ClockThứ Hai, 19/12/2016 05:36

Nhân dân Thừa Thiên Huế hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

TTH - Sau cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách tưởng chừng như “ ngàn cân treo sợi tóc”.

Bằng sự lãnh đạo tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng, lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua những khó khăn gian khổ, bước đầu ổn định, để xây dựng một chế độ mới.

Bút tích “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

Một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là nạn thù trong giặc ngoài. từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng vin vào việc giải giáp phát xít Nhật, nhưng thực chất là muốn xâm chiếm miền Bắc nước ta. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, hơn 1 vạn quân Anh, dưới danh nghĩa là quân đồng minh, nhưng thực chất là tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.

Âm mưu muốn trở lại xâm lược nước ta lần nữa của thực dân Pháp ngày càng bộc lộ trắng trợn. Ngày 23/9 /1945, quân Pháp chính thức quay trở lại xâm lược nước ta, chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng, rồi sau đó tiến quân ra Huế.

Thực dân Pháp liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét, hòng đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng và mưu toan xóa bỏ chính quyền cách mạng mới thành lập của ta. Chúng bắt bớ, tra tấn, đàn áp những chiến sĩ cách mạng, những người tham gia kháng chiến cũ, đốt phá nhà cửa, làng mạc…

Đứng trước tình hình đó, đứng đầu Đảng và Chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những sách lược hết sức mềm dẻo, tạm thời hòa hoãn với Pháp ký hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và tiếp đến là ký tạm ước 14/9/1946, mục đích là tranh thủ hòa bình, hòa hoãn để có thời gian tái thiết xây dựng đất nước. Tuy nhiên, phía Pháp không chịu thi hành những điều khoản đã ký kết, liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải  phóng, hơn nữa chúng còn gửi tối hậu thư đưa ra những yêu sách với Chính phủ ta.

 Sau những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình không đạt được kết quả. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch hiệu triệu toàn dân đứng lên chống lại thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân cả nước lại kề vai sát cánh, một lần nữa đoàn kết đứng lên chống giặc cứu nước.

Ở Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ đứng đầu là đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh Ủy đã nhanh chóng tập hợp cán bộ chiến sĩ, cùng Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp. Ngay trong đêm 19/12/1946, Thường vụ tỉnh ủy họp mở rộng để triển khai Nghị quyết của BCH TW Đảng, đồng thời họp bàn chủ trương sơ tán lực lượng, cơ sở vật chất lên chiến khu để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Mặt khác, tỉnh ủy chủ trương dùng lực lượng vũ trang tiến hành bao vây tiêu diệt quân Pháp ở TP. Huế, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và làm chùn bước bình định lấn chiếm của quân địch. 

Cuộc đấu tranh của Nhân dân Thừa Thiên Huế trong những ngày đầu kháng chiên vô cùng gian khổ, sau 50 ngày đêm bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở TP. Huế, ta đã tiêu diệt 250 tên địch, tịch thu nhiều vũ khí. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng và đặc biệt trước hỏa lực mạnh của quân Pháp, trong khi đó vũ khí của ta quá thô sơ, không thể đương đầu nổi, nếu tiếp tục kéo dài sẽ bất lợi, tổn thất cho ta, nên tỉnh ủy chủ trương rút quân khỏi TP. Huế lên chiến khu Hòa Mỹ (Phong Điền) để cùng Nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với nhân dân Thừa Thiên Huế, những ai đã từng sống và chiến đấu trong thời kỳ này, chắc hẳn những ký ức “ngày toàn quốc kháng chiến” vẫn còn sống mãi với thời gian. đó là những ngày tháng vô cùng gian khổ “nếm mật, nằm gai, mưa dầm, cơm vắt..”, nhưng cũng đầy kiêu hãnh, là niềm tự hào bao thế hệ cha ông, thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường bất khuất, một khát vọng to lớn như Bác từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Những trận đánh “chạm trán” giữa quân và dân Thừa Thiên Huế với quân Pháp đã chứng minh sự mưu trí, sáng tạo trong thao lược, lấy ít địch nhiều, biết vận dụng điều kiện có thể, với vũ khí thô sơ như “dùng rơm, ớt cay đốt hun khói” để đánh chiếm khách sạn Morin, và những vũ khí thô sơ như: gậy gộc, giáo mác, nỏ, ná, chông, bẫy… Bên cạnh đó, cũng có một số vũ khí khác hiện đại hơn mà lúc bấy giờ trong nước ta có thể tự sản xuất được như bom xăng, bom “ba càng”… nhưng hơn cả là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã quyết định nên những chiến công vang dội và góp phần tiêu diệt sinh lực địch. Sự đối đầu cam go, đầy khó khăn thử thách, nhưng cũng nói lên được một điều đó là: Nhân dân ta nhất định đánh bại thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi.

Những ngày đầu toàn quốc bước vào kháng chiến, nhân dân Thừa Thiên Huế đã thể hiện một cách xuất sắc và hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự thủy chung tình Bắc – Trung – Nam son sắc, như Bác từng nói  “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bảy mươi năm đã qua, sự chung tay, chung sức của Nhân dân Thừa Thiên Huế đã lập nên những chiến công to lớn trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, mãi mãi là những trang sử hào hùng chói lọi. 

Ngọc Kiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top