ClockThứ Bảy, 10/09/2022 15:20

Nhà văn Ngụy Ngữ: Lặng lẽ dâng hiến cho đời

TTH.VN - Tôi quen Nhà văn Ngụy Ngữ từ cuối năm 1975 khi anh là Biên tập viên của Đài truyền thanh Huế, do anh Trần Phá Nhạc phụ trách.

Nhà văn Hồng Nhu: 35 năm và 90 năm“Vì sao tôi không viết hồi ký”Một thời “Để nhớ, để thương”

Nhà văn Ngụy Ngữ. Ảnh: Quang Đại

17 Đặng Dung - địa chỉ của Đài thời bấy giờ là nơi quy tụ nhiều cây bút của phong trào đô thị miền Nam ở Huế, như: Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Đình Sơn Cước, Phạm Tấn Hầu... Trong những tên tuổi vừa nêu, chỉ duy nhất là Ngụy Ngữ viết văn xuôi.

Trước những năm 1971, khi còn học ở Huế, nhờ đọc các tạp chí: Văn, Ý thức, Đất nước, Trình Bày nên tôi “đã biết” anh Ngụy Ngữ, đặc biệt là năm 1974, Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng in tuyển tập truyện ngắn của phong trào đô thị miền Nam, trong đó có truyện ngắn “Con thú tật nguyền” của anh.

Một hôm, tôi sang Đài thăm Trần Phá Nhạc, từ phòng bá âm đi ra, anh ghé chuyện trò cùng tôi.

- Mình vừa cho đọc bài của cậu!

- Bài gì?

- Bài cậu viết về làng kinh tế mới Lương Miêu, báo Tổ quốc vừa đăng!

Thời ấy, báo biếu gửi qua Bưu điện nên thường một tuần sau tác giả mới nhận nên tôi ngỏ ý xin. Trước khi tặng, anh Ngụy Ngữ nhận xét: “cả bài mình thích nhất là chi tiết “cô L. từng làm đ. nay được cách mạng giúp đỡ xây dựng lại cuộc sống mới”!

Sau cuộc chuyện trò ấy chúng tôi trở nên thân thiết.

Vì là Biên tập viên nên anh Ngụy Ngữ thường ở cơ quan khai thác, biên tập bài vở; thỉnh thoảng mới ra ngoài “thâm nhập thực tế”. Sau khi tôi chở anh ra thăm công trường đại thủy nông nam Thạch Hãn, anh đã dành thời gian thâm nhập công trường đại thủy nông nam sông Hương.

Sau những chuyến đi đó, Ngụy Ngữ viết bút ký “Tiếng nổ sau chiến tranh” hình như đăng trên Tập san văn nghệ Bình Trị Thiên thì phải.

                                                      ***

Ngụy Ngữ tên thật là Nguyễn Văn Ngữ, sinh năm 1947, quê ở Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị. Do có cha là ông Nguyễn Văn Ngôn, cán bộ tập kết nên đặt tên anh là Ngữ. Trước năm 1975, anh bị bắt vào lính nhưng do nhiều lần bỏ trốn anh bị bắt đưa làm lao công đào binh.

Tôi hỏi, lúc làm thơ anh ký tên Nguyễn Văn Ngữ sao khi viết văn lại mang bút danh Ngụy Ngữ?

-Vô tình thôi. Hôm đó, đánh máy xong truyện ngắn mới gõ tên tác giả. Máy nhảy chữ, do vội gửi nên mình cứ để thế chứ Ngụy Ngữ chẳng có hàm ý sâu xa gì!

Thời ở Huế, anh Ngụy Ngữ trú nhờ ở nhà bạn bè. Lâu nhất là ở nhà của anh Tôn Thất Kỳ, gần chợ Bến Ngự. Sau khi anh Kỳ học lại, tốt nghiệp đại học y khoa được phân về công tác ở Bệnh viện Hương Phú, ái ngại, anh Ngụy Ngữ chuyển lên căn gác vắng ở 11/3 Nguyễn Trường Tộ, sau khi anh Trịnh Công Sơn chuyển vào Sài Gòn.

Sống và công tác ở Huế được 5 năm, năm 1980, anh Ngụy Ngữ chuyển vào Hãng phim Giải phóng. Tại đây, vì chăm chú vào công việc được giao là làm biên kịch nên anh Ngụy Ngữ ít khi viết truyện gửi đăng báo hay xuất bản.

Năm 1985, từ Sài Gòn anh gọi điện báo phim “Con thú tật nguyền” sắp ra rạp! Phim do diễn viên gạo cội Trần Quang và Lê Cung Bắc thủ vai. Phim cuốn hút tôi từ bối cảnh, chi tiết, âm nhạc và tiết tấu. Phim “Con thú tật nguyền” khi chuyển sang tiếng Anh mang tên Karma-Nghiệp chướng.

Hỏi anh Ngụy Ngữ mới biết, đạo diễn Hồ Quang Minh ở Thụy Sĩ. Đây là tác phẩm đầu tay của anh; đồng thời, mở đầu cho trào lưu Việt kiều về nước tham gia làm phim.

Mười năm sau tôi gặp đạo diễn Hồ Quang Minh khi anh cùng Ngụy Ngữ, Lê Cung Bắc khi ra làm phim "Bụi hồng".

Năm 1987, vào Sài Gòn, Trần Phá Nhạc đưa tôi đến nhà thăm anh Ngụy Ngữ. Anh vừa từ Mỹ trở về.

Do Việt Nam đang bị Mỹ bao vây, cấm vận nên việc nhà văn được mời sang Mỹ làm nhiều người chú ý (trước những năm 1990 tôi đã nghe nhà văn Lê Lựu kể chuyện đi Mỹ qua băng cassette).

Chuyến đi ấy do Trung tâm William Joiner mời. Miền Bắc có Nhà văn Lê Lựu, miền Nam có nhà văn Ngụy Ngữ. 

Anh Ngụy Ngữ sống khép mình, ít giao du. Thời ở Hãng phim Giải phóng, anh chơi khá thân với nhà biên kịch Nguyên Hồ (sau này là Phó giám đốc Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh). Anh thích đọc nguyên bản tác phẩm E. Remarque, ít nhận xét về bạn bè và không sa đà vào nhậu nhẹt và thường tránh báo chí; giản đơn là không muốn “phơi” chuyện mình cho bàn dân thiên hạ biết.

Khi trào lưu dùng điện thoại di động phổ biến, anh chỉ thủy chung với chiếc điện thoại cố định. Anh không có nhà riêng chỉ sống trong căn hộ tập thể - nơi mà Đạo diễn cùng quê Nguyễn Vinh Sơn đang sống.

Anh sống lặng lẽ nhưng để lại cho đời nhiều kịch bản phim hay, đúng như nhận xét của anh Nguyên Hồ: “Riêng với tôi, Ngữ có đến hàng chục phim hay và nhiều phim khó… Ngữ có hàng trăm truyện ngắn, trong đó nhiều truyện được người đọc xếp hạng cao”.

                                                                     Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức trẻ của cây bút “90 xuân”

Trước thềm xuân Giáp Thìn – 2024, nhà giáo Trương Quang Đệ vừa gửi đến bạn đọc cuốn sách mới BÂNG KHUÂNG CẢM XÚC VỀ THỜI CUỘC (II). Sinh năm 1935, Xuân này thầy Trương Quang Đệ lên tuổi 90, nhưng cuốn sách trên 300 trang với 64 tiểu mục vẫn tràn đầy sức sống, có thể ví với một vườn hoa đủ hương sắc.

Sức trẻ của cây bút “90 xuân”
Tương lai nào cho chúng ta?

Nhà báo - nhà văn Julie Lardon phối hợp cùng Viện Pháp và NXB Kim Đồng, tổ chức workshop “Tương lai nào cho chúng ta?” tại Huế.

Tương lai nào cho chúng ta
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”

TIN MỚI

Return to top