ClockThứ Năm, 18/02/2016 05:47

Nhà xuất bản Thuận Hóa: Ba mươi lăm mùa xuân đã qua

TTH - Cách đây 35 năm, Nhà xuất bản Thuận Hóa chính thức ra đời theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông Tin.

Sự ra đời của Nhà xuất bản Thuận Hóa trong thời điểm lúc bấy giờ là một sự kiện có ý nghĩa trong ngành văn hóa tỉnh nhà nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu thông tin, nghiên cứu, sáng tạo và học tập của đông đảo giới nghiên cứu, sáng tác, học sinh, sinh viên và cán bộ, nhân dân trong tỉnh Bình Trị Thiên.

Nhiều đầu sách quý được xuất bản đáp ứng yêu cầu của bạn đọc

Do sự ra đời và phát triển trên vùng đất lịch sử nên Nhà xuất bản mang trong mình những đặc thù riêng biệt. Ông Hoàng Tùng, nhà báo lão thành, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, khi nói về chức năng và phương hướng hoạt động của Nhà xuất bản đã chân tình nhắc nhở: ‘’Nhà xuất bản Thuận Hóa là một Nhà xuất bản địa phương nhưng không phải địa phương - vì Huế là một trung tâm lịch sử văn hóa lâu đời của đất nước, và cũng được thế giới biết đến. Bởi vậy, ngay từ đầu, Nhà xuất bản phải phấn đấu để có những tác phẩm tương xứng với vùng đất lịch sử Thuận Hóa.’’

Ngay khi mới thành lập, các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hồi ấy như Bùi San, Vũ Thắng, Nguyễn Văn Lương, Trần Hoàn đã kịp thời dành cho Nhà xuất bản sự quan tâm sâu sắc. Nhạc sĩ Trần Hoàn, các đồng chí Vương Hồng, Lê Trọng Sâm là những vị lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp đặt nền móng xây dựng Nhà xuất bản với các cương vị: Giám đốc - Tổng biên tập, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập. Ngay sau khi thành lập, một đội ngũ tâm huyết với sự nghiệp xuất bản bước đầu được quy tụ bao gồm các nhà giáo, các cán bộ hoạt động trong quân đội, trong ngành văn hóa, các sinh viên mới tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Đại học Huế.

Từ 13 tên sách năm 1981 tăng lên 35 đầu sách năm 1985 và 65 đầu sách năm 1991, bạn đọc đã tìm thấy những tên sách phản ánh về cuộc sống mới, con người mới cùng với những mô hình làm ăn mới lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng thấy ánh lên mảng sách về đề tài nghiên cứu lịch sử - văn hóa Bình Trị Thiên, Cố đô Huế. Sách về đề tài nghiên cứu lịch sử văn hoá lúc này chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi nhưng bước đầu đã tạo tiền đề quan trọng đối với giới nghiên cứu - phê bình của cả nước nói chung. Để thu hút sự quan tâm của đội ngũ cộng tác viên trong cả nước, Nhà xuất bản đã mạnh dạn đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy cho phép xuất bản thử nghiệm tạp chí Nghiên cứu Bình Trị Thiên - tiền thân của tạp chí Huế xưa và nay - để làm cầu nối giao lưu văn hóa trong phạm vi rộng lớn hơn.

Vào những năm này, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, chí tình của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên đã thực sự là chất xúc tác mạnh mẽ gắn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước với Nhà xuất bản. Đối với mảng sách dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã xuất bản nhiều đầu sách tốt, nhiều công trình của các tác giả nổi tiếng như Đôtstôiepxki, Êmin Dôla, Xincle Luit... Năm 1987, Nhà xuất bản đặt quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Xuất bản Biêlôrútxia, tổ chức dịch và xuất bản sách của bạn sang tiếng Việt và sách của Nhà xuất bản Thuận Hóa sang tiếng Nga.  Bên cạnh các mảng sách nói trên, các loại sách dịch, sáng tác, truyện tranh phục vụ cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi cũng được Nhà xuất bản chú ý.

Qua 35 năm hoạt động,  Nhà xuất bản Thuận Hóa đã vinh dự đón nhận được nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen của tỉnh, của Bộ Văn hóa - Thông tin, Cục xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cả về nội dung và hình thức. Trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập (1996), Nhà xuất bản Thuận Hóa vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tiếp bước thành quả chặng đường 1981 - 2000, 15 năm vừa qua của thế kỷ XXI, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, Nhà xuất bản đã kiên trì giữ vững, phát huy định hướng và lợi thế là một nhà xuất bản tổng hợp. Đất và người xứ Thuận Hoá - Huế qua các thời kỳ lịch sử tiếp tục được tái hiện sinh động. Các bộ sách quý như Phan Bội Châu toàn tập, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đường thi tuyển dịch, Đại từ điển tiếng Nôm... đã được xuất bản và  tái bản, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài nước. Việc phối hợp, liên kết xuất bản các tác phẩm viết về chân dung các nhà khoa học, triết học trên thế giới có thể nói là một nét mới khá độc đáo của Nhà xuất bản: Uyliam Giêmxơ, Max Weber, Phridrich Nitsơ, Ximôn Phrơt, Edmurd Husserl...

35 năm qua, gần 6000 tên sách và văn hoá phẩm của Nhà xuất bản đã đến với đông đảo bạn đọc mọi miền. Bạn đọc có thể tìm thấy những công trình khoa học nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các sách về lịch sử Đảng bộ tỉnh, các ngành, địa phương. Sách văn học nghệ thuật và phê bình văn học của Nhà xuất bản Thuận Hóa đặc biệt chú trọng tới sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương, trong đó có nhiều tác phẩm đã được giải thưởng Trung ương và địa phương.

Bên cạnh các loại sách chính trị, lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, tủ sách Nhà xuất bản còn có sự góp mặt của nhiều loại sách về khoa học kỹ thuật, y học (đặc biệt là đông y cổ truyền), sách từ điển cũng được Nhà xuất bản chú ý đầu tư, tạo điều kiện trong quá trình xuất bản. Các sách về y học, các loại từ điển Hán Việt , Hán Nôm có khi soạn giả phải mất nhiều năm trời mới hoàn chỉnh một công trình là một mảng sách có uy tín trong nước.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất bản của mình và nâng cao vị thế của Nhà xuất bản trong phạm vi cả nước, Nhà xuất bản đã tổ chức triển lãm sách của mình ở nước bạn Lào và ở Liên Xô (cũ); các hội chợ và triển lãm sách tại Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; xây dựng mối quan hệ kết nghĩa và hợp tác với các Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Nghệ An, Đà Nẵng; tổ chức gặp gỡ, trao đổi cán bộ để học hỏi thêm nghiệp vụ.

Bài, ảnh: Nguyễn Dạ Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top