ClockThứ Tư, 05/06/2013 21:14

Nhà trường sẵn sàng lắng nghe và đối thoại

TTH - Một học viên Trường trung cấp nghề 23-Bộ Quốc Phòng (gọi tắt là trường nghề) có đơn gửi Báo Thừa Thiên Huế phản ánh: nhiều bạn lớp Y K2B thuộc trường, bức xúc về học phí, quỹ lớp, phải “đội lốt” học viên trường khác khi đi thực tập, cách xếp hạnh kiểm tùy tiện… ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và chất lượng học tập.

Bỏ học vì bức xúc?

Các học viên phản ánh, học phí đóng cho nhà trường mỗi học kỳ gần 5 triệu đồng là quá cao, không đúng với quy định. Lúc mới vào học, nhà trường hứa hẹn, học viên sẽ được đi thực tập tại Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế, được hưởng những chính sách tốt nhất về đào tạo. Tuy nhiên, thực tế có những điều “trái ngược” với những hứa hẹn đó. Cụ thể, khi đi thực tập ở BVTƯ Huế, họ phải “mặc áo” học viên Trường cao đẳng Y Huế (CĐY), đeo bảng tên cũng của trường này. Họ không hiểu vì sao mỗi khi đến BVTƯ Huế thực tập, cô giáo hướng dẫn (thuộc Trường CĐY) dặn, không được “để lộ” là học viên trường nghề, nếu bị “lộ” sẽ bị bệnh viện đuổi, không cho thực tập.

Cơ sở của Trường trung cấp nghề 23 - nơi học viên Y K2 B học.

Thực tế, có học viên đã bị bệnh viện phát hiện và đuổi, khiến họ thấy rất bất an. Phải chăng, do chất lượng đào tạo thấp dẫn đến học viên của nhà trường không được BVTƯ Huế chấp nhận? Thời gian gần đây, họ không được thực tập tại BVTƯ Huế mà bị chuyển qua thực tập tại Bệnh viện TP Huế (Kim Long). Mặt khác, họ nghe thông tin, 1 năm sau khi tốt nghiệp, mới được cấp bằng, sẽ rất trở ngại cho những học viên ở tỉnh xa.

Điều khiến họ cảm thấy lo lắng, bức xúc nữa là cách xếp hạnh kiểm đối với học viên mang tính cá nhân, tùy tiện của lớp trưởng. Nhiều học viên dù bị thi lại nhiều môn, thiếu tập trung chú ý trong giờ học vẫn được lớp trưởng đề xuất hạnh kiểm tốt. Trong lúc, do thẳng thắn chất vấn trước lớp về vấn đề chi tiêu quỹ lớp hoặc các vấn đề liên quan đến việc đóng quỹ mà có học viên bị lớp trưởng cho là đối tượng “quấy rối”, đề xuất xếp hạnh kiểm không tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu khi học viên cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc làm.

Không đồng ý với cách xếp hạnh kiểm tùy tiện, không công bằng như vậy, học viên yêu cầu thầy giáo chủ nhiệm lớp YK2B (đồng thời là trưởng khoa) có buổi sinh hoạt lớp để học viên trình bày và được giải quyết vấn đề, nhưng chờ đợi rất lâu vẫn không được đáp ứng nguyện vọng. Do đó, học viên này tự ý bỏ học.

Các bên cần rút kinh nghiệm

Trong buổi làm việc với phóng viên, có mặt học viên khiếu nại và Ban cán sự (BCS) lớp, học viên này đặt câu hỏi dựa vào đâu lớp trưởng đề xuất khiến chị bị xếp hạnh kiểm trung bình? BCS lý giải: việc bình xét thực hiện từ tổ. Sau đó tổ trưởng gửi danh sách đã bình xét cho BCS. Qua bình xét, học viên này nghỉ học nhiều, lại bị nhiều thầy cô phản ánh, qua điện thoại, tổ trưởng của học viên này khẳng định không có việc bình xét từ tổ. BCS lớp cũng chỉ nêu tên được 1 thầy giáo dạy môn chính trị, cho rằng có phản ánh về học viên này. Song, thầy giáo này lại phủ nhận điều đó. Cũng tại buổi làm việc, cho thấy, BCS đã không công khai việc chi tiền quỹ lớp.

Theo thông tin từ Trường trung cấp nghề 23-Bộ quốc phòng, trường được thành lập ngày 01/2/2010. Trong 3 năm qua, nhà trường từng bước ổn định tổ chức, định hướng chiến lược hoạt động và phát triển. Ngày 01/01/2011, trường được Bộ Tổng tham mưu, Cục Nhà trường phân chỉ tiêu cho Học viện Quân y (trực tiếp là Trường Trung cấp Quân y I) cho phép đào tạo tại chỗ đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp về ngành y với 3 chuyên ngành: Y sỹ đa khoa; Dược trung cấp; Điều dưỡng hệ trung cấp.

Trường nghề mới thành lập, trong lĩnh vực đào tạo y lại không được phép, nên toàn bộ việc đào tạo do Học viện Quân y và Trường Trung cấp Quân y I. Nhưng do các đơn vị trên ở quá xa, nên nhà trường hợp đồng với Trường CĐY, là một trường có bề dày, uy tín và chất lượng, đào tạo toàn bộ chuyên ngành. Chương trình từ học lý thuyết, thực hành, thực tập đều do Trường CĐY thực hiện. Nhà trường không hứa hẹn (như phản ánh) mà đảm bảo về uy tín và chất lượng trong đào tạo, để học viên khi ra trường thực sự có kiến thức, tay nghề tốt, phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn, các em còn được rèn giũa nghiêm về đạo đức, kỷ luật. Việc xếp hạnh kiểm phải theo quy trình chặt chẽ, bình xét từ tổ lên, dựa trên các tiêu chí: năng lực học tập, chấp hành nội quy, quy chế, hoạt động phong trào.

Theo lãnh đạo nhà trường: Trường nghề không đủ tư cách pháp nhân để dạy hệ trung cấp chuyên nghiệp (nên phải liên kết đào tạo với CĐY). Trường nghề chỉ đăng cai cơ sở đào tạo, còn Trường Trung cấp Quân y I (thuộc Học viện Quân y) mới là nơi cấp bằng. Trường này cùng trường nghề tổ chức và giao cho Trường CĐY Huế đào tạo học viên về mặt chuyên môn. Trường CĐY không phân biệt học viên của trường nghề hay học viên của Trường CĐY khi giảng dạy hay đi thực tập ở BVTƯ Huế. Cho nên, việc học viên trường nghề đeo bảng hiệu của trường CĐY là đương nhiên.

Còn việc có học viên bị Bệnh viện “đuổi” nguyên nhân do học viên này trong khi đi thực tập tự ý đưa thêm bạn (học y tại Đà Nẵng) đến tham gia buổi thực tập, chứ không phải do học viên này bị “lộ”. Học viên cho rằng, các em không được thực tập ở BVTƯ Huế nữa, “bị” về Bệnh viện Kim Long là cách hiểu chưa đúng. Thực chất, các em học trung cấp chuyên nghiệp, sau này làm ở tuyến huyện, y tế xã, phường thị trấn, y tế học đường, vì vậy, các em phải có một vòng thực tập tại tuyến huyện, “đảm nhiệm” vai trò 1 y sỹ, điều dưỡng hoặc dược sỹ trung cấp ở tuyến huyện. “Còn thông tin sau 1 năm kể từ ngày tốt nghiệp mới được cấp bằng là hoàn toàn không đúng. Lớp Y K1 đã tốt nghiệp vừa rồi, chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi, các em đã cầm trong tay tấm bằng chính thức”- ông Nguyễn Trung Giang, Trưởng Khoa Y dược nói.

Về việc thu học phí, phía nhà trường cho hay (đồng thời xuất trình văn bản): Khi gửi giấy nhập học, nhà trường gửi kèm bảng mức học phí. Và mức học phí này, trường chấp hành thu đúng, thu đủ, theo quy định của Học viện Quân y, theo lộ trình từng năm, chứ không thu một cách tùy tiện.

Chị Lê Thị Hương Trang, học viên lớp Y K2B:
 
“Mong nhà trường có sự chấn chỉnh…”
 
Bức xúc đối với những việc làm cá nhân, tùy tiện của lớp trưởng về vấn đề xét hạnh kiểm, vấn đề thu chi tiền quỹ lớp… và chờ đợi một thời gian khá lâu vẫn không được đối thoại, xem xét tôi mới bỏ học và mạnh dạn nói lên tất cả những khúc mắc để nhà trường có sự chấn chỉnh, các bạn khóa sau không ai phải lặp lại tình trạng như tôi.
 
Anh Trần Xuân Thăng, Lớp trưởng lớp Y K2B:
 
“Việc bình xét hạnh kiểm là mang tính “răn đe”, để đưa học viên vào khuôn khổ”.
 
Tôi hài lòng về những gì mình đã làm, vì tất cả những điều đó chỉ để làm cho mỗi thành viên của lớp tốt hơn. Việc xếp hạnh kiểm học kỳ I là mang tính “răn đe”, để đưa học viên vào khuôn khổ giáo dục. Đến cuối năm, có thể hủy hạnh kiểm của học kỳ I. Tương tự như vậy, năm thứ nhất, hạnh kiểm của một bạn có thể là chưa tốt, nhưng đến năm cuối, bạn đó phấn đấu sẽ được xếp loại tốt.
 
Tôi luôn nhắc nhở, động viên các bạn trong lớp cố gắng đi học chuyên cần, phấn đấu trong mọi mặt để đạt kết quả cuối cùng thật tốt. Tôi cũng rút kinh nghiệm vì không yêu cầu lớp phó học tập (phụ trách việc thu chi quỹ lớp) công khai các khoản chi khi có thắc mắc, dẫn đến có sự hiểu lầm.
 
Đại tá Lê Quang Bình, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 23-BQP:
 
Luôn thiện chí lắng nghe
 
Quan điểm của chúng tôi, tất cả vì học viên, tạo điều kiện hết mức cho các em trong quá trình đào tạo. Các giáo viên và cả ban giám hiệu đều dồn hết tâm huyết cho học viên, cho sự trưởng thành về mọi mặt của các em và nhà trường. Qua việc này, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với học viên, lắng nghe “người trong cuộc” giải thích để các em hiểu, tạo không khí gần gũi, thực sự thân thiện giữa học viên và nhà trường.
 
Em này mạnh dạn nói lên như thế là tốt, bản thân tôi sẽ gặp lắng nghe, đối chất và giải thích trực tiếp. Nếu em trở lại học thì tốt, nhà trường sẽ có trách nhiệm sắp xếp cho em học bù. Nếu không thì em cũng cần được giải tỏa về tâm lý, để em có nhận thức đúng về trường mới là quan trọng. Cái gì cần, chúng tôi sẽ phải trao đổi với Ban cán sự (BCS) lớp. BCS sai thì BCS phải sửa, ví dụ không dân chủ trong vấn đề chi tiêu… Hoặc muốn lớp tốt mà dọa như thế là không được, ảnh hưởng tâm lý của các em.
Phạm Thùy Chi (ghi)   

 

Bài và ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top