Kỳ chỉ thích đi Huế mổ vì ở đó có những người bạn thân đang sống. Huế là đất Hải Kỳ đã sinh ra và sống năm năm liền trong lòng ba mẹ. Năm 1954, mẹ Hải Kỳ dắt hai con ra thăm nội, sông Hiền Lương đóng tuyến không vô được, ở lại Đồng Hới. Hải Kỳ cũng có 4 năm học đại học ở Huế, một thời trai trẻ thơ phú say mê. Vào Huế, Bệnh viện TW Huế khám lại và xác định là ung thư lưỡi thật. Thế là vào viện xạ trị. Một ngày hai lần phải chui đầu vào một cái máy bắn tia vào cổ để phá hủy khối u ở chân lưỡi. Hai tháng ròng, bác sĩ - tiến sĩ - nhà thơ Phạm Nguyên Tường, phó khoa Ung bướu, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế trực tiếp điều trị cho Hải Kỳ. Sau hai tháng xạ trị được ra viện về nhà bồi dưỡng hai tháng sau sẽ vào tái khám…


Nhà thơ Hữu Thỉnh vào Bệnh viện TW Huế thăm nhà thơ Hải Kỳ
 
Tôi lo quá, nên dịp ra Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, đã đề nghị anh Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Hội Nhà văn Việt Nam phải hỗ trợ để làm một bộ phim chân dung Hải Kỳ, kẻo sau này sức khỏe Hải Kỳ ngày mỗi yếu, nằm một chỗ, căn bệnh lại hiểm nghèo”. Nhà văn Hữu Thỉnh, một người lãnh đạo văn nghệ rất tận tình với hội viên, đồng ý hỗ trợ kinh phí để Ngô Minh làm phim về Hải Kỳ. Tôi bàn với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (HVTV), nơi có kinh nghiệm làm phim chân dung văn nghệ sĩ, nơi tôi đã cộng tác làm nhiều phim chân dung trong mấy chục năm qua, làm phim chân dung Hải Kỳ. HVTV đồng ý. Tôi viết kịch bản và lời bình, làm văn thư có xác nhận của HVTV để Hội Nhà văn Việt Nam hỗ trợ tiền. Công việc sốt sắng, gấp gáp, chạy đua với thời gian. Mọi việc xong xuôi, chúng tôi đã lên kế hoạch ra Đồng Hới quay phim thì Hải Kỳ vào Bệnh viện TW Huế tái khám. Các bác sĩ lại xác định: Ung thư lưỡi đã đỡ, nhưng ung thư đã “nhảy” xuống thực quản, nên Hải Kỳ bị nghẹn nặng, không ăn cơm được, chỉ ăn hồ (cháo xay). Khối u đã lan đến gần hết thực quản. Qua hội chẩn các bác sĩ quyết định mổ cắt 8cm thực quản. Tôi rùng mình vì chưa từng thấy ai bị cắt gần hết thực quản như thế. Ôi cuộc sống con người thật mong manh làm sao…
 
Đêm không ngủ được, tôi miên man suy nghĩ. Phải có một bộ phim chân dung Hải Kỳ, người đã viết ra những câu thơ rất tài hoa phải được độc giả hiểu về cuộc đời, chân dung anh: trời xanh kia như xanh vội theo ngày... Nếu mà tôi chẳng gặp em / Làm sao tôi biết chiều êm mặt hồ/ Không gian lên núi tôi chờ/ Thời gian xuống nhẹ như tờ thư rơi… Cứ như thế im lìm pho tượng / Tay chìa xin như đá, cỏ và cây / Ở đâu đó trên đời điều sung sướng / Đóng đinh niềm đau khổ với người đây… Trắng như là chẳng có gì / Trắng như là buổi người đi không về…Tôi rơi vào cuối ngọn nồm / Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi…
 
Cách ngày mổ 4 ngày, tôi bàn với Hải Kỳ cố gắng tham gia quay một số cảnh phim trong đó có nhân vật chính tham gia đi lại, đọc thơ, trao đổi với bạn bè để làm cái đinh của bộ phim, vì có khi sau mổ Hải Kỳ lâu ngày mới đi đứng, bình phục được. Đó là chưa nói rủi ro cuộc đời. Rồi các cảnh quay khác sẽ quay ở Đồng Hới, Nhật Lệ, ghép vào sau. Vợ chồng Hải Kỳ đồng ý. Thế là tôi, đạo diễn Trọng Dụng và anh em quay phim, kỹ thuật ở HVTV đã mời một số nhà văn, nhà thơ như Hồng Nhu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Mai Văn Hoan, Đông Hà, Nhất Lâm ở Huế gặp gỡ, nói chuyện với Hải Kỳ để quay phim. Nhà của tôi thành “trường quay”, cộng thêm với các địa danh như đồi Thiên An, bờ sông Hương, Trường Hai Bà Trưng, lò rượu Hiếu… nơi Hải Kỳ đã từng có những xúc cảm thơ những năm 80 của thế kỷ trước… Tôi không ngờ hai buổi sáng quay phim ấy, bệnh nhân ung thư sắp đại phẫu Hải Kỳ bỗng nhiên khỏe khoắn, sinh động. Đi đứng, đọc thơ, phát biểu rất rõ ràng, mạch lạc… Dường như có bạn bè thân thiết bên cạnh, Hải Kỳ đã quên mất bệnh tật, say sưa, hứng thú như mọi khi… Rồi khán giả xem truyền hình cả nước sẽ được xem bộ phim chân dung HẢI KỲ - SỐNG HẾT MÌNH, THƠ HẾT MÌNH trên sóng truyền hình VTV1 trong ít tháng nữa.
 
Bây giờ thì Hải Kỳ đã qua cuộc phẫu thuật sinh tử được 13 ngày rồi. Sau 7 ngày nằm trong phòng cấp cứu hồi sức sau mổ, Hải Kỳ đã về điều trị tại Khoa Ngoại tiêu hóa. Ngày thứ 3 sau mổ, tôi mới vào thăm Hải Kỳ được. Hải Kỳ nằm như người ngoài hành tinh, người cắm đầy các loại dây dợ. Hải Kỳ chỉ chỉ vào cổ, ngực ra hiệu chưa nói được. Rồi ra hiệu cho vợ lấy bút, giấy để bút đàm cùng tôi. Tôi hôn lên má, cầm tay thật chặt. Mắt Hải Kỳ rơm rớm lệ. Hai giọt nước mắt chắt ra từ hốc mắt thâm quầng. Đến ngày thứ tám, chuyển về lại khoa điều trị, Hải Kỳ ăn hồ, uống sữa bằng cách bơm vào một cái ống, người ta mổ một cái lỗ, đút ống dẫn từ bên hông vào dạ dày. Đến ngày 10-12 thì Hải Kỳ ăn uống được bằng miệng. Đầu tiên là hồ, sau đó là cháo, mỗi bữa lưng bát. Đi đại tiểu tiện thì vợ dắt đi, không nằm một chỗ như mấy ngày sau mổ. Tôi và Mai Văn Hoan, Lâm Thị Mỹ Dạ thường tới thăm để động viên bạn. Hải Kỳ đã nói chuyện, đọc thơ được, dù đang thều thào. Chiều ngày 11/12/2010, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vào Huế công tác đã vào bệnh viện thăm nhà thơ Hải Kỳ. Thật là chu đáo và tình nghĩa. Những cuộc thăm nom chân tình ấy đã giúp cho Hải Kỳ vui thêm để chống chọi với sức khỏe đang rất sa sút sau mổ…
 
Thế là nhà thơ Hải Kỳ bạn tôi đã vượt qua cơn đại phẫu thuật hiểm nghèo, sức khỏe đang dần hồi phục. Đội ơn Trời Đất đã thương một nhà thơ. Cám ơn các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, cảm ơn PGS, Tiến sĩ Lê Lộc đã hết lòng vì nhà thơ của chúng ta.
 
Ngô Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch
Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim

Mẹ Xinh Spa là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ và bé chất lượng, uy tín hàng đầu TP. Huế. Bằng việc kết hợp sử dụng các phương pháp chăm sóc truyền thống của các bà mụ Huế xưa cùng các phương pháp chăm sóc hiện đại, Mẹ Xinh Spa tự hào đã chăm sóc hơn 5.000 mẹ và bé trong vòng 5 năm qua.

Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim
An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên

Không học bán trú như học sinh, song an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sinh viên (SV) vẫn được các đơn vị, cơ sở đào tạo chú trọng, nhất là ở các căng tin.

An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên
Uống bia giải độc rượu: Nguy hiểm!

Giới chuyên môn đã phải lên tiếng cảnh báo sau khi dư luận đang rộ lên thông tin uống bia để giải độc rượu. Đây là cách hiểu sai và rất nguy hiểm.

Uống bia giải độc rượu Nguy hiểm
Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao

Nhóm tình nguyện viên Y học cộng đồng (dự án thiện nguyện ) gồm các bác sĩ, giảng viên bộ môn Nhi và các sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế tại Huế thường tổ chức các lớp tập huấn trao đổi kiến thức y học... Thừa Thiên Huế Online đã có cuộc trao đổi với TS. BS Nguyễn Hữu Châu Đức, giảng viên bộ môn Nhi; Th.S, Bs Nguyễn Duy Nam Anh, Trường ĐH Y Dược Huế về chủ đề sơ cấp cứu được nhiều phụ huynh quan tâm...

Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao

TIN MỚI

Return to top