ClockChủ Nhật, 01/08/2021 07:15

Nhà văn Sơn Tùng: “Búp sen xanh” ngát hương

TTH - “Sinh lão bệnh tử”, biết là quy luật đời người nhưng sao vẫn cảm thấy hụt hẫng, mất mát khi nhận tin nhà văn Sơn Tùng vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở gác 2, khu tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Vinh dự được gặp Bác

Nhà văn Sơn Tùng, tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng, bút danh Sơn Phong, thời kỳ làm phóng viên chiến trường Nam bộ (1967 - 1971).

Trong hơn gần 30 tác phẩm văn học của nhà văn Sơn Tùng, có đến 13 tác phẩm ông viết về Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành công nổi tiếng nhất là “Búp sen xanh”, với 30 lần tái bản và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Với sự cống hiến to lớn, không mệt mỏi của mình, nhà văn thương binh Sơn Tùng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm 2011. Tác phẩm “Búp sen xanh” của ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng đặc biệt.

Tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: TL

Cơ duyên Sơn Tùng viết “Búp sen xanh” hầu như “tiền định”. Từ những năm 1948 - 1949, Sơn Tùng đã có dịp gặp được bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Tất Đạt là chị và anh ruột Bác Hồ kể và cung cấp nhiều tư liệu sống về gia đình, trong đó có cậu em Nguyễn Sinh Côn (Cung) - Nguyễn Tất Thành, thời kỳ ông hoạt động trong Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An. Sau này, thời kỳ là phóng viên Báo Tiền Phong (Hà Nội), năm 1962 - 1963, Sơn Tùng lại vinh dự được gặp Bác Hồ, khi được phân công viết về những chuyến công tác của Bác, khi Người về với nông dân, công nhân, bộ đội.

Nhà văn Sơn Tùng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Cố đô Huế, sau khi thống nhất đất nước, trong chuyến đi thực chứng dài ngày chuẩn bị thêm tư liệu viết “Búp sen xanh”, với sự phụ giúp chu đáo, hiệu quả của người bạn đời Phan Hồng Mai. Vượt qua nỗi đau thương tật nặng nề do chiến tranh để lại trên cơ thể ông, nhà văn Sơn Tùng vẫn trực tiếp gặp gỡ nhiều người, cảnh vật, di tích Huế, nhất là sông Hương, núi Ngự, Đại Nội Huế, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mai Thúc Loan (TP. Huế), ở Dương Nỗ (huyện Phú Vang), chợ Đông Ba, chợ Xép, chợ Mai… Nhờ vậy, hình ảnh con người, cảnh vật Kinh đô Huế những năm anh cử Sắc (Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ) mang theo vợ con vào trọ học để thi hội và dạy học thêm ở Huế, ở Dương Nỗ (Phú Vang) thật sống động, hấp dẫn…

“Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng quyện tỏa hương làng Sen, Nam Đàn, xứ Nghệ và hương sen hồ Tịnh, xứ Huế mà tuổi thơ của Bác Hồ đã thấm và mãi ngát hương. Sinh thời, sau khi tác phẩm “Búp sen xanh” ra đời, được dư luận quan tâm, năm 1982, nhà văn thương binh Sơn Tùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời gặp mặt thân mật. Thủ tướng có ý tặng/cấp nhà ở phố Liễu Giai, Hà Nội cho nhà văn Sơn Tùng nhưng ông đã cảm ơn và từ chối.

Mười năm sau, khi Sơn Tùng đã nổi tiếng với “Búp sen xanh”, Thành đoàn Hà Nội cũng nhã ý tặng “nhà tình nghĩa” cho nhà văn thương binh Sơn Tùng, nhưng lần nữa, ông lại từ chối “nhường phần cho những người khó khăn hơn” và vẫn ung dung tự tại sáng tác văn học phụng sự Nhân dân, đất nước trong căn phòng 11m2 (sau đổi được căn 21m2) ở tầng 2, nhà A, khu tập thể Văn Chương, ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội.

Căn gác tuy nhỏ về diện tích nhưng đã trở thành “Chiếu Văn” ấm cúng chân tình, nơi Sơn Tùng mở lòng đón tiếp nhiều thế hệ bạn hữu văn nghệ sĩ, trí thức, bạn đọc yêu quý trong và ngoài nước đến với ông. Ở “Chiếu Văn” Sơn Tùng, khách và chủ đã tâm giao trên sàn nhà với chén trà đạm bạc, không khoảng cách, không bàn ghế.

Ý chí sống và sáng tạo phi thường

Nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng nặng vĩnh viễn (1/4). Ông bị trọng thương trong đợt oanh kích của địch ở chiến trường Đông Nam bộ, tháng 4/1971. Sau khi được cứu chữa, điều trị, trong cơ thể ông còn có 14 mảnh đạn M19 chưa lấy ra được. Ba mảnh đạn của Mỹ găm sâu trong sọ não làm ông đôi khi bị ngã bất tỉnh và nhiều mảnh đạn làm dập bả vai trái, liệt tay trái, hai bàn tay bị co, liệt; thị lực chỉ còn 1/10. Tuy vậy, ông đã tự luyện tập, vượt qua mọi nỗi đau về thể xác để tiếp tục cầm bút, lao động sáng tác văn học theo điều kiện, hoàn cảnh, phong cách chính mình.

Nhiều năm đầu mới hồi phục, ông phải dùng dây chun buộc cây bút vào hai ngón tay phải để viết văn giữa những cơn đau do vết thương hành hạ. Có đêm, ông phải nhờ người thân dùng dây màn “bó” ông vào thành ghế để ông ngồi viết mà không bị ngã, nhỡ khi động kinh do vết thương sọ não tái phát. Nghị lực sống và viết của Sơn Tùng thật phi thường.

Sơn Tùng được coi là nhà văn viết nhiều và thành công nhất về Bác Hồ. Bên cạnh “Búp sen xanh”, ông còn có “Bông sen vàng”, “Hoa râm bụt”, “Trái tim quả đất”, “Nguyễn Ái Quốc qua ký ức bà mẹ Nga”, “Từ làng Sen”; “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Vườn nắng”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Bác ở nơi đây”… Về đề tài chiến tranh, nhà văn Sơn Tùng có tiểu thuyết “Vườn nắng”, “Lõm”, “Con người con đường”. Mảng danh nhân cách mạng, văn hóa - lịch sử, có tác phẩm “Trần Phú”, “Nguyễn Hữu Tiến”, người vẽ cờ Tổ quốc…

Khi biết tin buồn về tác giả “Búp sen xanh”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xúc động chia sẻ trên trang cá nhân: “Nhà văn Sơn Tùng đã ra đi. Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông!”.

BÙI NGỌC QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top