ClockThứ Ba, 20/02/2018 12:00

Nhạc sư Bửu Lộc: “Vẫn còn quê mẹ để mà thương”

TTH - Nhạc sư Bửu Lộc sinh năm Tân Hợi (11/9/1911) tại làng An Cựu. Thân phụ của ông là một trang phong lưu công tử nức tiếng với ba cây đàn: nguyệt, nhị và bầu; thân mẫu là người có giọng ca rất điêu luyện, sang quý. Nhạc sư Bửu Lộc còn có biệt tài sáng tác các làn điệu ca Huế xuất thần, tao nhã hợp tình hợp cảnh, hiện vẫn còn được ghi chép, thuộc lòng khá nhiều.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cảm ơn cuộc đời cho tôi gắn bó với Nhân dânChương trình Âm nhạc Trịnh Công SơnNghệ sĩ Việt trong ban nhạc nước ngoàiTìm lại những “mảnh vỡ” của bài bản Nhã nhạc Tam thiênKhai mạc liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam

Nhớ mãi tiếng đàn, lời ca của nhạc sư Bửu Lộc

Đàn ca Huế còn gọi là đàn ca tri âm, hay đàn ca tài tử. Bộ môn âm nhạc truyền thống này hình thành tại xứ Huế từ thời chúa Nguyễn và phát triển rực rỡ đến cuối thời Nguyễn (TK. 18– 20). Nó được giới quyền quý, phong lưu sáng tác để cùng nhau thưởng thức lúc nhàn nhã hoặc qua đó giải bày tâm sự vui buồn cùng bạn tri âm, khách đồng điệu. Trong khoang thuyền lờ lững giữa dòng Hương đêm trăng trong gió mát hay nơi thính phòng ấm cúng buổi giá buốt trời đông, ngồi lắng nghe tiếng tơ, tiếng đồng xuất thần của tài tử hòa với hơi nam, hơi khách hút hồn của giai nhân, khiến người ta quên hết ngoại cảnh, chỉ còn:

 “Bên ngoài vũ trụ bao la,

Bên trong thuyền mộng là ta với đàn.”

Thế hệ chúng tôi may mắn còn duyên gặp gỡ các danh cầm, diệu thủ như mệ Vĩnh Phan (đàn tỳ), nhạc sư Nguyễn Hữu Ba (đàn nhị), ông Gia Cẩm (đàn nguyệt)… nhưng tình cảm thân thiết, ấn tượng đậm đà nhất đối với tôi là nhạc sư Bửu Lộc với cây đàn tranh.

Bửu Lộc là con trai của công tử Nguyễn Phước Ưng Thông và bà Nguyễn Thị Tần, đệ tam chánh hệ, phòng Thái Thạnh quận vương (hoàng tử thứ 3 của vua Thiệu Trị).

Ông sinh năm Tân Hợi (11/9/1911) tại làng An Cựu. Thân phụ của ông là một trang phong lưu công tử nức tiếng với ba cây đàn: nguyệt, nhị và bầu; thân mẫu là người có giọng ca rất điêu luyện, sang quý. Trưởng thành, Bửu Lộc theo học đàn nguyệt với thầy Khóa Hài, đàn tỳ với thầy Trợ Tồn, và đàn tranh với ông Tôn Thất Hường. Nhờ vậy mà ông chơi nhuần nhuyễn cả tranh, tỳ, nhị, nguyệt. Sau khi triều Nguyễn cáo chung, Bửu Lộc cùng các ông Vĩnh Trân, Vĩnh Phan, nghè Toản được Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn đưa ra Hà Nội tham dự Hội thi Văn nghệ Dân tộc, kết quả là Bửu Lộc được trao giải Nhất về đàn tranh.

Bửu Lộc (1911-1986)

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bửu Lộc cùng gia đình di chuyển vào Nam sinh sống. Từ năm 1957-1963, ông được mời giảng dạy đàn tranh và đàn nguyệt tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông cùng với mệ Vĩnh Trân (con vua Thành Thái), Vĩnh Phan (con Tuyên Hóa quận vương), nhạc sĩ Gia Cẩm cùng các ca nương Bích Liễu, Thu Tâm, Bích Vân, Tuyết Hương thành lập ban ca Huế “Hương Bình”. Sau ngày nước nhà thống nhất, nhạc sư Bửu Lộc vẫn cộng tác với các chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ông thường được mời vào ban giám khảo của các cuộc thi về bộ môn âm nhạc truyền thống.

Tánh tình nhạc sư Bửu Lộc rất đôn hậu, khiêm cung. Đời sống thường nhật của ông thanh bạch, gần gũi, luôn dí dỏm khôi hài với mọi người nên được giới văn nghệ sĩ cũng như nhiều thế hệ môn sinh thương kính. Ngay giai đoạn khó khăn (1975-1985), ngôi nhà nhỏ của Bửu Lộc là chốn hẹn hò, họp mặt của tao nhân mặc khách, không ngày nào vắng đàn ca, ngâm thơ. Tiếng đàn tranh Bửu Lộc vẫn an nhiên uyển chuyển, tình tứ sâu lắng đi vào lòng người:

“Chơi vơi một khúc đàn tranh

Ấy là Bửu Lộc riêng mình một ngôi”

Nhạc sư Bửu Lộc còn có biệt tài sáng tác các làn điệu ca Huế xuất thần, tao nhã hợp tình hợp cảnh, hiện vẫn còn được ghi chép, thuộc lòng khá nhiều. Những năm cuối đời, mối tình quê hương trong lòng người con xa xứ bùng lên mạnh mẽ. Cảnh đền đài, lăng tẩm Hương Thủy, Bình San thường hiển hiện trước mắt ông, văng vẳng trong tâm hồn ông lời thôi thúc đứa con tài hoa lãng du lâu ngày quay về cố quận. Ông viết:

Câu hò mái nhì:

“Hồng nhạn bay ngang, đỉnh Bình San thơ mộng,

Lê thê xa vọng, tiếng hát đò đưa.

Văn Lâu bến cũ rêu mờ,

Thanh âm còn văng vẳng, như ai đợi ai chờ giữa non sông”

Bài Nam ai:

“Mấy thu vắng bặt tin hồng,

Não nùng dạ ngọc.

Lê thê cảnh thềm hoang, tiếng dế nỉ non.

Văn đình lọt hơi sương,

Thanh âm nào khêu gợi nguồn cơn

Hồi tưởng chuyện quê hương

Xót xa chạnh trường… đêm trường

Trót mang chút nợ thi cầm,

Âm thầm cảm lụy.

Mang ý nhạc lời ca, tô điểm non sông.

Tiếng tơ, tiếng lòng, đem hoài mong

Gởi ngọn thu phong

Ôm nỗi lòng, ngồi tựa bên song,

Viết nên đôi dòng.

Không viết sợ… e đời vô vị

Rày mỗi độ thu sang, bao nỗi niềm

Sống lại trong tâm can

Tuồng dâu bể đa đoan,

Gây bao phủ phàng”.

(Thu Quý Hợi, 1983)

Câu hò mái nhì:

“Cung đàn hoài cảm hòa mưa gió

Điệu hát ân tình nặng núi sông

Bảy mươi hai tuổi một tấm lòng

Trông về quê mẹ… não nùng nhớ thương”...

Sinh nhật lần thứ 75 của nhạc sư Bửu Lộc (11/9/1986), thân hữu xa gần và môn sinh nhiều thế hệ tổ chức tiệc mừng thọ tại tư thất của ông, đờn ca xướng hát suốt ngày. Rất tiếc thời gian này sức khỏe của ông đã sút giảm nhiều, tay yếu nên không thể cùng tri kỷ gảy đàn như xưa nữa.

Lễ giỗ Tổ Âm nhạc tiếp theo, ngày 16 tháng 10 năm Bính Dần (1986) cũng được tổ chức tại nhà nhạc sư Bửu Lộc (khác với những năm trước thường làm lễ tại nhà nhạc sư Nguyễn Hữu Ba). Bạn hữu, môn sinh đến tham dự rất đông, mọi người đều vui mừng khi còn gặp được ông trang trọng trong bộ quốc phục ngồi chào đón thăm hỏi rất chân tình, thân thiết… Ai ngờ nhân duyên đã đến hồi tan rã, chỉ hơn mười ngày sau, người nghệ sĩ bậc thầy của bộ môn nghệ thuật đàn ca Huế đã thanh thản xả bỏ thân phàm để hương hồn theo gió bay về quê cha đất tổ tận miền Hương Ngự.

Trải qua cơn gió bụi, phiêu dạt hơn 40 năm nơi đất khách, nhưng Nguyễn Phước Bửu Lộc vẫn son sắt một niềm tin tưởng:

“Ta vẫn còn giang san

Ta vẫn còn quê mẹ để mà thương

Tình của Hương Giang, của Bình San

Cao thanh vô vàn…”

Bài, ảnh: Trần Đình Sơn

ĐÁNH GIÁ
4.5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương

Ông bà cưới nhau đã hơn 60 năm, nắm tay nhau đi qua một kiếp người đằng đẵng, cùng nhau khai phá vùng đất mới, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, nuôi heo...

Thương
Thương chợ ngày mưa

Cái ấm áp ấy là ánh mắt của những mệ, những chị đang ngồi co ro với mớ rau, rổ cá, rổ tôm đã mừng sáng rỡ lên...

Thương chợ ngày mưa
Hát gì mà hát cả đêm

Đây là một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Dòng trạng thái này viết vào lúc 2h4 phút. Tôi tin đây là điều có thật. Bởi những chuyện kinh doanh gây ồn không xa lạ gì với đời sống đô thị.

Hát gì mà hát cả đêm
Nhà thơ Tố Hữu & quê mẹ

Nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức ấn hành thi phẩm với tên gọi lấy từ tựa đề bài thơ “Quê mẹ” của ông. Tập thơ bao gồm những bài thơ nhà thơ Tố Hữu viết ở Huế, viết về Huế, hoặc có nhắc đến quê hương Thừa Thiên Huế trong một cõi đất Việt “Nước non ngàn dặm”.

Nhà thơ Tố Hữu  quê mẹ
Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020), sáng 23/9, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cùng đông đảo nhà văn, nhà thơ.

Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu

TIN MỚI

Return to top