ClockThứ Hai, 14/06/2021 14:46

Nhạc sĩ Văn Cao - Người sông Ngự

Nhạc công, ca sĩ thiếu đất diễnNhạc sĩ Nguyễn Văn Thương & những giai điệu từ “trên sông Hương”…12 tiết mục đặc sắc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam

Bìa nhạc phẩm “Thiên Thai” tái bản năm 1955 do Nxb Tinh Hoa ấn hành, với lời đề từ của Văn Cao

Nhạc sĩ Văn Cao đến với Huế rất ít, tuy nhiên rất lạ, những nhạc phẩm hay nhất của Văn Cao lại có cảm hứng bắt đầu từ Huế, và bài thơ đầu tiên của ông, cũng lại được bắt đầu trên sông Hương. Năm 1986, trong lá thư gửi cho anh em văn nghệ Huế, ông viết: “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ, lịch sử và cảnh vật của Cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Đối với nơi đó, người ta phải suy nghĩ nhiều, không chỉ về lịch sử mà về một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ, sự sáng tạo của người dân Huế đã giúp tôi làm được âm nhạc và thơ”.

Năm 1940, nhạc sĩ Văn Cao đến Huế, đi thuyền trên sông Hương vào một đêm thu “trăng lặn, hiu hiu gió”. Không gian bàng bạc nỗi niềm trên sông Hương đêm ấy đã ám ảnh thi sĩ - nhạc sĩ sâu sắc. Ngay trong chuyến đi thuyền lênh đênh sông Hương năm đó, bài thơ đầu tiên của Văn Cao ra đời: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Đây là một trong những bài thơ đặc sắc viết về sông Hương và ca Huế. Một không khí quánh đặc mờ mịt sương giăng, âm giai đồng vọng của tri âm hiển hiện: “Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha/ Em nghe anh dạo khúc thu xa”. Trong không gian ấy, chàng nghệ sĩ si tình xứ Bắc mê mẩn khúc hát tương tư của cô gái Huế: “Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/Từng canh trời điểm một sao rơi/Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi…”. Bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ đẹp và lãng mạn bậc nhất về Huế: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”.

Ôm niềm vi diệu từ đêm sông Hương ấy, nhạc sĩ vào Sài Gòn viết nên bài hát “Trên sông Hương”. Rồi đến một ngày của năm 1941, khi dong buồm đi chơi trên sông Phi Liệt ở Hải Phòng, tiếng ca trù vọng vang giữa sông nước hoang liêu, luồng cảm xúc trên sông Hương đêm thu xưa bừng dậy, và Thiên Thai ra đời. (Lời bài hát được ghi là của Văn Cao, Hoàng Thoái. Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao). Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: “Ca khúc “Thiên Thai” nguyên là bài “Trên sông Hương” được ông sáng tác tại Sài Gòn, từng đem ra trình diễn nhưng không thành công. Năm 1941, khi trở lại Hải Phòng, ông sửa lại cả nhạc lẫn lời và đặt tên là Thiên Thai”.

Thiên Thai là một bài hát, mà cũng là một bức họa thần tiên được vẽ nên bằng giai điệu của âm nhạc cao vút, sự tinh túy trong ngần của thi ca và sắc màu thần thoại của hội họa. Và chỉ có sông Hương trong tâm cảm mới tạo nên được một không gian trinh nguyên chưa từng nhuốm bụi trần cho hai chàng Lưu Nguyễn, cho Văn Cao đắm mình, thăng hoa miền thượng giới. Năm 1944, “Thiên Thai” được Nxb Tinh Hoa xuất bản. Bản in tái bản của Nxb Tinh Hoa năm 1955 có in ở bìa một dòng đề từ của Văn Cao: “…Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi…”. Văn Cao tự nhận mình là người sông Ngự. Nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Trong Thiên Thai cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của người sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao”.

Những nhạc phẩm tuyệt tác sau đó của Văn Cao như “Suối mơ”, “Trương Chi”… viết trong khoảng thời gian từ 1941-1943, đều bàng bạc cảm hứng từ thành quách kinh kỳ cổ tích rêu phong, từ sông nước Hương Giang lững lờ trôi diệu vợi, từ dáng người con gái Huế với tà áo vấn vương và e ấp…

Năm 1987, người sông Ngự - Văn Cao lại có dịp được về Huế. Nhạc sĩ được các nhà thơ Huế mời xuống đò tìm lại dư âm xưa cũ của “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Lúc ấy đang là những ngày mưa thu. Mưa thu xứ Huế là loài mưa hoài niệm, nó bắt người ta phải nhớ về những gì đã khuất. Trong bối cảnh đó, thi sĩ Văn Cao viết bài thơ “Huế xưa”:

“Về Huế xưa

Đường phố mưa dài

Về lối xưa

Nhìn phố mưa buồn

Từng mặt gương đau

Từng mảnh gương tan

Lòng phố lòng người

Giọt người chia ly

Giọt người yêu thương

Giọt nào không vương

Giọt người bơ vơ

Giọt người theo mưa về phố

Tiếng mưa đang đổ

Về Huế xưa

Nhìn đường phố xưa

Mưa phủ dòng Hương”

Ngày xưa là ám ảnh đêm thu sông Hương với người con gái hát ca Huế cung Bắc cung Thương. Huế của lần hội ngộ ám ảnh mưa từng giọt rơi theo thời gian xa cách, những ký ức cuộn lại, và lòng người đang buông lơi. Giai điệu thơ không còn cao vút như âm giai Thiên Thai, không bàng bạc như “Suối mơ”... Nhịp bây giờ chậm như những bước chân lữ thứ, những bước chân hòa nhịp mưa buồn, mà lòng dõi về quãng thời gian đã trôi về phía sau. Theo từng giọt mưa hoài niệm, từng giọt mưa nhớ, là những kinh kỳ đã thành quá vãng, những hiển hiện của biệt ly đầy xót xa, những bơ vơ của tiếc nuối đang theo mưa đổ về...

Rời bóng kinh thành Cố đô, anh em văn nghệ Huế đưa người sông Ngự về với một miền “văn hóa rượu” – làng Chuồn. Rượu nút lá chuối làng Chuồn khiến Văn Cao túy lúy và có những khoảnh khắc đầy cao hứng. Ông cũng có dịp uống rượu với ngư dân trên đầm phá. Đó là một cuộc rượu say nghiêng say ngã, để rồi ông có bài thơ “Đêm trên phá Tam Giang” với những câu thơ lộng gió:

“Tôi ngủ trên mảnh lưới

Bên các anh thủy thủ

Gió gió gió biển vào

Mơ giấc mơ lạ”

Những câu thơ cũng đầy ám ảnh Văn Cao:

“Tôi níu lấy mảnh lưới

Lưới là cái cuối cùng

Đang hắt tôi xuống biển”

Nhạc sĩ Văn Cao, thi sĩ Văn Cao, dù nhạc sĩ hay thi sĩ thì ông cũng là người sông Ngự. Những tác phẩm của ông gắn liền với Huế là vô giá.

Bài, ảnh: HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi

Bỏ ra gần 23 năm sưu tầm, khảo cứu (từ năm 2001), đến cuối năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho xuất bản cuốn “Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam” (Nxb Thanh Niên, tháng 11/2023). Sách dày 145 trang, đặc biệt có rất nhiều ảnh tư liệu in màu, minh họa cho các nội dung, nên sách càng tăng tính mỹ thuật và giá trị nghiên cứu.

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi
Tuyển người nào chắc người đó

Với phương châm tuyển người nào chắc người đó, công tác chuẩn bị giao nhận quân của huyện Quảng Điền được tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Tuyển người nào chắc người đó
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

TIN MỚI

Return to top