ClockThứ Bảy, 03/10/2020 13:45

Nhà thơ Tố Hữu & quê mẹ

TTH - Nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức ấn hành thi phẩm với tên gọi lấy từ tựa đề bài thơ “Quê mẹ” của ông. Tập thơ bao gồm những bài thơ nhà thơ Tố Hữu viết ở Huế, viết về Huế, hoặc có nhắc đến quê hương Thừa Thiên Huế trong một cõi đất Việt “Nước non ngàn dặm”.

Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu

Bìa tập thơ Quê mẹ

Nhà thơ Tố Hữu sinh ra nơi miền quê ven sông Bồ, làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Từ nhỏ ông được tắm gội trong lời ru của mẹ, thừa hưởng vốn ca dao, dân ca xứ Huế với bao làn điệu mái nhì, mái đẩy, câu Nam ai, Nam bình… Từ Huế, ông làm thơ cho mọi nhà, mọi người, mang âm hưởng hồn cốt văn hóa Huế, nhịp điệu Huế, ngôn ngữ Huế… Từ thế giới âm điệu bay bổng của thơ mới và bình dị dìu dặt của ca dao dân ca, niềm hưng phấn lên đường đầy lý tưởng đã vang vọng, hòa quyện tạo nên tiếng thơ Tố Hữu khởi sáng lúc bấy giờ. 

Quê hương Thừa Thiên Huế chính là nơi khởi nguồn bồi đắp lý tưởng, bầu nhiệt huyết cách mạng, bầu khí quyển thi ca của nhà thơ Tố Hữu. Những đồng chí lãnh đạo của Đảng hoạt động ở Huế thời đó đã dẫn dắt Tố Hữu đi theo con đường cách mạng (Con lớn lên con làm cách mạng/anh Lưu anh Diểu dạy con đi (Quê mẹ)). Đồng chí Phan Đăng Lưu là người thầy đầu tiên hướng Tố Hữu vào con đường thơ ca cách mạng. Những bài thơ ban đầu: Mồ côi, Hai đứa bé, Đi đi em, Tiếng hát sông Hương… ra đời trong những năm tháng đó, khiến cho Tố Hữu tạo dựng một tiếng thơ riêng, được bạn đọc yêu mến vì lời thơ mượt mà song vô cùng gần gũi, được các nhà phê bình thán phục vì sự bất khuất yêu ghét rõ ràng, và kêu gọi đấu tranh. Trong khi hầu hết các nhà thơ mới “đều say sưa bơi lội trong dòng sông tâm tư tình cảm cá nhân”, né tránh thân phận nô lệ, nỗi đau mất nước; thì Tố Hữu đã gióng lên lời thơ kêu gọi đấu tranh cho mọi tâm hồn đau khổ.

Vì quê hương đất nước ông đi làm cách mạng để giải phóng Nhân dân, giải phóng dân tộc. Tình cảm của nhà thơ đối với quê hương thật đậm đà da diết. Từ những ngày đầu đến với cách mạng rồi sớm xuất hiện trên văn đàn, những bài thơ ban đầu của Tố Hữu đều được bắt đầu từ Huế. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” là những vần thơ có sức mạnh như một nguồn năng lượng tinh thần vô giá với hàng triệu con tim. Thơ Tố Hữu có sức lan tỏa rất lớn và cũng mang đậm hồn thơ xứ Huế.

Quê hương Thừa Thiên Huế là ý chí, là quyết tâm góp phần làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất:

“Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao

Mở mắt trông: Trời đất bốn phương chào

Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

(Huế tháng Tám)

Quê hương Thừa Thiên Huế, là Huế trong miền Nam, nằm trong khối Việt Nam thống nhất :

- “Nếu tâm sự cùng ta, bạn hỏi

Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói

Như nỗi niềm nhức nhói tim gan ?

– Trong lòng ta hai tiếng: Miền Nam!”

(Miền Nam)

- “Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí

Nói với nửa – Việt Nam yêu quý

Rằng: Nước ta là của chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!

Chúng ta, con một cha, nhà một nóc

Thịt với xương, tim óc dính liền”

(Ta đi tới)

“Ôi Huế ngàn năm, Huế của ta

Đường vào sẽ nối lại đường ra”

Như con của mẹ về quê mẹ

Huế lại về vui giữa cộng hòa”

(Vui bất tuyệt)…

Nhiều người cho rằng thơ Tố Hữu như là tiếng nói trái tim nhân hậu của người mẹ, thật gần gũi thân quen đến độ khi đọc lên, cứ ngỡ đó là người mẹ ở quê nhà.

Từ bài thơ “Dửng dưng” viết về Huế trong thời thuộc Pháp, đến “Bài ca quê hương”, nhà thơ đã phải trải qua “Hai mươi chín năm dằng dặc xa quê/ nay mới về thăm mừng tái tê”; đó cũng là chặng đường dài của cách mạng đất nước. Đêm Hà Nội dịp tết năm 1955, nhà thơ Tố Hữu bước trên Phố Huế lòng mang nỗi nhớ quê hương, và bài thơ “Quê mẹ” tiếng lòng rưng rức nước mắt thương nhớ vang lên trong đêm: “Huế ơi quê mẹ của ta ơi”.

Quê hương Thừa Thiên Huế hiện lên trong thơ ông là lời ăn tiếng nói miền quê:

- “Ôi, cơ chi anh được về với Huế”

(Bài ca quê hương);

- “Có lẽ con anh lớn lắm rồi

Chúng đương đùa nghịch hét vang cươi”

(Người về);

- “Răng không cô gái trên sông?

Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài

Thơm như hương nhụy hoa nhài…”

(Cô gái sông Hương)

Là “Con cá chột nưa”.

Là các địa danh thân thiết:

- “Làng ta giặc đốt mấy lần qua

Mà đất Phù Lai vẫn tốt cà

Mà quít Hương Cần ta vẫn ngọt

Nhớ anh du kích trấn Dương Hòa”

(Quê mẹ)

Bao nhiêu lần ông về thăm quê, đó là những chuyến đi của máu trở về tim. Về lần đầu tiên, ông viết: “Đường về xứ Huế quê ta/Mấy sông cũng lội mấy xa cũng gần” (Đường vào), và sau đó bao giờ cũng da diết: “Hương Giang ơi, dòng sông êm/ Quả tim ta, vẫn ngày đêm tự tình ” (Bài ca quê hương)…

Tố Hữu là một người con quê hương Thừa Thiên Huế tiêu biểu, một trong những ngọn đuốc trên đỉnh Ngự soi sáng dòng Hương. Quê hương Thừa Thiên Huế tự hào đã sinh ra ông, bên cạnh những tên tuổi chói ngời khác của Thừa Thiên Huế. Trường Quốc Học còn lưu giữ hình ảnh của ông cùng bao học trò là những tên tuổi lớn của đất nước: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh… Tên nhà thơ Tố Hữu được đặt tên đường, tên trường ở thành phố Huế, các huyện Quảng Điền, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy… Một không gian thi ca Tố Hữu được xây dựng ở Quảng Điền, ngay bên dòng sông Bồ xanh trong mà nhà thơ Tố Hữu thường nhắc đến trong thơ ông.

Tập thơ “Quê mẹ” như là tấm lòng của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế hôm nay dành tri ân, tôn vinh nhà thơ Tố Hữu nhân 100 năm ngày sinh của ông. Đây hy vọng cũng  sẽ là món quà dành cho những người đồng điệu yêu thơ Tố Hữu, yêu Huế - xứ sở thi ca giờ đây đang xây dựng và phát triển thành vùng đất  “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, là đô thị di sản trực thuộc Trung ương đặc sắc của Việt Nam.

Bài, ảnh: THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế

Chiều 30/5, tại Lan Viên Cố Tích – Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, CLB thơ Haiku xứ Huế thuộc Hội thơ Hương Giang tổ chức giới thiệu thi phẩm “Khơi nguồn 3”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Haiku xứ Huế góp mặt vào dòng thơ Haiku Việt.

Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế
Chưa phải ai cũng biết!

Lâu nay, người ta đều gọi ông Nguyễn Đắc Xuân là “Nhà Huế học”, bởi anh có số lượng sách nghiên cứu về Huế nhiều đến mức một bìa sách không thể ghi hết, trong đó có những bộ sách dày hàng ngàn trang… Nhưng có lẽ, nhiều người chưa biết Nguyễn Đắc Xuân còn là một nhà thơ, từng có thơ in từ hơn 60 năm trước.

Chưa phải ai cũng biết
Bồng bềnh mắt núi

“Mắt núi” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Nam do NXB Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2021.

Bồng bềnh mắt núi
Return to top