ClockThứ Hai, 14/12/2015 15:24

Nhà văn hóa cơ sở: “Kêu” không có, có không dùng

TTH - Nơi có thì sử dụng chưa hiệu quả, nơi không có thì phải tận dụng các cơ sở khác để tổ chức sinh hoạt văn hóa… là thực tế đang diễn ra trong việc sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương hiện nay.

Biểu diễn văn nghệ tại nhà văn hóa xã Hương Sơn (huyện Nam Đông). Ảnh: Lê Thọ

Thiếu và lãng phí

Đến nay, tổ 4, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy vẫn chưa có nhà văn hóa (NVH). Mỗi khi tổ chức các hoạt động ngày hội đại đoàn kết hay họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ…, cán bộ địa phương phải trưng dụng nhà dân. Ở một số tổ dân phố khác, NVH được tận dụng từ nhà mẫu giáo cũ. Tuy nhiên, ngoài việc thỉnh thoảng được sử dụng làm nơi hội họp, nơi đây chỉ… đóng cửa, hầu như không thấy tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên nhiều người trong phường chưa bao giờ bước chân tới NVH. Tổ trưởng tổ dân phố H.V.B bộc bạch: “Không có kinh phí nên chúng tôi chẳng thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hơn nữa, trang thiết bị bên trong còn thiếu rất nhiều”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 779/1.467 làng, thôn, bản, tổ dân phố có NVH. Trong đó, khoảng 60-70% được đầu tư xây dựng mới, còn lại là tận dụng các cơ sở cũ, như: trường mầm non, nhà truyền thống, hợp tác xã. Do đó, tại một số địa phương, NVH chỉ là một ngôi nhà cấp bốn trong tình trạng xuống cấp, trang thiết bị chuyên dùng đã quá lỗi thời, lại thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Có đến hơn 70% NVH ở các làng, thôn, bản, tổ dân phố không có các thiết bị bên trong như âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật khác, có nơi còn không có bàn ghế.

Một buổi sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông). Ảnh: Lê Thọ

Ở nhiều địa phương, nguồn kinh phí hạn chế, quỹ đất chưa được chuẩn bị nên NVH chưa được xây dựng. Trong khi nhiều nơi có NVH lại đóng cửa nhiều hơn mở, chưa khai thác hết công năng, không phát huy được hiệu quả. Nhiều nơi sau khi được đầu tư, xây dựng chỉ sử dụng cho một vài hoạt động, như: hội nghị, họp thôn, rất ít có các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ để có thể thu hút Nhân dân. Một số NVH xây xong, ít sử dụng nên không khác gì ngôi nhà hoang. Nếu xây dựng NVH chỉ để người dân trong thôn, tổ hội họp thôi thì quả là lãng phí.

Giải thích cho việc nhiều NVH ở thôn, bản, tổ dân phố hoạt động kém hiệu quả, nhiều người cho rằng, tất cả đều do thiếu kinh phí. Thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa... nên hoạt động của các NVH chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hệ thống NVH ở thôn, bản, tổ dân phố không có các nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách mà chủ yếu do nhân dân tự đóng góp. Để duy trì và tổ chức hoạt động rất khó khăn, thậm chí ở một số nơi không có hoạt động do không có kinh phí.

Ngoài việc thiếu kinh phí, mô hình quản lý cũng là vấn đề cần quan tâm. Công tác quản lý ở hệ thống này thường do ban điều hành thôn, bản, tổ dân phố phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương đảm nhiệm. Những cán bộ này đảm đương nhiều nhiệm vụ nên coi công tác ở NVH là việc phụ. Họ đều không được đào tạo bài bản nên rất khó tổ chức những hoạt động thu hút người dân tham gia. Do chưa có chế độ phụ cấp, đãi ngộ phù hợp nên những người này chưa thực sự an tâm, nhiệt huyết trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động.

Đồng bộ nhiều giải pháp

NVH ở cơ sở là tổ chức hoạt động nghiệp vụ văn hóa, vì vậy việc đầu tư xây dựng các thiết chế đó phải đồng thời xây dựng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Bà Lê Thùy Chi, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH, TT&DL cho rằng, để xây dựng thiết chế văn hóa cấp cơ sở cần có sự đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, con người quản lý và tổ chức các hoạt động. Từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, bộ máy tổ chức, cơ chế, chính sách hoạt động. Ngoài ra, cũng cần có cuộc khảo sát về nhu cầu sử dụng của người dân đối với các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, giám sát của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương để phát huy vai trò của NVH cơ sở. Có thể coi sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, được thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể như quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí, đào tạo nhân lực… là giải pháp quan trọng. Tổ chức bộ máy đủ mạnh, có năng lực để xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động sôi nổi thì mới thu hút được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Ngoài ra, cán bộ văn hóa cơ sở phát huy hơn vai trò của mình trong việc hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động cho các NVH.

Các Trung tâm văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện cần tăng cường hướng dẫn chuyên môn, mở các lớp tập huấn, đào tạo về văn hóa cơ sở cho Ban quản lý NVH nâng cao khả năng tổ chức hoạt động, tập hợp quần chúng, xây dựng và tổ chức hoạt động các loại hình CLB của các tổ chức đoàn thể. Mỗi địa phương phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa. Bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cần có những chính sách tạo động lực và chế độ phụ cấp đối với cán bộ phụ trách NVH cơ sở để họ chuyên tâm công tác, phát huy năng lực sáng tạo. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; khuyến khích, hỗ trợ kinh phí và có chế độ thù lao cho các nghệ nhân để mở các lớp đào tạo, truyền dạy hướng dẫn, sáng tạo các loại hình văn hóa cho thế hệ trẻ, để NVH thực sự là môi trường giáo dục văn hóa ngoài nhà trường.

Cũng cần phải nhìn lại hiệu quả hoạt động của NVH thôn, tổ dân phố để có định hướng đúng đắn cho sự phát triển của thiết chế này, tránh chạy theo hình thức, lãng phí. Thay vì đầu tư manh mún cho các NVH ở từng thôn, tổ, có thể tập trung xây dựng các NVH có quy mô liên thôn để phát huy hết giá trị.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top