ClockThứ Năm, 27/08/2015 06:59

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã "chân như"

TTH - Chân như là từ của Phật, nghĩa là vô sinh vô diệt, là chẳng cần biết gì nữa, là hư vô. Đó là chữ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thốt lên với tôi khi anh gặp lại vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ sáng 24/8 vừa qua.

22 giờ đêm hôm 23/8, vợ chồng nhà văn đã từ TP Hồ Chí Minh bay về tới Huế. Hiện vợ chồng Tường –Dạ ngụ tại Quán Trịnh, ở tầng 2 chung cư Nguyễn Tường Tộ, nơi ở cũ của hai người hơn 15 năm trước. 

Nhà thơ Ngô Minh (trái) thăm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Gác Trịnh

Tôi đến thật sớm. Thấy tôi, anh Tường giơ tay kêu lên: “A! Ngô Minh! Ngô Minh”. Anh Tường trông vẫn lanh lợi, mạnh khỏe, tất nhiên vẫn ngồi xe lăn. Chỉ nói khó nghe hơn. Gặp tôi anh nói chuyện say sưa về Quảng Bình, tôi ghé sát mà nghe câu được câu không. Anh Tường đang nói về những tướng lĩnh tài ba người Quảng Bình trong lịch sử đã tạo nên non nước Việt này. Đó là Nguyễn Hữu Cảnh thời Chúa Nguyễn. Là Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên thời chống Pháp, chống Mỹ... Còn Mỹ Dạ thì quên hết, không nhớ gì cả. Mặt mũi ngây ngô như một đứa trẻ. Tôi chỉ vào mình hỏi:” Nhớ ai đây không?”. Không nhớ. “Ngô gì…?”. Không nhớ. Các nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, Mai Văn Hoan, Nhất Lâm đến thăm, hỏi Mỹ Dạ: “Có nhớ mình không?” Cũng không nhớ ra ai. Mặt cứ ngây dại như người mất hồn. Cháu Bê Lip (Hoàng Dạ Thư) bảo: “Mẹ quên hết. Thơ mình không nhớ bài nào để đọc. Nhưng khi ai hát nhạc Trịnh, thì hát theo vài bài”.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bình luận: “Mỹ Dạ đã thành chân như. Do thông minh quá nên mau thành trẻ con!”. Nhưng sáng 25/8, uống café trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (Huế), nhà thơ Võ Quê lần lượt hỏi Mỹ Dạ từng người một: Ông Tường đâu? Tô Nhuận Vỹ đâu? Bác sĩ Dương Đình Châu đâu? Anh Nguyễn Đắc Xuân đâu?, Ngô Minh đâu?... thì Mỹ Dạ lại chỉ đúng. Chỉ tay và cười thôi chứ không gọi được tên từng người. Tôi hỏi bác sĩ Dương Đình Châu, một bác sĩ giỏi nổi tiếng ở Huế rất thân thiết với anh em văn nghệ sĩ, về bệnh tình của Mỹ Dạ. Anh Châu bảo đây là bệnh già não (Alzheimer). Khi nặng, bệnh nhân có thể bị kích động, đập phá. Nhưng với Mỹ Dạ, vốn tính nết hiền từ, nên chắc không đến mức kích động. Bệnh này chỉ chữa bằng thể dục, khó phục hồi được.

Đợt này vợ chồng Tường-Dạ về thăm Huế còn có hai đứa con gái cưng. Cháu Hoàng Dạ Thư sinh năm 1973, rất nhanh lẹ, mới về Huế một ngày đã sắm đủ giường chiếu, lắp điều hòa nhiệt độ cho bố mẹ nằm. Các nhà văn nói với nhau, đẻ con gái có lợi thế đấy. Chứ con trai không đứa nào chăm bố mẹ chi tiết cụ thể như Bê Lip (tên gọi ở nhà của Thư) được. Còn Bê Lim (Hoàng Dạ Thi), sinh năm 1976, cô bé làm thơ từ khi chưa biết chữ, lấy chồng định cư ở Mỹ, cũng về thăm bố mẹ và cùng ra Huế. Dạ Thi bưng nước cho mẹ uống, đỡ mẹ đứng dậy ra xe, kê ghế để mẹ ngồi, quạt cho mẹ… Lớn tuổi rồi mà cháu không muốn đẻ con. Tôi hỏi. Cháu bảo, ở Mỹ có con cũng như không, vì lớn lên là nó thoát khỏi bố mẹ. Văn hóa Mỹ nó thế. Nên có con cũng như không (?!).

Tháng 12 năm 2011, vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chào anh em văn nghệ sĩ Huế để vào TP Hồ Chí Minh ăn Tết với con cháu. Ngồi trên xe taxi ra sân bay, nhà bút ký nổi tiếng Việt Nam bảo tôi: “Mình vào ăn Tết Nhâm Thìn xong là ra Huế liền. Không có Huế mình không sống được”. Nhưng sau đó, anh Nguyễn Đình Vụ, xui gia với gia đình Tường-Dạ tìm đến tôi, bảo rằng anh Tường - chị Dạ sẽ ở lại định cư TP Hồ Chí Minh để sống gần con cháu vì tuổi già, vì ở Huế không ai chăm sóc hàng ngày. Và tháng 7/2012, hai vợ chồng ra Huế chính thức chia tay anh em bạn bè văn nghệ để vô TP Hồ Chí Minh. Nhưng ở TP Hồ Chí Minh mới ba năm, Hoàng Phủ không chịu được. Cháu Hoàng Dạ Thi bảo: “Chú Ngô Minh biết không, ở TP Hồ Chí Minh vật chất, thuốc men không thiếu thức gì, nhưng ba mẹ thiếu một thứ không ai bù đắp được. Đó là bạn. Ra Huế hôm qua tới giờ, bạn bè tới đông, ông Tường mừng lắm!”

Từ khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị trọng bệnh ở Đà Nẵng, liệt nửa người phải nằm một chỗ (1989), Mỹ Dạ đã chăm sóc chồng hơn 20 năm ròng. Cơm cháo, thay quần áo, đi vệ sinh.v.v. tất cả đều qua tay Dạ. Anh Tường có lần bảo: “Dạ là người vợ đồng thời cũng là người mẹ của tôi!”. Khi tuổi đã cao, nhiều bệnh tật xuất hiện, Mỹ Dạ vẫn đứng vững để cho anh tựa vào em! Chỉ ba bốn năm lại đây, bệnh già não làm cho Dạ quên hết tất cả để trở thành hư vô, để trở thành chân như.

Là nhà thơ nữ nổi tiếng nước Việt, hai khóa trúng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam, có thơ dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, Lâm Thị Mỹ Dạ có những bài thơ, câu thơ găm vào lòng người đọc: Bàn tay nâng em thành bảo mẫu / Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em !.v.v..

Thơ của Dạ là cuộc đời của Dạ. Viết về trái tim, Dạ có những câu thơ đúc thành nỗi đau thấm đẫm: Ôi trái tim / sao em lại mang dáng lưỡi cày / để suốt đời không bao giờ yên ổn / để suốt đời cày lên / cày lên / Đớn đau và hạnh phúc…

Cứ ngỡ trái tim tổn thương ấy về cuối đời sẽ yên ổn hơn, bớt đau đớn hơn. Hoá ra không phải bạn của tôi ơi, mới 67 tuổi mụ thôi đã bệnh tật thành người khác mất rồi! Còn nhớ cô học trò xinh đẹp lên sân khấu giới thiệu chương trình văn nghệ của Trường cấp ba Lệ Thủy một thời. Còn nhớ đám cưới Tường-Dạ năm 1973 tổ chức tại Hà Nội trong sự đùm bọc của bạn bè văn nghệ sĩ cây đa cây đề của đất nước như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ,.. Còn nhớ một thời gian Mỹ Dạ đi đâu cũng gọi Ngô Minh đi xe máy lên nhà chở.

Lớp bạn học trường huyện làm thơ thành danh của chúng tôi có mấy đứa: Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, thì Hải Kỳ, Lê Đình Ty đã khuất rồi, còn 3 thôi. Bây giờ Mỹ Dạ lại bệnh, không còn nhớ bạn mình là ai nữa…

Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo vợ chồng mình sẽ ở Huế đến hết Tết mới vào, để có thời gian chơi với bạn bè... Mình thèm bạn bè Huế lắm. Có lẽ đây là chuyến ra Huế lần cuối của hai người. Anh Tường 80 rồi. Lâm Thị Mỹ Dạ thì đã thành chân như...

Ngô Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top